Trắng đêm xếp hàng cho con đi học

01/07/2011 23:14 GMT+7

Năm học này, phụ huynh có nhu cầu gửi con vào trường mầm non (MN) ở Hà Nội lại tiếp tục rơi vào tình cảnh hoặc chấp nhận xếp hàng suốt đêm hoặc trông chờ vào sự may rủi khi trường tuyển sinh bằng cách... bốc thăm.

>>  Căng thẳng "cuộc đua" vào trường mầm non công

Đêm trắng

Việc xếp hàng suốt đêm để mong có một cơ hội mua được đơn xin học vào trường MN công lập đã trở thành chuyện... quá cũ ở không ít trường MN trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, chính vì vậy lại càng tăng thêm sự mệt mỏi, ngao ngán và thất vọng của người dân.

 

 
Xếp hàng xin cho con vào học mẫu giáo tại trường Mầm non Thành Công A, Q.Ba Đình, Hà Nội - Ảnh: Ngọc Thắng

Một cụ ông đã gần 78 tuổi sau một đêm trắng xếp hàng xin cho cháu vào trường MN Thành Công A (Q.Ba Đình) tỏ rõ sự phiền lòng: “Đây là năm thứ tư tôi phải xếp hàng xin học cho các cháu của mình. Năm nào cũng hy vọng rằng với sự hứa hẹn của lãnh đạo thành phố thì sang năm tình hình sẽ khá hơn. Vậy mà...”.

Giáo dục là quốc sách hàng đầu mà tại sao người dân ở giữa thủ đô lại không biết phải gửi con đi học ở đâu?  

Một phụ huynh ở Hà Nội

Năm nay trường MN Thành Công A chỉ tuyển sinh trẻ sinh năm 2008, 2009, mỗi độ tuổi được ấn định là 70 cháu. Chỉ tiêu ít ỏi ấy đã khiến người dân có nhu cầu gửi con rơi vào tâm trạng lo lắng bị trượt tuyển sinh ngay từ lớp MN.

Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Lưu Tường Vân - Phó trưởng phòng Giáo dục Q.Ba Đình, nói: “Nguyên nhân khiến người dân phải xếp hàng vất vả cả đêm để mong có một chỗ học cho con em mình vẫn là việc quá thiếu trường lớp”. Bà Vân cũng cho biết đây là phường xảy ra tình trạng căng thẳng nhất. Theo số liệu điều tra thì năm học tới, chỉ tính riêng trẻ sinh năm 2007, 2008 toàn phường đã có tới 757 cháu. Trong khi đó, cả hai trường MN trên địa bàn phường là Thành Công A và Họa My chỉ tiếp nhận tối đa hơn 200 cháu. Cũng theo bà Tường Vân, số trường MN công lập trên toàn Q.Ba Đình đáp ứng khoảng 70% học sinh mẫu giáo, trong đó ưu tiên tối đa cho trẻ 5 tuổi; ở độ tuổi nhà trẻ thì tỷ lệ này mới chỉ dừng ở mức 28%.

Bốc thăm trúng... tuyển

Để tránh tình trạng phụ huynh phải xếp hàng, nhiều trường đã chọn một cách tuyển sinh khác là “bốc thăm trúng tuyển”.

Thuê xếp hàng mua đơn

Trong số phụ huynh đến xếp hàng đăng ký học cho con tại trường MN Thành Công A (Q.Ba Đình, Hà Nội) tối 30.6, có một số đến xếp hàng thuê với tiền công được trả từ 500.000 - 1 triệu đồng từ chiều hôm trước đến sáng hôm sau. Nếu đăng ký học thành công cho con nhà chủ sẽ được thưởng từ 70 -  100% tiền công thuê. (Lê Quân)

Trường MN 10.10 (Q.Hoàng Mai), mặc dù thông báo tuyển sinh tới 4 độ tuổi khác nhau nhưng số lượng tuyển rất khiêm tốn. Bà Vũ Tú Anh, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay: “Đây là năm thứ 2 thực hiện phát đơn xin học theo hình thức bốc thăm”. Bà Tú Anh thừa nhận: “Mặc dù cách làm này cũng không hay lắm vì trẻ được đi học hay không lại phụ thuộc vào “may rủi”. Tuy nhiên, đây vẫn là cách lựa chọn mà chúng tôi cho rằng an toàn hơn khi mà số trẻ tiếp tục tăng còn số trường lớp không đổi”.

Một người dân có hộ khẩu ở ngay sát trường MN 10.10 cho biết: “Ngày 9.7 mới bốc thăm tuyển sinh cho các cháu sinh năm 2008 nên gia đình tôi khá lo lắng và hồi hộp, không biết “may rủi” thế nào. Nếu bốc phải lá thăm không trúng tuyển thì việc cho cháu học ở trường MN tư thục với mức đóng góp vài triệu đồng/tháng là quá khả năng kinh tế của gia đình”. Rất nhiều trường ở Q.Hoàng Mai và Q.Hai Bà Trưng, Tây Hồ cũng áp dụng hình thức tuyển sinh này. Bà Đinh Thanh Hằng, Phó trưởng phòng GD-ĐT Q.Hoàng Mai cho biết: “Sẽ có khoảng 80% số trường MN thuộc địa bàn quận chọn biện pháp bốc thăm”.

Thế nhưng với phụ huynh thì sự căng thẳng, buồn phiền không hề lắng dịu. Một phụ huynh có nhu cầu gửi con vào trường MN Chu Văn An (Q.Tây Hồ) bày tỏ: “Đó là cách làm thuận lợi hơn cho các trường nhưng chúng tôi lại không muốn bị đặt vào tình cảnh may - rủi”.

Còn một phụ huynh khác đang chờ bốc thăm vào trường Đông Mác thì bức xúc nói: “Tôi không hiểu vì sao bao nhiêu năm nay tình trạng thiếu trường không thể giải quyết được trong khi chỉ vài năm mà thành phố có thêm hàng chục trung tâm thương mại lớn mọc lên ở những vị trí to đẹp nhất. Giáo dục là quốc sách hàng đầu mà tại sao người dân ở giữa thủ đô lại không biết phải gửi con đi học ở đâu?”.

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.