Vụ lừa đảo chưa có... bị hại

09/07/2011 23:55 GMT+7

Cuối tháng 6.2011, TAND TP.HCM xét xử vụ án Trần Phước Toàn (nguyên là kế toán viên của Ban bồi thường giải phóng mặt bằng Q.10), bị truy tố về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Phần thẩm vấn công khai làm bật ra nhiều tình tiết gay cấn nên Hội đồng xét xử quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung. Đáng chú ý là việc xác định ai là bị hại trong vụ án bị chiếm đoạt hàng tỉ đồng này vẫn còn tranh cãi gay gắt.

Theo cáo trạng của Viện KSND TP.HCM, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng (BBTGPMB) Q.10 là đơn vị trực thuộc UBND Q.10, có chức năng thu nhận, quản lý và chi trả tiền bồi thường theo quy định cho các đơn vị, cá nhân có công trình giải tỏa trên địa bàn Q.10. Từ 1.8.2005, Toàn được nhận vào làm chuyên viên nghiệp vụ kế toán. Nhiệm vụ cụ thể của anh ta là làm kế toán viên, kế toán tổng hợp, kế toán thanh toán và lưu trữ hồ sơ kế toán.

18 lần qua mặt ngân hàng

Theo kế hoạch, trong quá trình quản lý tiền bồi thường mà người dân chưa nhận thì BBTGPMB Q.10 sẽ gửi số tiền này vào ngân hàng có kỳ hạn. Khi nào người dân nhận thì sẽ nhận được cả tiền gốc và lãi.

Từ tháng 7.2008, BBTGPMB Q.10 đã liên hệ với Ngân hàng Sacombank chi nhánh Q.10 làm thủ tục gửi tiền bồi thường mà người dân chưa nhận, theo hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng. Ông Nguyễn Phú Sỹ, Trưởng BBTGPMB Q.10, chủ tài khoản, giao cho Toàn liên hệ nộp, rút tiền, làm thủ tục để ký, thanh lý các hợp đồng tiền gửi.


Minh họa: DAD  

Theo quy định trong hợp đồng, khi BBTGPMB Q.10 có yêu cầu rút tiền thì sử dụng mẫu “Giấy đề nghị thanh lý hợp đồng” do chủ tài khoản là ông Sỹ ký tên, đóng dấu, có xác định cá nhân (họ tên, CMND) rút tiền. Cán bộ ngân hàng kiểm tra, chữ ký chủ tài khoản, dấu tròn, hợp đồng, số tiền gửi, lãi phát sinh, xác định người nhận tiền… sau đó lập giấy lĩnh tiền mặt hoặc phiếu chuyển khoản tất toán hợp đồng. Tất cả số tiền gửi vào ngân hàng đều được theo dõi bằng các hợp đồng, số tài khoản tiền gửi khác nhau.

Không ai muốn thành “bị hại”

Một luật sư phân tích trong vụ án này cả ngân hàng và BBTGPMB Q.10 đều có lỗi khi để một nhân viên như Toàn chiếm đoạt số tiền trên. Một bên thì không thẩm tra kỹ nên không phát hiện ra chữ ký giả còn một bên thì sơ hở để Toàn lén lấy con dấu thật đóng vào giấy rút tiền. Và tất nhiên không ai muốn trở thành bị hại của vụ án vì khả năng buộc bị cáo trả lại số tiền đã chiếm đoạt gần như là không thể. Cuối cùng người bị thiệt vẫn là những hộ dân đang chờ để được nhận tiền bồi thường, giải tỏa…

Nhưng từ ngày 15.12.2008 đến 26.4.2010, Toàn 18 lần tự làm giấy đề nghị thanh lý hợp đồng, giả chữ ký của chủ tài khoản, lén lấy dấu của BBTGPMB đóng rồi trực tiếp đến ngân hàng làm thủ tục thanh lý, rút tiền, chiếm đoạt tổng cộng 9.392.326.185 đồng.

"Chữ ký giả nhưng con dấu thật”

Bản cáo trạng còn đề cập, sau khi hoàn thành việc rút tiền ra khỏi ngân hàng, để che giấu hành vi này, Toàn hủy bỏ hết các tài liệu làm giả và chứng từ rút tiền. Tiếp đó cũng nhằm để tránh bị phát hiện, ngày 2.3.2009 và 23.3.2010, Toàn đem tiền mặt (2.616.547.338 đồng) nộp vào tài khoản của Sacombank quận 10 và đã thực hiện 2 lệnh chuyển khoản tiền bồi thường cho 2 hộ dân. Như vậy, trừ đi số tiền đã chiếm đoạt rồi nộp lại này, Toàn còn chiếm đoạt hơn 6,7 tỉ đồng.

Nhưng đến đây, vấn đề rắc rối là Toàn chiếm đoạt tiền của ai? Ngân hàng hay của BBTGPMB? Cáo trạng xác định số tiền Toàn chiếm đoạt là của ngân hàng. Quyết định đưa vụ án ra xét xử cũng xác định ngân hàng là bị hại trong vụ án. BBTGPMB cũng có đơn gửi tòa đề nghị ngân hàng có trách nhiệm với số tiền này để trả cho dân.

Tuy nhiên, trong phần xét hỏi, đại diện chi nhánh ngân hàng này cho biết nhân viên ngân hàng đã làm hết trách nhiệm, kiểm tra con dấu, chữ ký chủ tài khoản thấy “giống” với chữ ký mẫu nên mới cho rút. Vị chủ tọa truy: “Nhưng giám định cho thấy đó là chữ ký giả, ngân hàng là người giữ giùm số tiền này, chủ tài khoản không yêu cầu rút tiền nhưng trong vòng 2 năm với 18 lần rút tiền mà không một lần điện thoại kiểm tra với chủ tài khoản thì ngân hàng cũng phải có trách nhiệm với số tiền này”? Lúc này, đại diện ngân hàng vẫn khẳng định: “Đã làm đúng quy trình, thủ tục, tuy chữ ký là giả nhưng con dấu là con dấu thật”.

Quang Hiển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.