FAO tìm nguyên nhân dịch bệnh tôm ở ĐBSCL

17/07/2011 00:03 GMT+7

Trong 2 ngày (15 - 16.7), đoàn chuyên gia Tổ chức Nông - Lương thế giới (FAO) kết hợp với Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) khảo sát tìm nguyên nhân gây nên dịch bệnh tôm chết hàng loạt ở các tỉnh trong khu vực ĐBSCL.

Theo báo cáo của Cục Thú y, tình hình dịch bệnh trên tôm tại các tỉnh ven biển ĐBSCL diễn biến rất phức tạp, đặc biệt là hiện tượng tôm nuôi chết hàng loạt, trên diện rộng trong thời gian từ đầu tháng 3-5.2011. Tôm chết chủ yếu ở các vùng nuôi tôm thâm canh, có tỉnh diện tích thiệt hại từ 80-90%. Theo thống kê, ĐBSCL có trên 50.000 ha tôm chết, trong đó tỉnh Bạc Liêu hơn 12.000 ha, Sóc Trăng hơn 19.000 ha... Dịch bệnh trên tôm đã gây thiệt hại nặng nề đến sản xuất của người dân và ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế của các tỉnh. Nhiều cơ quan, chuyên gia về bệnh thủy sản trong nước đã tập trung nghiên cứu nhưng chưa xác định cụ thể tác nhân gây bệnh.

Trước tình hình đó, Cục Thú y và Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II đã tiến hành thu mẫu và gửi đến Phòng thí nghiệm bệnh thủy sản (thuộc trường Đại học Arizona, Mỹ) để xác định nguyên nhân gây bệnh. Đến cuối tháng 6.2011, Cục Thú y đã nhận được kết quả phân tích của trường Đại học Arizona Hoa Kỳ trên mẫu tôm được gửi là không phát hiện dấu hiệu của vi khuẩn gây hoại tử gan tụy, vi bào tử. Tác nhân chính gây hoại tử gan tụy trên tôm được trường Đại học Arizona, Mỹ xác định là do hội chứng nhiễm độc. Độc tố có thể có trong môi trường (nước, thức ăn…), hoặc có thể từ một số vi khuẩn khác (nhưng chưa phát hiện được từ mẫu bệnh phẩm đã xét nghiệm). Nguyên nhân cụ thể cần được tiếp tục nghiên cứu.

Từ nhận định trên, các chuyên gia của Tổ chức FAO đến Việt Nam giúp Cục Thú y khảo sát tìm nguyên nhân, tác nhân gây bệnh chết tôm hàng loạt tại 3 tỉnh: Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau. Cụ thể, khảo sát hoạt động của Phòng xét nghiệm bệnh thủy sản thuộc Chi cục Nuôi trồng thủy sản các tỉnh; một số trại sản xuất giống, gặp trực tiếp người nuôi để lấy ý kiến và thu mẫu tôm, nước, đất tại các ao nuôi.

Sau chuyến khảo sát và nắm tình hình thực tế tại các địa phương, Tổ chức FAO sẽ phối hợp với Cục Thú y để có sự hỗ trợ các địa phương xây dựng chương trình giám sát dịch bệnh trên tôm nuôi. Qua đó từng bước tìm ra nguyên nhân dịch bệnh trong thời gian qua cũng như các biện pháp giám sát, cảnh báo phòng ngừa dịch bệnh trong thời gian tới.

Trần Thanh Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.