Nỗi buồn giáo dục

01/07/2011 00:43 GMT+7

Câu hỏi chẳng biết bao giờ giáo dục VN sẽ phát triển và đi vào thực chất dường như càng nhức nhối hơn khi từng ngày qua đi, những người quan tâm đến nền giáo dục nước nhà chứng kiến quá nhiều “thảm kịch” giáo dục.

Chuyện dạy thêm học thêm là căn bệnh kinh niên chẳng có hồi kết thúc. Dù Bộ GD-ĐT vẫn khẳng định cấm giáo viên, đặc biệt bậc tiểu học, dạy thêm chính học sinh của mình nhưng cứ vào đầu năm học phụ huynh bức xúc vì giáo viên ép học sinh học thêm, giáo viên thì bảo đồng lương hiện không đủ nên phải làm thêm, lãnh đạo các cấp thì khẳng định sẽ thanh kiểm tra… Nhưng học sinh vẫn phải học ngày học đêm, học trong học ngoài và nhiều giáo viên vẫn ưu ái những học sinh có học thêm. 

Sau mỗi mùa tuyển sinh ĐH-CĐ lại rộ lên chuyện rất nhiều trường tuyển vượt chỉ tiêu so với quy định. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT vẫn luôn khẳng định sẽ xử phạt những trường hợp này. Các trường cũng nộp phạt (với số tiền không đáng là bao so với tiền trường thu được từ số sinh viên vượt chỉ tiêu) để rồi năm sau lại tiếp tục vi phạm. Vấn đề đào tạo ở bậc ĐH-CĐ cũng là một câu chuyện buồn khi rất nhiều trường ở vào cảnh trường thuê, thầy tạm; nạn sao chép giáo trình, tài liệu nghiên cứu, luận văn tốt nghiệp tràn lan từ thầy đến trò. Hàng loạt trường CĐ được nâng cấp lên ĐH kéo theo việc nhiều cán bộ giảng dạy bằng mọi cách phải hợp thức hóa cho được bằng thạc sĩ, tiến sĩ dù đó là bằng của trường dỏm.

Bao nhiêu năm nay, có vô vàn ý kiến về vấn đề sách giáo khoa. Từ việc kêu gọi bỏ độc quyền trong việc biên soạn, phát hành sách đến cải tổ nội dung sách giáo khoa để tránh những sai sót không đáng có… Thế rồi Bộ GD-ĐT đưa ra đề án: “Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015” với kinh phí 70.000 tỉ đồng khiến dư luận bất bình. Quan trọng hơn, chính những nhà giáo từng tham gia viết sách giáo khoa cho Bộ GD-ĐT là những người chống đối đề án này mạnh nhất vì hơn ai hết, họ thấu hiểu việc viết sách giáo khoa và chi tiền cho công việc này trong nhiều năm qua như thế nào. Bởi với số tiền ấy, mọi người mong muốn dùng để thực hiện một cuộc cải cách chiến lược, thay đổi những điểm căn cơ trong hệ thống giáo dục nước nhà chứ không chỉ chương trình và sách giáo khoa.

Lẽ ra kết quả đậu tốt nghiệp THPT trong 2 năm vừa qua phải khiến mọi người vui mừng mới phải vì nó rất cao. Thế nhưng tại sao ai cũng bàng hoàng, phản đối? Vì ai cũng biết rằng đó không phải thực chất, cũng giống như gần 100% học sinh những lớp đầu cấp tiểu học đạt loại giỏi. Người dân quá ngao ngán với những con số ảo này và họ không chấp nhận nó. Là những người lãnh đạo công tác giáo dục nước nhà, lẽ ra phải tự vấn và tìm cách giải quyết triệt để; ngược lại nhiều quan chức giáo dục lại cho rằng đó là do chất lượng được nâng lên, là “học thật, thi thật”! Không ai dám chắc nhận xét này đúng nhưng ai cũng bàng hoàng trước một sự thật rằng trong biên bản thống nhất hướng dẫn chấm thi môn ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011 của 11 tỉnh ĐBSCL có lưu ý: “Không tính lỗi chính tả. Không yêu cầu viết thành đoạn văn”. Vậy 12 năm nhọc công dạy dỗ học sinh tiếng Việt làm gì để bài thi tốt nghiệp không tính lỗi chính tả? Quá  buồn!

Thùy Ngân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.