Ngày đầu tiên thi CĐ: Nhẹ nhàng!

15/07/2011 23:35 GMT+7

* Đón đọc đáp án các môn thi của Bộ GD-ĐT trên số báo ngày mai Hôm qua, hầu hết các thí sinh (TS) đều tỏ ra vui vẻ sau khi kết thúc các môn thi. Cả giáo viên và TS đều công nhận đề thi không gây quá nhiều khó khăn ngay cả đối với học sinh có sức học trung bình.

Thí sinh đến trường thi tăng

Tại hầu hết các địa phương, tỷ lệ TS đến dự thi đều tăng cao hơn so với ngày làm thủ tục. Theo báo cáo nhanh của Bộ GD-ĐT, số TS đến dự thi sáng qua là 364.616, đạt tỷ lệ 74,92%, cao hơn so với năm 2010 khoảng 0,5%. Số TS vi phạm kỷ luật giảm hẳn, cả nước có 25 TS bị đình chỉ thi trong ngày đầu.

Về đề thi, phần lớn các TS đều nhìn nhận là khá dễ.

 
Đề thi không gây quá nhiều khó khăn cho thí sinh. Trong ảnh: Thí sinh thi vào trường CĐ Kinh tế đối ngoại - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Hầu hết TS thi vào trường CĐ Tài chính Hải quan tại địa điểm thi trường THCS Hai Bà Trưng (Q.1, TP.HCM) đều cười tươi khi bước ra khỏi phòng thi.

Về đề thi môn lý, Trần Anh Vũ (H.Bình Chánh, TP.HCM) nhận định: “Đề dễ lắm, chỉ khó hơn thi tốt nghiệp THPT một chút, em làm được 90%”. Nhiều TS khác cũng khẳng định đề dễ hơn thi ĐH rất nhiều, tương đương đề thi tốt nghiệp. Môn văn cũng được xem không quá khó, có thể giải quyết bằng kiến thức lớp 12. Môn toán cũng khiến nhiều TS thở phào nhẹ nhõm vì đề thi không đánh đố. TS Bùi Thị Điệp (TP.HCM) cho biết: “Em thấy đề sinh vừa sức, các câu hỏi bám sát nội dung trong sách giáo khoa và nhiều câu lý thuyết. Em làm chắc chắn được 80%”.

Đề thi phù hợp

Các giáo viên đều nhận xét đề thi CĐ phù hợp với trình độ TS.

Thầy Phạm Hồng Hải, giáo viên trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM), cho rằng: “Đề toán bám sát chương trình phổ thông. Chỉ có câu II (2) và câu V là tương đối khó, dành cho học sinh khá. Nhìn chung đề thi cơ bản, bám sát chương trình, TS làm bài cẩn thận sẽ đạt khoảng 8-9 điểm”. Cũng tương tự, thầy Đồng Văn Ninh - Tổ trưởng tổ Lý, trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) nhận định: “Nội dung đề thi nằm hoàn toàn trong chương trình lớp 12. Đề dễ hơn hẳn đề thi ĐH đợt 1, vừa sức và có độ phân hóa phù hợp với yêu cầu tuyển sinh CĐ. Sẽ có nhiều điểm 9-10”. 

Riêng đề văn, hầu hết các nhận xét đều cùng một ý, đề rất hay. Cô Triệu Thị Huệ - Tổ trưởng tổ văn trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), đánh giá: “Đề văn CĐ năm nay rất hay. Đặc biệt câu I phần chung có thể nói là hay nhất, và cũng là khó nhất. Đề văn khối C ĐH chưa chắc đã khó bằng. Do đó với TS thi CĐ thì câu này có vẻ hơi nặng. Câu nghị luận xã hội tiếp tục giúp TS thể hiện khả năng tư duy và cách nhìn nhận của bản thân trước những vấn đề mang tính xã hội. Câu III.a (chương trình chuẩn) thì tương đối nhẹ nhàng. Câu theo chương trình nâng cao không quá khó nhưng không phải ai cũng làm hay”.

Nhiều giáo viên cũng cho biết đề thi môn sinh khá hay. Thạc sĩ  Võ Quốc Hiển - khoa Công nghệ sinh học trường ĐH Phương Đông, nhận xét: “Đề có những kiến thức nâng cao để phân loại học sinh khá hay. Phần bài tập năm nay nói chung là khó, thể hiện ở độ khó và độ dài của các câu vận dụng bài tập. Do đó, tốc độ tư duy của TS phải cao và kỹ năng tính toán phải thành thạo thì mới có thể giải quyết tốt các câu bài tập”. Trên cơ sở này, ông Hiển dự đoán các bài đạt điểm giỏi không nhiều, chỉ khoảng 0,8%, điểm khá khoảng 28%, điểm trung bình: 28% - 30% và bài yếu - kém: 41 - 43%.

Hôm nay, các TS sẽ tiếp tục ngày thi cuối. Đây cũng là buổi thi kết thúc kỳ thi tuyển sinh vào các trường ĐH-CĐ năm 2011 kéo dài từ đầu tháng 7.

Dễ nhưng có đầu tư

Tuy không khó nhưng đề thi bậc CĐ được giới chuyên môn đánh giá khá tốt. Đặc biệt rất nhiều ý kiến công nhận đề 2 môn văn và sử rất hay.

Môn toán: Rất cơ bản 

Nhìn chung đề thi CĐ năm nay so với năm 2010 có phần cơ bản và dễ hơn, so với kỳ thi tốt nghiệp THPT thì mức độ khó hơn một ít.

Cụ thể câu I, III, IV và phần riêng đều rất cơ bản và mức độ tính toán đơn giản như kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2011. Riêng câu II.2, TS cần phải nhận ra dạng cơ số ghép của bất phương trình mũ, biết chia 2 vế cho một trong các cơ số mũ để đưa về bất phương trình bậc 2 theo t và nắm vững công thức giải bất phương trình căn thức. Câu V, TS cần nhận ra dạng tổng tích mà biết cách đặt ẩn phụ t và tìm điều kiện chính xác của t (bằng phương pháp khảo sát hàm số), đồng thời tiếp tục dùng khảo sát hàm số để tìm ra điều kiện có nghiệm của phương trình (đây cũng là chủ đề rất cơ bản mà các học sinh lớp 12 đều được rèn luyện rất kỹ).

Với nội dung của đề thi như nhận xét trên, học sinh trung bình có thể đạt được 7-8 điểm. Học sinh khá giỏi có thể đạt được điểm tối đa nếu kỹ năng tính toán chính xác.

Lưu Nam Phát
(Giáo viên TT luyện thi ĐH Vĩnh Viễn, TP.HCM)

 

Môn sinh: Dễ có cơ hội kiếm điểm

Nội dung tập trung vào kiến thức cơ bản lớp 12 nên học sinh dễ có cơ hội kiếm điểm. Số câu hỏi vận dụng dạng bài tập ít hơn đợt thi tuyển sinh ĐH vừa qua. Nhiều câu hỏi hay đòi hỏi TS vừa học thuộc bài, vừa phải có các kỹ năng vận dụng và trình độ suy luận cao.

Số câu hỏi giáo khoa cũng khá nhiều (khoảng 30/50 câu), chỉ cần học sinh học kỹ là làm được, do đó dự đoán tỷ lệ TS đạt điểm từ trung bình trở lên khoảng từ 60-70%, sẽ có nhiều học sinh đạt điểm 9-10 hơn đợt tuyển sinh ĐH.

Phạm Thu Hằng - Bùi Thị Kim Oanh - Đặng Thị Yến
(Giáo viên TT luyện thi ĐH Vĩnh Viễn, TP.HCM)

Môn văn: Quá hay!

Kiến thức trải khắp chương trình lớp 11 và 12.

Câu I: nói chung là dễ, phần lớn thí sinh sẽ làm bài được.

Câu II: Đây vừa là ca ngợi lối sống đẹp; tình thương, biết hy sinh, cống hiến, chia sẻ và hướng về cộng đồng, vừa phê phán lối sống ích kỷ. Đề quá hay vì nói được hai đặc tính cơ bản và đối lập của con người nhằm khơi dậy những giá trị sống cao đẹp trong mỗi chúng ta nói chung và thanh niên nói riêng. Với đề này, chắc chắn thí sinh hiểu nội dung, ý nghĩa nhưng để trình bày trôi chảy, lập ý chặt chẽ khoa học phải được luyện tập nhiều mới có thể đạt điểm cao.

Câu III.b: Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ để chứng minh ý kiến. Nếu học sinh khai thác tốt 2 luận điểm: bức tranh thiên nhiên đẹp về miền quê đất nước và bức tranh tâm trạng của nhân vật trữ tình “thiết tha yêu đời, yêu người”, thì sẽ vào đúng trọng tâm. Nhìn chung đề cao đẳng hay và hợp lý, đảm bảo tính phân hóa.

Nguyễn Đức Hùng
(TT luyện thi ĐH Vĩnh Viễn, TP.HCM)

Môn lịch sử: Thoát khỏi tư duy học thuộc lòng

Đề thi môn sử năm nay hay, bảo đảm cân đối giữa các phần trong chương trình, nội dung môn học, một số sự kiện đáng chú ý, như: Quan hệ Xô-Mỹ; những thay đổi trong quan hệ của các nước Đông Dương và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong những năm 70, 80, 90 của thế kỷ XX (xu thế hòa hoãn giữa phe xã hội chủ nghĩa và phe tư bản chủ nghĩa); Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và sự lãnh đạo của Đảng trong các giai đoạn 1936-1945 và sự thành công của Cách mạng Tháng Tám...

Đây là đề thi hay vì phù hợp trình độ TS kỳ thi tuyển CĐ, nội dung đề thi thoát khỏi tư duy học thuộc lòng. Qua hệ thống các câu hỏi, TS cần xem xét, đánh giá sự kiện, hiện tượng trong mối quan hệ không gian, thời gian và chủ thể lịch sử. Đề này yêu cầu TS phải hiểu bài, nhớ được những sự kiện cơ bản và nắm được kiến thức hệ thống theo các chủ đề trong quá trình phát triển của lịch sử thế giới và lịch sử dân tộc… từ đó chọn được những sự kiện tiêu biểu để trả lời đúng theo yêu cầu câu hỏi. Nếu không, TS rất dễ sa đà vào việc nêu sự kiện.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Tiến
(Trường ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương)

 

Môn lý: Học sinh trung bình có thể đạt điểm 8

Đề dễ hơn năm 2010 nên học sinh dự thi CĐ năm nay sẽ có số điểm tương đối cao.

Số câu lý thuyết (16 câu) chủ yếu tập trung vào phần điện - cơ - tán sắc và vật lý vĩ mô, hầu như học sinh chỉ cần thuộc bài sẽ trả lời được, ít câu có tính suy luận hay vận dụng. Phần còn lại số câu bài tập tính toán cũng trải đều ở các phần điện - dao động cơ - phóng xạ - hạt nhân - vật lý chất rắn; chủ yếu học sinh chỉ cần thuộc công thức và qua vài phép biến đổi cơ bản sẽ dễ dàng có được đáp án; số câu phân loại mang tính phân hóa cao hầu như không có.

Vì vậy đối với học sinh trung bình cũng sẽ dễ dàng đạt được phổ điểm từ 6-8, học sinh khá hơn có thể đạt từ 9-10.

     Võ Lý Văn Long
(Giáo viên TT luyện thi ĐH Vĩnh Viễn, TP.HCM)

M.Quyên - V.Thơ - D.Hiền - N.Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.