Nhặt... bom: Chuyên gia chân đất

29/06/2011 00:21 GMT+7

Trong cuộc giải cứu những vùng đất thoát khỏi hiểm họa bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, bên cạnh những chuyên gia áo lính còn có sự cộng tác đắc lực của những nông dân...

Lực lượng công binh vận chuyển quả bom ra khỏi đất ruộng của dân

Trách nhiệm của lương tâm

Đối diện với tôi, người đàn ông gầy còm liên tục đốt thuốc. Cuộc gặp gỡ và những mẩu chuyện không hẹn trước dường như đã rứt tâm trí ông ra khỏi căn nhà nóng như hấp với cuộc sống chài lưới đắp đổi bấy lâu. Ông thao thao về những ngày đi hết tỉnh này sang tỉnh khác gỡ bom cùng bộ đội. Những chuyến đi đầy gian khó nhưng “mình thấy cuộc sống có ý nghĩa”… Ông là Nguyễn Văn Cường, ở khóm 5, thị trấn Tri Tôn, H.Tri Tôn, An Giang.

Ông Cường nói những hiểu biết về bom, đạn của ông là do học được từ người anh quá cố, một người có nghiên cứu chuyên sâu về các loại bom Mỹ. Ông Nguyễn Văn Hải, anh ông Cường đã được giấy phép của huyện đội cho đi thu gom các trái bom “lép” ở vùng rừng núi Tri Tôn. Là con của xứ này, họ hiểu rõ những vùng đất trong chiến tranh đã phải oằn mình gánh chịu mưa bom bão đạn. Ông nói, chỉ riêng ở dãy núi Cô Tô, anh em ông không nhớ hết đã gom bao nhiêu trái bom “lép” như thế. Nhiều nhất là ở đồi Tức Dụp, "chỉ có mỗi một hang đá mà chúng tôi đã “lượm” trên 20 trái bom, tất cả đều là bom nổ mạnh. Trái nhỏ nhất cũng 250 cân Anh (khoảng 100 ký), trái lớn thì phải đến 750 cân Anh”. Trong số đó, có 2 trái bom được anh em ông vô hiệu hóa rồi tặng lại làm hiện vật trưng bày ở khu di tích.

Thời gian sau, danh tiếng anh “thợ gỡ bom” Nguyễn Văn Hải được biết đến nhiều hơn. Không dừng lại ở vùng đồi Tức Dụp hay rừng núi Tri Tôn, ông bắt đầu có những chuyến đi xa nhà. Từ Tiền Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Bến Tre… Ngày qua ngày, chuyện gỡ bom của ông Hải đã thoát ra ý nghĩa của việc làm kiếm cơm. Nó trở thành một thứ trách nhiệm, trách nhiệm của lương tâm.

 Ông Nguyễn Văn Cường bên bàn thờ của vợ chồng ông Nguyễn Văn Hải, cả hai vợ chồng đều tử nạn bởi sự cố nổ bom - ảnh: T.T

Sinh nghề tử nghiệp

Một vài người trong nhà ông Hải cũng biết ít nhiều về các loại bom. Thậm chí, họ còn giúp việc “lặt vặt” khi ông làm công việc nguy hiểm này. Cứ thế cho đến một hôm, lúc đi gỡ bom xa nhà, ông Hải nhận được hung tin. Một người học trò thân tín của ông trong lúc gỡ trái đạn cối 81 đã sơ suất làm đạn phát nổ ngay trên tay. Anh này chết không toàn thây. Vợ ông cũng tử nạn khi bà loay hoay gần đó. Thảm kịch xảy ra khiến ông Hải sống như người mất hồn. Thương anh, ông Cường luôn ở bên chia sẻ. Dần dần, ông trở thành người học trò bất đắc dĩ của anh mình lúc nào không hay.

Ban đầu ông được ông Hải chỉ cho phân biệt các loại bom, sức công phá, độ nguy hiểm, các nguyên lý nổ và tiếp theo là cách vô hiệu hóa từng loại bom. Đến lúc lũ trẻ trong nhà biết gọi tên nhiều loại bom cũng là khi ông Cường đã bắt tay vào công việc mà trước đó ông chưa hề nghĩ tới. “Ban đầu thấy anh Hải gỡ bom, tôi không dám tới gần. Mình càng biết nhiều về nó càng thấy sợ”, ông Cường nhớ lại. Đến khi ông không còn sợ nữa, thì: “Mình tháo bom như ăn cơm bữa, thời gian đâu nữa mà sợ. Mà nếu tâm lý không vững thì chính mình lại gây khó cho mình”.

Nói thế, nhưng những lúc gác tay nằm hồi tưởng lại ông mới thấy giật mình. Như lần gặp trái bom 500 cân Anh trong hốc núi Đất (Kiên Giang), tới giờ mỗi khi nhớ tới ông “vẫn còn nghe lạnh lưng”.

Thông thường, người ta chỉ tháo ngòi nổ khi đã tách ngòi ra khỏi thân bom để vô hiệu hóa chúng. Thế nhưng lần đó không thể lấy ngòi nổ ra khỏi trái bom vì nó kẹt cứng trong hốc đá. Ông Hải lộ vẻ căng thẳng khi quát ông Cường phải tránh xa. Nhưng người em cãi lại: “Ông bị làm sao thì tui còn sống sung sướng gì nữa”. Phải mất nhiều giờ sống trước lưỡi hái thần chết, cuối cùng anh em nhà ông cũng gỡ thành công ngòi nổ trái bom, trước khi lấy trái bom ra ngoài...

Trung tá Trần Văn Cường, Tham mưu phó Huyện đội Thanh Bình, Đồng Tháp, nói trước đó ông được biết ông Hải tháp tùng cùng bộ đội đi thu gom 9 trái bom ở gần bãi rác Trà Vinh. Xong việc ở Trà Vinh, đoàn lại về Đồng Tháp để tiếp tục xử lý 4 trái bom khác. Ngày thứ hai, trái bom thứ 4 được tách ngòi. Khi ông Hải lui cui làm phần việc còn lại là xử lý ngòi nổ thì bất ngờ mọi người nghe một tiếng nổ lớn…

Trung tá Lê Văn Bình, Chủ nhiệm Công binh Tỉnh đội Tiền Giang, bằng kinh nghiệm của mình, ông nhận định ngòi nổ của trái bom gây nên cái chết của ông Hải có ngòi nổ tự động. Nó nằm im bao lâu nay. Nhưng khi có tác động thì tiếp tục vận hành, làm khai hỏa hạt nổ bên trong ngòi nổ. Tuy hạt nổ nhỏ, nhưng cũng đủ để tước đi mạng người.

Chuyện xảy ra đã cách nay hơn 2 năm, nhưng khi vô tình khơi lại, ông Cường vẫn còn uất nghẹn: “Lần đó tui bận làm nhà cho má tui nên không đi với anh Hải. Phải có tui đi, mang theo đủ đồ nghề thì đâu xảy ra cớ sự”.

Sau cái chết của ông Hải, ông Cường nói ông còn đi thêm 2 chuyến Sóc Trăng và Bến Tre “lấy được 9 hay 10 trái bom gì đó”, rồi về nhà sống bằng nghề nuôi gà mướn và cùng vợ chài lưới kiếm cơm qua ngày.

Tiến Trình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.