U18 và những sáng tạo lý thú

13/07/2011 09:56 GMT+7

Những sản phẩm vào vòng chung kết cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu nhi TP.HCM lần VI (*) có ý tưởng từ hai xuất phát điểm: phục vụ nhu cầu học tập, vui chơi của chính mình và trăn trở những vấn đề bức xúc từ cuộc sống xung quanh.

Tàu điều khiển trên mặt nước làm từ vỏ chai nhựa và các thiết bị điện, thiết bị dự báo động đất nhờ sóng hạ âm, mô hình hệ thống đèn giao thông bằng pin mặt trời, thiết bị chống đinh tặc, xe tự động chuyển phát thư, robot tự nhận dạng chữ viết và phát âm... là những ví dụ sinh động cho các xuất phát điểm trên.

 
Trường Hải (trái), Xuân Ngộ với thiết bị chống đinh tặc -  Ảnh: Minh Đức

Sản phẩm tự giúp mình

“Học xong bài quang học ở trường, mình và các bạn muốn làm thử một chiếc kính thiên văn khúc xạ. Tụi mình kết hợp những vật liệu dễ tìm, chi phí thấp như: ống nước PVC, bộ chuyển, nẹp sắt, thấu kính... cùng một số sáng tạo riêng như chương trình giả lập stellarium, la bàn, thước đo góc để làm. Chi phí để làm một chiếc kính dùng khá tốt chỉ khoảng 400.000 đồng” - Duy Hiếu (lớp 11 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Q.1) nói. Chiếc kính của Duy Hiếu và Kim Thịnh, Hoàng Lâm, Khánh Huy, Vĩnh Tân có thể quan sát chính xác các ngôi sao trên bầu trời đêm.

Những món quà đến từ trái tim

“Thỉnh thoảng, mình lại đọc thông tin về những công nhân chết ngạt dưới cống trong lúc làm việc... Mình còn biết người công nhân làm việc trong cống thường xuyên ngâm mình dưới nước bẩn nên hay mắc bệnh ngoài da và nhiều bệnh khác nên nghĩ phải điều làm gì đó cho họ. Với sự giúp đỡ của ba ở những công đoạn khó, mình làm Bàn tay sạch. Có nó, công nhân sẽ ung dung ngồi trên miệng cống thực hiện công việc của mình” - Thanh Duy (lớp 8 Trường THCS Nguyễn Du, Q.Gò Vấp) chia sẻ về ý tưởng hình thành sản phẩm đoạt giải nhất của mình.

Còn Minh Mẫn (lớp 7 Trường THCS Cầu Kiệu, Q.Phú Nhuận) viết phần mềm bảng cửu chương dựa trên phần mềm Visual Basic 6.0 kết hợp ngôn ngữ lập trình Basic với mong muốn giúp thầy cô giáo dạy tiểu học đỡ mất thời gian soạn giáo án.

Cho rằng xe đạp vẫn cần hệ thống đèn tương tự xe máy để bảo đảm an toàn khi lưu thông trên đường, Hoàn Thiện và Trung Hiếu (lớp 8 Trường THCS Đặng Trần Côn, Q.Tân Phú) chế lại đèn xe máy hư, gắn thêm đèn led, dây dẫn điện, còi... vào chiếc xe đạp của mình. Thế là chiếc xe đạp độc đáo với đầy đủ hệ thống đèn báo rẽ, kèn hệt như xe máy ra đời.

Để học sinh các trường THCS thực hiện phép tính nhanh chóng và dễ dàng hơn, Minh Mẫn (lớp 7 Trường THCS Cầu Kiệu, Q.Phú Nhuận) viết phần mềm ứng dụng toán học. Phần mềm này sẽ hỗ trợ các bạn cộng, trừ, nhân, chia mũ, giải phương trình bậc 1, bậc 2...

Tương tự Minh Mẫn, nhiều bạn trẻ khác thiết kế các sản phẩm phục vụ việc học và sử dụng máy tính như: phần mềm hỗ trợ học vật lý và phần mềm D4XP-Desktop tự động của Trúc Khuyên (lớp 11 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Q.5), phần mềm hỗ trợ học môn giáo dục quốc phòng 11-v1.0 của Phạm An Bình (lớp 11 Trường THPT Năng khiếu thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM)...

Trăn trở với những vấn đề cuộc sống

Bức xúc với đinh tặc, Trường Hải, Xuân Ngộ, Trọng Nghĩa, Xuân Phát (lớp 11 Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3) chế tạo thiết bị hút đinh. Thiết bị có hai trục làm bằng hai loại ống nước kích thước khác nhau. Trục lớn được gắn nam châm, chủ yếu hút đinh sắt. Trục nhỏ được bọc một lớp xốp để đinh không phải bằng chất liệu sắt ghim vào. Khi hai trục chuyển động như bánh xe trên mặt đường sẽ dọn sạch các loại vụn sắt, nhựa vương vãi trên đường.

Một số bạn trẻ chọn thiết kế các sản phẩm góp phần phục vụ an ninh quốc phòng. Anh Tài và Minh Quân (lớp 9 Trường THCS Bình Lợi Trung, Q.Bình Thạnh) chế tạo tàu điều khiển trên mặt nước: chai nhựa cũ làm vỏ tàu, ghép các thiết bị điện làm máy tàu và bộ điều khiển từ xa. Nếu được nâng cấp, tàu có thể do thám trên các con rạch nhỏ mà tàu lớn không thể đến được. Còn Trường Giang (lớp 11 Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, Q.Thủ Đức) chế tạo robot phóng tên lửa đa năng PDN-360, mô phỏng dạng pháo tự hành trong binh chủng phòng không - không quân của quân đội, có khả năng phóng tên lửa xa 30-40m...

Anh Đoàn Kim Thành, giám đốc Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ (Thành đoàn TP.HCM), chia sẻ: “Qua cuộc thi, chúng tôi nhận thấy hầu hết ý tưởng của các bạn đều bắt nguồn từ quan sát thực tế cuộc sống. Dù vẫn còn nhiều sản phẩm dự thi chưa thật sự thuyết phục giám khảo về hiệu quả ứng dụng, chưa là giải pháp tối ưu cho một số vấn đề xã hội, nhưng hầu hết đều thể hiện ý thức nâng cao chất lượng cuộc sống”.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.