Trung Quốc nhắm đến dầu mỏ Nam Sudan

18/07/2011 23:58 GMT+7

Trung Quốc đang để mắt đến nguồn dầu mỏ khổng lồ ở Nam Sudan, điểm đến “mới mà cũ” trong cuộc tìm kiếm vàng đen toàn cầu của nước này.

Một thời gian ngắn trước khi Nam Sudan chính thức tuyên bố độc lập vào ngày 9.7, Trung Quốc đã khai giảng một khóa đào tạo về ngành dầu khí tại Juba, nay là thủ đô của quốc gia non trẻ này. Theo Tân Hoa xã, 30 học viên được chọn từ khoảng 800 ứng viên tham gia khóa học kéo dài 5 tuần, bắt đầu từ ngày 4.7. Đây cũng là khóa học đầu tiên thuộc loại này ở Nam Sudan và những học viên trên dự kiến sẽ giữ vai trò then chốt trong ngành dầu khí nước này. Dự án do Tập đoàn dầu mỏ quốc gia Trung Quốc (CNPC) phối hợp với Bộ Năng lượng và Khai khoáng Nam Sudan tổ chức.

Theo giới quan sát, Nam Sudan là điểm dừng chân “mới mà cũ” trong nỗ lực giải tỏa cơn khát dầu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trung Quốc đang ra sức đảm bảo việc chia tách Sudan thành 2 quốc gia là CH Sudan và CH Nam Sudan sẽ không dẫn đến bất ổn và làm gián đoạn nguồn cung cấp dầu khổng lồ ở đây.

Reuters đưa tin Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào ngay trong ngày 9.7 đã gọi điện chúc mừng Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir và cam kết thiết lập quan hệ chặt chẽ với quốc gia mới nhất của thế giới. “Dù Trung Quốc và CH Nam Sudan cách xa hàng ngàn cây số, hai bên có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời và cùng mong muốn thúc đẩy giao lưu thân thiện... Trung Quốc sẵn sàng thiết lập một quan hệ hợp tác ổn định và hữu nghị lâu dài với Nam Sudan vì quyền lợi của nhân dân hai nước”, Reuters dẫn lời ông Hồ Cẩm Đào nói.


Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir tiếp ông Lý Chí Quốc, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Trung Quốc tại Juba - Ảnh: Gurtong
  

Sự phá lệ của Bắc Kinh

Theo báo The Wall Street Journal, việc công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Nam Sudan là một động thái “lạ mà không lạ” của Trung Quốc. Nước này lâu nay không ủng hộ các phong trào đòi độc lập và ly khai trên thế giới nhưng lại chấp nhận Nam Sudan tách khỏi Sudan. Tờ báo dẫn lời các chuyên gia phân tích nhận định Bắc Kinh có lý do “hợp lý” để chấp nhận diễn biến này: Nam Sudan là nơi tập trung 2/3 nguồn lợi dầu mỏ của Sudan trước đây.

Năm 2008, Trung Quốc đã mở lãnh sự quán tại Juba, và vào tháng 10.2010, một phái đoàn cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc thăm Nam Sudan. Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Lý Bảo Đông khi đó tiết lộ giới chức miền nam Sudan cũng đã thăm Trung Quốc. Thế nên, việc Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao ngay khi Nam Sudan chính thức trở thành quốc gia độc lập là bước đi không khó đoán.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn không “buông” chính quyền Sudan ở miền bắc. Cuối tháng 6, Trung Quốc đón tiếp Tổng thống Sudan Omar al-Bashir, người bị Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) truy nã với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh, sang thăm Bắc Kinh. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tiếp ông al-Bashir và cam kết “củng cố và phát triển quan hệ truyền thống Trung Quốc - CH Sudan”, theo Tân Hoa xã. Cũng trong chuyến thăm trên, Tập đoàn CNPC của Trung Quốc đã ký với Bộ Dầu mỏ Sudan thỏa thuận thúc đẩy hợp tác về dầu khí giữa hai nước. Nguồn “vàng đen” ở Sudan khi xưa giờ đã chia đôi và không có lý do gì Trung Quốc phải bỏ bên nào cả. Đó là lý do nước này gạt bỏ mọi điều tiếng để duy trì quan hệ với một tổng thống gây tranh cãi như al-Bashir, đồng thời “phá lệ” mở rộng vòng tay với Nam Sudan.

Cũng cần nói thêm là căng thẳng xung quanh lợi nhuận dầu mỏ vẫn là một cái gai lớn trong quan hệ Sudan và Nam Sudan vì hai nước “anh em” chưa lập được kế hoạch chia lợi nhuận dầu mỏ. Ngành công nghiệp này tạo ra đến 90% ngoại tệ cho miền Bắc và 98% thu nhập quốc dân của miền Nam. Ngoài ra, việc lực lượng trung thành với ông al-Bashir chiếm đóng khu vực Abyei ở biên giới hai nước khiến xung đột có thể bùng nổ bất cứ lúc nào.

Báo Asia Times dẫn số liệu của Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc cho biết trong năm 2010, mức tiêu thụ dầu của nước này tăng 11% so với cùng kỳ năm 2009, lên đến 9,2 triệu thùng/ngày. Năm nay, mức tiêu thụ đạt mức kỷ lục vào tháng 4 với 9,36 triệu thùng/ngày. Trong cuộc tìm kiếm nguồn “vàng đen” để đáp ứng nhu cầu nội địa, các công ty Trung Quốc đã tìm đến hầu hết các châu lục. Tổng sản lượng dầu ở nước ngoài của các công ty Trung Quốc đã đạt 1,2 triệu thùng/ngày trong năm 2009.

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.