Gần gũi với thế giới ôsin

16/07/2011 01:15 GMT+7

Từ khi khởi quay, phim Kính thưa ôsin đã được chú ý, không chỉ vì có sự tham gia của dàn diễn viên nổi tiếng, mà còn bởi đây là đề tài luôn nóng với cuộc sống hiện tại, là câu chuyện kể hoài chẳng hết!

Có lẽ vì thế mà từ phóng sự Kính thưa ôsin (của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân), đã có một vở kịch cùng tên ra đời (đạo diễn Nguyễn Lâm) và đến nay vẫn còn diễn tại sân khấu kịch 5B (TP.HCM) sau 4 năm ra mắt. Còn hiện tại  là bộ phim dài 50 tập (đạo diễn Trần Cảnh Đôn, M&T Pictures sản xuất, đang phát trên HTV2 - Đài truyền hình TP.HCM, lúc 21 giờ từ thứ hai đến thứ năm hằng tuần) về thế giới đầy màu sắc của người giúp việc.

Như bất cứ nghề nào, những người làm ôsin trong phim cũng có đủ “hạng”: kẻ lười biếng, lẳng lơ, thích quyến rũ chủ nhà; người hiền lành, chăm chỉ làm việc cho đến khi chủ nhà tin tưởng thì nổi máu tham gom hết đồ đạc nhà chủ bỏ trốn; cũng có người tận tụy với công việc, ở đến hơn chục năm và thương yêu chăm sóc chủ như người thân của mình, hay có người nhờ sống tốt nên được chủ nhà tạo điều kiện làm thêm công việc khác để kiếm thêm tiền lo cho gia đình…

Và như phóng sự, không phải cứ ôsin thì trình độ văn hóa thấp, và “xưa rồi diễm” với lối nghĩ ôsin thì bị đối xử tệ hay trả công tồi. Mà như tác giả phóng sự, cần phải nhìn nhận đúng sự quan trọng, cần thiết của nghề ôsin, vì nó có thể giải quyết rất nhiều nguồn lao động cho các vùng quê đang bị đô thị hóa, và nghề này cũng góp phần không nhỏ trong việc hỗ trợ các mẹ, các chị toàn tâm toàn sức cống hiến cho xã hội.

Nếu trên sân khấu kịch, Kính thưa ôsin khai thác sâu yếu tố hài hước, thì với lợi thế của phim truyền hình, đời sống, môi trường làm việc của các ôsin được cụ thể hóa, chi tiết, sống động và phong phú hơn. Không chỉ vậy, tiết tấu phim vừa đủ tự nhiên cùng sự hợp vai của các diễn viên càng mang lại nhiều thích thú - cảm giác gần gũi cho người xem.

 
Trịnh Phong (Minh Luân), cô ba Ngự Bình (Hồng Ánh) và Như Mây (Trang Nhung) trong phim - Ảnh: M.T

Đó là ông Trịnh Kỳ (Hoài Linh), một chủ nhà “quái gở”, mà mỗi khi ông xuất hiện, cùng âm nhạc của phim, thế nào khán giả cũng được cười, vừa vì lối diễn hài hước của ông, vừa vì những luật lệ ngộ nghĩnh, bất ngờ mà ông áp dụng cho con cái, ôsin nhà mình. Là Như Mây (được Trang Nhung vào vai khá ngọt, nhưng giá như ôsin này bớt… đẹp một chút, từ hóa trang, thì khán giả sẽ “thương” hơn!), một ôsin rất biết cầu tiến, nên được ông Trịnh Kỳ xem như con cháu, cũng la mắng, góp ý khi làm sai nhưng rất cảm thông, biết chia sẻ với đời sống tình cảm của người giúp việc khi gặp chuyện buồn. Là Nắng Mai Hồng (Phi Thanh Vân) - một ôsin suốt ngày “õng ẹo” với chủ, lại thêm tính chảnh chọe, đanh đá, chua ngoa với các “đồng nghiệp” gần nhà…

Mỗi người một vẻ, mỗi nhà một chuyện, nên mỗi tập phim là một cung bậc cảm xúc, có tủi phận, xót xa, có phiền muộn, chán ngán, có phấn khởi, ước mong lẫn tham vọng… Và đáng nói hơn, tất cả những tâm tư, nỗi niềm hay “căn bệnh” ấy của các ôsin dường như đều được người xem đồng cảm, hoặc… bực tức, bởi trong xã hội hiện đại, hầu như gia đình nào cũng không tránh khỏi chuyện sống cùng ôsin.

Ấn tượng với Hồng Ánh, Phương Thanh

Thú vị hơn, góp phần làm cho Kính thưa ôsin thêm “hương sắc” phải kể đến cô ba Ngự Bình (em ông Trịnh Kỳ - là giảng viên ở tuổi quá lứa lỡ thì, thích nghiên cứu…  Kamasutra), vai hài đầu tiên của Hồng Ánh, mà mỗi lần cô xuất hiện (cùng giọng Huế và tông màu tím khắp người) đều là một lần “đỡ không nổi” với sự cố mà cô mang lại.

Và chính  vai “lạ” này cũng mang lại cho diễn viên chuyên trị “đào thương” như Hồng Ánh “niềm vui khó tả”, như cô chia sẻ, bởi khi phim mới phát sóng tập đầu tiên, hôm sau ra đường Hồng Ánh đã nghe tiếng gọi “cô ba”. Thêm nữa, là bà Cửu Huyền sặc sỡ nữ trang vòng vàng, chuyên cho vay nặng lãi và môi giới ôsin, được ca sĩ Phương Thanh hóa thân ấn tượng.

Nguyên Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.