Ngậm ngùi thời bóng xế

10/07/2011 18:06 GMT+7

1. Từ TP.HCM, ông anh rể điện cho tôi, giọng dứt khoát: “Vợ chồng anh phải về thôi, may mà chưa bán nhà”. Anh hỏi tôi một câu không dễ trả lời: “Cậu mày nghĩ xem, có phải con học càng cao, mình càng cô đơn?”.

Rồi anh bộc bạch: “Mình nuôi nó ăn học thành tài, với trình độ thạc sĩ, ở quê nó biết làm gì? Vậy là nó phải đi lập nghiệp ở phố. Lấy vợ, lấy chồng tận đẩu tận đâu, mình theo nó muốn đứt hơi luôn. Mỗi năm, vào dịp tết, chúng về nhà vài hôm rồi lại đi. Tuổi già, trái gió trở trời hay ốm đau, mình than, nó bảo: “Ba má bán nhà, vào thành phố sống với tụi con, chứ tụi con vì ba má mà về quê với mảnh ruộng vài sào thì lấy gì sống? Chẳng phải ba má cho chúng con học hành là để thoát nghèo sao?”. Nghe có lý. Mình phải vì con như đã từng “vì”.

Anh kể chuyện gần một tháng làm thị dân, vợ chồng anh như bị nhốt trong cái “hộp” bê tông. Mỗi ngày chỉ gặp con cháu một lần trong bữa cơm tối rồi phần ai việc nấy. Cuối tuần nó chở đi lòng vòng coi phố xá và ăn những món lạ hoắc. Đêm khó ngủ, nhớ tiếng ếch kêu, nhớ tàu lá chuối khua đêm, nhớ mùi rơm rạ… Tuổi càng già càng thương con cháu, xót lắm khi xa “lũ nó” nhưng anh chị nhớ ruộng nhớ vườn không chịu nổi. Vậy là vợ chồng dắt díu về quê.


Minh họa: DAD

2. Gia cảnh vợ chồng anh K. cũng không khá gì hơn. Vợ làm hiệu trưởng trường tiểu học, chồng là giáo viên cấp 2. Lương hai vợ chồng “cộng sinh” đã khó, lại còn phải nuôi hai đứa con ăn học, nhưng trầy trật mãi rồi cũng qua. Một đứa công tác ở công an thành phố, còn đứa kia là cán bộ ngân hàng ở một tỉnh Tây Nguyên. Hai đứa lần lượt về quê làm lễ cưới rồi kéo nhau đi hết. Thỉnh thoảng chúng “ném” về cho ông bà vài đứa cháu trong mấy tuần nghỉ hè rồi giục về nhanh. Chúng sợ ở quê lâu, bọn trẻ nhiễm… thói hư tật xấu của trẻ con nông thôn: nghịch đất, trèo cây, đá dế, bắt chuồn chuồn, đi chân trần, đầu đội nắng...

Người ta nói, nước mắt chảy xuôi chớ đâu chảy ngược. Thương xuống thì nhiều chứ thương lên thì hiếm lắm. Nhớ con cháu, hết vợ tới chồng lại lóc cóc chuẩn bị quà quê, lên phố thăm chúng vài hôm rồi trở về với… cô đơn.

Một bữa, chồng trúng gió. Vợ quáng quàng chạy thuốc thang trong sự giúp đỡ của bà con hàng xóm. Qua cơn nguy kịch, tuần lễ sau, “ông” con nghe tin, lò dò về thăm, bị ba quở trách: “Sao anh không đợi dựng rạp, đánh trống báo tang hãy về luôn một thể?”.

3. Và đây là câu chuyện buồn hơn. Ông bà V. đều đã trên 60. Đang sống bình yên ở quê thì M., con trai duy nhất của ông bà, là giám đốc một công ty địa ốc, đánh xe hơi về rước ba má lên phố để tiện bề phụng dưỡng. Căn nhà của ông V. được gửi lại cho vợ chồng người em họ trông nom.

Được 5 năm thì xảy ra chuyện. Sau nhiều ngày thầm thì bàn tán, đùng một cái, vợ chồng M. bán nhà để xuất cảnh sang Mỹ theo diện đoàn tụ cùng gia đình bên vợ. Buồn thay! Một bên sum họp, một bên ly tán. Trước ngày ra phi trường, con dâu tặng cho bố mẹ chồng phong bì mười triệu, một lời hứa sẽ gửi trợ cấp hằng tháng sau khi qua Mỹ và một chuyến tắc-xi đưa hai ông bà trở lại quê nhà.

Hai vợ chồng già bắt đầu những ngày cơ nhỡ. Cả tháng trời họp họ tộc để thương lượng, kể cả nhờ xã hòa giải nhưng ông bà V. vẫn không được người em trả lại nhà. Ông này nói tỉnh khô, muốn thương phải có… lượng! Mấy tháng qua, người ta thấy ông V. hết lên huyện lại xuống xã với một mớ bòng bong giấy tờ, đơn thư, sổ sách. Chẳng biết việc gõ cửa tòa của ông V. rồi sẽ ra sao.

Một căn lều ở bìa làng. Đêm đêm, hai bóng người liêu xiêu dưới ngọn đèn dầu hiu hắt. Đó là tình cảnh đáng thương của ông bà V.

Con cái lập nghiệp phương xa, để lại cho tuổi già xế bóng những khoảng trống là điều không khỏi ngậm ngùi. Nhưng tình huống trớ trêu của ông bà V. còn ngậm ngùi hơn. Hai bóng người già nua ấy giờ quờ tay phía nào cũng chạm phải nỗi buồn nhân thế.

Trần Cao Duyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.