André Menras với nỗi đau Hoàng Sa: Lý Sơn, nơi đầu sóng

21/07/2011 19:00 GMT+7

André Menras viết: “Chúng tôi rời Bình Châu, trong lòng nặng trĩu…”. Ông thẳng tiến Lý Sơn, tiếp tục gặp gỡ những ngư dân suốt đời mang nặng nghĩa tình với biển.

Những cảnh quay đầu tiên ở Lý Sơn, đập vào mắt người xem là một tượng đài bên dưới đề dòng chữ “Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải - 1815” và một cột đá dựng bề thế với dòng chữ khẳng định chủ quyền của Việt Nam: “Bản quốc hải cương Hoàng Sa xứ tối thị hiểm yếu”.

Lão ngư Võ Hiển Đạt, năm nay đã 80 tuổi, là người xuất hiện trong cuộc phỏng vấn ở những thước phim đầu tiên ở Lý Sơn. Lão ngư nói rất rành mạch về quần đảo Hoàng Sa và những cứ liệu pháp lý về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa: “Chủ quyền của quần đảo Hoàng Sa đã được khẳng định trước cả thời Gia Long, tức là thời các Chúa Nguyễn. Sau khi người Pháp sang đô hộ cách đây hơn một trăm năm, họ đã lập căn cứ quân sự và đặt hải đăng ở Hoàng Sa. Vì vậy, việc đánh bắt xa bờ của ngư dân Lý Sơn đến vùng biển Hoàng Sa là điều tất yếu từ xưa đến nay”. Lão ngư Võ Hiển Đạt cũng nói về khó khăn của ngư dân Lý Sơn từ sau khi Trung Quốc chiếm Hoàng Sa năm 1974, nhưng ông cũng khẳng định rằng: “Bị bắt thì bị bắt nhưng vẫn cứ đi bởi vì Hoàng Sa là của Việt Nam…”.

 
Bộ đội Việt Nam tuần tra ở Lý Sơn - Ảnh: André Menras

André Menras đã đến thăm gia đình ông Phạm Thoại Tuyền, hậu duệ của họ Phạm, một trong 7 gia đình đầu tiên đến Lý Sơn lập nên làng An Vĩnh. “Là truyền nhân của vị quan quân đầu tiên của đội hùng binh Hoàng Sa, ông đã biến nhà mình thành một bảo tàng viện thật sự bằng việc gìn giữ như thánh tích hơn một ngàn cổ vật: đồ sành sứ, bình lọ bằng sứ, vật phẩm văn hóa, chén đĩa cổ, tiền xu, tượng Chăm, ấn triện chính thức, một số lượng đáng nể những chiếu chỉ bằng chữ nho và chữ nôm... Trong số những tài liệu độc nhất vô nhị này, có một sắc chỉ của vua Gia Long ca ngợi những người đi Hoàng Sa. Ông Tuyền giới thiệu với chúng tôi bàn thờ của tổ tiên họ Phạm của ông, trong đó có những người đã có tên đặt cho 2 đảo trên quần đảo Hoàng Sa.  Đó là đảo Hữu Nhật và đảo Quang Ảnh” - André Menras viết trong lời bình, kèm theo những thước phim về nhân chứng sống và những tư liệu rất đặc biệt, trong đó có ngôi mộ của cụ Phạm Hữu Nhật nằm trên mảnh đất mà tổ tiên dòng họ Phạm để lại từ bao đời nay.

Một cảnh quay khác vô cùng xúc động là trong căn nhà của bà Ngô Thị Bích. Quần áo của con trai bà Bích (mất tích ở Hoàng Sa) vẫn còn treo đó, như chờ ngày đứa con yêu quý trở về. André Menras hỏi: “Con bà lúc đó bao nhiêu tuổi?”. “Lúc nó đi là 19 tuổi, năm nay là 20 tuổi”. “Đi biển vì lý do gì?”. “Ba không đi thì con lên đăng ký con đi. Ở nhà bây giờ cũng cực, đói quá. Tháng này ba với má còn đi làm mướn được thì còn nuôi bọn con được, còn hết tháng 9, tháng 10 thì biểu bọn con đi mượn gạo miết, không có gạo ăn, thôi thì để bọn con đi ra ngoài”.

 
Ông André Menras đang phỏng vấn vợ góa của một ngư dân ở xã An Vĩnh, Lý Sơn - Ảnh: Lê Hưng

Cháu Lê Thị Thanh Thanh ở xã An Vĩnh (Lý Sơn), con gái của thuyền trưởng Lê Minh Tân (mất tích ở Hoàng Sa cuối năm 2010 cùng 5 người khác) khóc rưng rức khi nói về cha mình: “Ngày con biết ba mất cũng là ngày con đau và rất xót xa. Con không tin được là mình mất ba. Con rất nhớ ba con và con rất muốn ba con trở về nhưng con biết đó chỉ là giấc mơ mà thôi vì sự thật là ba con đã mất tại Hoàng Sa…”. Cùng trong chuyến đi biển định mệnh với thuyền trưởng Tân, là ngư dân Trương Văn Tiến (36 tuổi), đã ra đi để lại người vợ đau ốm Nguyễn Thị Lời và 2 đứa con. Một người vợ góa khác, cho đến nay vẫn ôm kín nỗi đau và nuôi hy vọng chồng sẽ trở về nên chưa chịu lập mộ gió cho chồng là chị Lê Thị Xanh. Vả lại, dù có muốn vẫn không có tiền xây mộ. Chị nói: “Chồng em mất tháng 3, chưa xây mộ. Nhà em cực khổ lắm, ba nó chết rồi giờ còn một mình làm nuôi 3 đứa con, bệnh lên bệnh xuống hoài… Mà có muốn xây mộ cũng không đủ tiền. Nhà ở mà còn sập lên sập xuống, nhà phải sửa mà không có tiền sửa…”. Cứ thế, những chi tiết chân thực và sinh động từ Lý Sơn đã làm cho những thước phim khắc họa nỗi đau mất mát, trải dài theo những năm tháng của kiếp ngư dân và gia cảnh của họ.

André Menras cũng không quên phỏng vấn một nhân vật đặc biệt của Lý Sơn: đó là “ông vua lặn” Bùi Thượng, người đã từng nhận được cúp vàng trong giải vô địch quốc gia lặn sâu năm 1963. Ông Thượng từng đi lặn từ năm 16 tuổi, nay đã già (73 tuổi) nhưng vẫn trả lời rất hào hứng về nghề lặn bắt cá và hải sâm ở Hoàng Sa. Trả lời câu hỏi “nguy hiểm nhất trong nghề lặn là gì?”, ông Thượng trả lời chắc nịch: “Nguy hiểm nhất là khi gặp cá mập. Khi nhìn thấy nó, mình đừng bỏ chạy mà phải trừng mắt nhìn nó thì nó sẽ bơi đi và không tấn công lại mình”. André Menras nhớ mãi câu nói này và nó khiến ông liên tưởng đến hoàn cảnh Việt Nam vào những lúc gặp kẻ mạnh uy hiếp, gây hấn: Hãy “nhìn trừng mắt vào con cá mập” để tồn tại!

Chi tiết về “quy trình” làm hình nhân để đặt vào ngôi mộ gió của ngư dân trên đảo được André Menras đưa vào đoạn kết của phim. Người xem không thể nào quên được hình ảnh ông thầy pháp làm lễ trước khi nặn hình nhân bằng đất sét, với đầy đủ các chi tiết về một thi hài như đầu, mình, tứ chi, kể cả các đốt xương, động mạch, lục phủ ngũ tạng, thất khiếu... André Menras viết lời bình cho đoạn kết đầy ấn tượng này như sau: “Hồn của người chết được gọi về nhập vào cái thi thể bằng đất sét đã được phù phép bằng những câu niệm chú dài. Quan tài sẽ được đặt vào ngôi mộ gió mới, không thể tách rời khỏi Hoàng Sa. Vị nữ thần dưỡng mẫu được tôn sùng biết bao nhưng cũng khát khao mạng sống con người”. 

Trong e-mail gửi người viết ngày 14.7 vừa qua, André Menras cho biết: “Cái nghi lễ về “hình nhân” và văn hóa “mộ gió” đã gây ấn tượng đặc biệt đến nhiều khán giả người Pháp. Từ đó, họ đã đặt nhiều câu hỏi về văn hóa, về quá khứ, về truyền thống của cộng đồng ngư dân miền Trung Việt Nam. Một số người thấy ở đây là biểu hiện của mê tín và đau khổ, nhưng một số khác đã thấy cái văn hóa ấy thể hiện một cách tinh tế ý chí bất khuất của cộng đồng này để lấy lại những gì quý nhất của mình đã bị cướp đoạt. Tôi hoàn toàn đồng ý với họ. Vì vậy, tôi quyết định kết thúc bộ phim tài liệu này bằng các hình ảnh đó, như một thông điệp rất rõ ràng và lạc quan: Cộng đồng ấy, dân tộc ấy sẽ không nhượng bộ cho ai một tấc đất, một tấc biển của mình. Họ sẽ không bao giờ bỏ cuộc!”.

André Menras và tỏi Lý Sơn

Làm phim về ngư dân và nỗi khốn khó của những người phụ nữ, André Menras vẫn không quên lồng vào một vài đoạn phim về đặc sản tỏi Lý Sơn.  Ông viết lời bình: “Nếu đánh cá là công việc của đàn ông, thì phụ nữ lại đóng góp phần lớn vào kinh tế phụ là làm nông. Đảo Lý Sơn là một khu vườn lớn, được chăm sóc rất kỹ lưỡng... Những bờ tường nhỏ đá ong màu nâu tương phản với màu trắng của cát được chở tới đây để trồng tỏi, sản vật bán khắp trong nước. Lý Sơn tự hào là vương quốc của tỏi nhưng những thửa ruộng bậc thang trên sườn đồi cũng được trồng hành, đậu xanh, đậu đen, bắp... Mỗi mảnh đất dù nhỏ, thậm chí cát trên bờ biển, cũng đều được sử dụng”.

Qua e-mail ngày 13.7 gửi tác giả, André Menras viết thêm: “Tỏi Lý Sơn nổi tiếng tại Việt Nam. Một số người rất thích loại tỏi ấy, một số khác cho rằng nó hơi ngọt. Tùy cái gu của mỗi người. Nhưng đôi khi một sản phẩm nào đó lại có cái gu của trái tim, của tâm trạng mình. Đó là điều xảy ra giữa tôi với loại tỏi Lý Sơn. Lần thứ tư, trước khi tôi về, một số bà vợ góa đã tặng tôi mấy kg tỏi vừa hái xong. Dù lúc đó có nhiều hành lý, dù cái mùi rất nặng của tỏi, tôi đã đem về Sài Gòn như một vật rất quý. Và chưa bao giờ tôi thấy một loại tỏi ngon như thế!”.

Trần Thanh Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.