Những ông trùm “báo lá cải”: Lãng tử Hugh Hefner

21/07/2011 00:54 GMT+7

Trong các ông trùm báo chí, có lẽ Hugh Marston Hefner, chủ của tạp chí Playboy là người đa tình và có đời sống phóng khoáng nhất. Dù nay đã ở tuổi 85, nhưng quanh Hugh lúc nào cũng có gái đẹp. Nhưng nói gì thì nói, trước hết Hugh là nhà báo giỏi và nhà kinh doanh đại tài.

Hugh Marston Hefner sinh ngày 9.4.1926 tại Chicago, Mỹ. Cha mẹ của Hugh là những người khắc kỷ và khá bảo thủ. Thuở nhỏ Hugh và đứa em trai của mình bị cha mẹ cấm hút thuốc, uống rượu, không được đến rạp phim, còn chủ nhật thì bắt buộc phải đến nhà thờ.

Cách giáo dục như thế đóng vai trò quan trọng đối với Hugh. Sau này ông thổ lộ, cho đến năm 16 tuổi mình vẫn không biết sự khác biệt giữa đàn ông và đàn bà (!). Nhưng cũng chính vì bị đè nén như thế mà quan điểm tình dục của Hugh không giống như cha mẹ. “Tạp chí Playboy là sự phản ứng lối thanh giáo và thói đạo đức giả thời thơ ấu của tôi”, Hugh nói.

Hugh Hefner học phổ thông tại Chicago, tuy không có gì xuất sắc nhưng chỉ số thông minh (IQ) của ông đạt ngưỡng thiên tài - 152 điểm. Thời sinh viên Hugh say mê làm báo tường, vẽ tranh châm biếm, viết báo và có lúc làm chủ tịch hội sinh viên. Năm 1944, vị tổng biên tập tương lai nhập ngũ, phục vụ tại nước Mỹ. Làm lính bộ binh nhưng Hugh vẽ tranh cho các báo của quân đội để rồi sau khi xuất ngũ tham gia khóa học về nghệ thuật tại trường Nghệ thuật Chicago. Là người thông minh nên sau đó trong vòng 2 năm Hugh còn nhận bằng cử nhân Tâm lý học của Đại học Illinois.

Năm 23 tuổi (1949), Hugh cưới và chung sống với Mildred Williams và có 2 người con: Christie Hefner sinh năm 1952 và David năm 1955. Để nuôi gia đình, chàng trai trẻ phải làm đủ nghề rồi cuối cùng làm ở bộ phận quảng cáo của tạp chí Esquire với mức lương 60 USD/tuần. Khi đó Hugh là người chuyên nghĩ ra các slogan, quan hệ với khách hàng, viết bài PR và được đánh giá là nhân viên có năng lực. Nhưng sau đó Esquire chuyển trụ sở đến New York, Hugh ở lại Chicago và bắt đầu sáng lập tờ báo của riêng mình.

Trong túi chỉ có 600 USD, Hugh phải vay bạn bè 8.000 USD rồi thành lập hãng HMH Publishing Co., in số đầu tiên của Playboy có hình ảnh trang bìa là Marilyn Monroe vào ngày 1.12.1953. Hugh khi đó không tin tưởng là sẽ thành công, tuy nhiên, Playboy số 1 thành công ngoài sức tưởng tượng: với giá 50 cent, 54.175 bản đã được tiêu thụ trong chốc lát. Tiền thu được từ bán báo đủ để Hugh trả nợ và chuẩn bị ra số báo thứ 2 mà sự thành công không có gì đáng phải nghi ngờ.


Hugh Hefner với các “cô gái thỏ” ở CLB đêm tại Chicago năm 1960
 

 
Playboy số 1 với ảnh bìa là Marilyn Monroe

Playboy ra đời gặp thời. Bởi thế hệ trẻ táo bạo của Mỹ sau Thế chiến thứ II đang chiếm ưu thế trước những người lớn tuổi bảo thủ. Từ các thị xã nhỏ lẻ, nghèo khó, thanh niên tìm đến các trung tâm công nghiệp lớn đang phát triển. Những chàng trai trẻ cần một hình ảnh mới, văn hóa mới, sự tự do khi mà tốc độ đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng. Đó là người hùng James Bond luôn tự tin ở mình trong các siêu chiến dịch mà vẫn chung chăn gối với các giai nhân có sắc đẹp tuyệt thế. Đấy là “cuộc tấn công” của chủ đề sex vào điện ảnh, sân khấu, văn học. Những chiếc váy của phụ nữ thay vì dài lượt thượt giờ ngắn trên đầu gối. Các chiếc áo có cổ kín đáo nay được xẻ rộng để lộ vai trần. Thế hệ mới nhanh chóng tạo nên văn hóa tiêu dùng mới.

Chi tiết thú vị là lúc đầu tạp chí định lấy tên là Stag Party (tạm dịch nôm na là bữa tiệc dành cho đàn ông) và logo sẽ là con hươu. Nhưng ý tưởng này đổ bể vì đã có tạp chí có tên tương tự là Stag. Cuối cùng cái tên Playboy được chọn và hình ảnh con thỏ Bunny do giám đốc mỹ thuật của tạp chí - Arthur Paul, sáng tạo nên trở thành logo không chỉ riêng Playboy mà cả các sản phẩm do Hugh tạo ra sau này.

Mỗi một năm trôi qua, tạp chí của Hugh ngày càng được nhiều người tìm đọc. Điều này có được là do sự khôn khéo của lãng tử. Trên trang bìa không chỉ là những người mẫu “thường thường bậc trung” mà còn có cả các tên tuổi lớn của thế giới như: Madonna, Naomi Campbell, Cindy Crawford, Sharon Stone... Nhiều người mẫu sau khi chụp ảnh cho Playboy bắt đầu sự nghiệp ở điện ảnh hay quảng cáo thương mại. Nhưng để có được điều này, “cô gái Bunny” phải chấp nhận ký hợp đồng với điều kiện 2 năm không được chụp ảnh cho các tạp chí khác và phải tham gia vào các show quảng cáo của Playboy trên thế giới.

Công bằng mà nói, tạp chí Playboy sẽ không được nhiều người đón đọc như thế nếu chỉ có mỗi “thực đơn” cô gái trang bìa, cô gái của tháng hay của năm. Độc giả lúc nào cũng có thể tìm thấy bài phỏng vấn những người nổi tiếng hay các chuyên mục do các nhà văn tên tuổi như Hemingway hoặc nhà triết học Pháp - Jean-Paul Sartre đảm trách. Trải dài theo năm tháng, trên các trang của Playboy là những bài phỏng vấn hay bài viết về các nghệ sĩ tài ba, trí thức lớn, tỉ phú và thậm chí cả nguyên thủ như Fidel Castro, Yasser Arafat, Jimmy Carter, rồi “Frank” Sinatra, John Lennon, Andy Warhol, Bill Gates...

Đến năm 1971, hằng tháng Playboy bán được 7 triệu bản, còn ông chủ Hugh sở hữu nhiều câu lạc bộ đêm, sòng bạc, khách sạn, các khu nghỉ mát. Tập đoàn mà Hugh lãnh đạo còn có cả nhà xuất bản, xưởng thu âm, kênh truyền hình, dịch vụ cho thuê xe Limousine. Cũng trong năm 1971, Hugh xây dựng điền trang tại Los Angeles, nơi có biệt thự Playboy Mansion nổi tiếng thế giới. Đến năm 1975 ông chuyển về đây sinh sống và vào năm 1980, Hugh Hefner còn được gắn ngôi sao trên Đại lộ Danh Vọng của Hollywood.

Bảo Quyên
(tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.