Bẻ kèo

30/06/2011 16:55 GMT+7

Sau 9 năm thực hiện Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về “Chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng”, mô hình liên kết bao tiêu lúa, cá tra, trái cây, mía… nông dân ĐBSCL đã có chuyển biến.

Nhiều hợp đồng bao tiêu nông sản của doanh nghiệp (DN) ở An Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Vĩnh Long… đã tạo kiện cho nông dân hưởng lợi tối ưu trên mặt hàng sản xuất. Cụ thể, giá lúa, trái cây, cá tra… khi được bao tiêu thường cao hơn mặt hàng bình thường khoảng 5- 15%.

Thế nhưng niềm vui của nông dân sản xuất hàng hóa theo dạng bao tiêu chưa được trọn vẹn, bởi các mặt hàng được bao tiêu còn quá ít  so với số lượng và diện tích sản xuất, bình quân chỉ chiếm khoảng 3- 10% trên các nông sản như: lúa, mía, cá tra, trái cây… Đáng buồn hơn, tình trạng bao tiêu nông sản hiện nay vẫn ở dạng “ký cho có”, chuyện “bẻ kèo” liên tục xảy ra. Cụ thể, có những thời điểm cá tra bị ứ đọng, DN đã ký hợp đồng bao tiêu (HĐBT) với nông dân đưa ra đủ lý do để “hành” nông dân. Phổ biến nhất là trong HĐBT có câu sau 30 ngày (mua cá) mới trả tiền! Nhưng không ít nông dân phải chờ 2-3 tháng mới nhận tiền mà không thể kiện DN vì trên HĐBT, các DN đưa ông “phó” ra ký (không có giá trị pháp lý). 

Trong khi đó, phía DN lại “tố nông dân” là người bẻ kèo, bởi  khi giá nông sản tăng cao, họ bán cho thương lái mà không bán cho DN (thường DN có đầu tư nhất định cho vùng nguyên liệu). Khi rơi vào tình huống này, DN cũng không thể khởi kiện hàng ngàn nông dân vì như thế phải mất hàng ngàn ngày để “hầu tòa” theo số lượng HĐBT đã ký. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến DN chỉ ký HĐBT theo dạng “lớt lớt” với nông dân, như một dạng “xí phần” nguyên liệu! Thường nông dân và DN “bẻ kèo” khi một trong hai đối tượng rơi vào thế khó hoặc hám lợi trước mắt mà đánh mất chữ tín!

DN và nông dân là hai chủ thể chính tạo nên giá trị của hàng hóa nông sản nhưng hiện nay vì nhiều lý do, cả hai chủ thể này chưa “ngoéo tay” chặt với nhau. Nói đúng hơn, cả DN và nông dân chưa tin nhau, nên chuyện “đồng cam cộng khổ” cũng như phân chia lợi nhuận hợp lý vẫn theo dạng “ăn xổi ở thì”! 

Thiện Duy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.