18 người chết, 14 người mất tích vì mưa bão

26/06/2011 02:20 GMT+7

Bão số 2 đã gây thiệt hại không nhỏ về người và tài sản, đồng thời gây lũ trên các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An, khiến nhiều khả năng xuất hiện đỉnh lũ lịch sử.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão T.Ư, và tổng hợp của phóng viên từ Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, tính đến chiều tối qua 25.6, mưa bão, sét và lũ quét đã làm tổng cộng 18 người chết, 14 người mất tích và 60 người khác bị thương.

 

Hàng ngàn héc-ta lúa đang tới kỳ thu hoạch tại Nam Định bị ngập. Trong ảnh: Ruộng lúa bị ngập tại xã Tân Thịnh (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) - Ảnh: Thiên Bình

Trong số những người chết vì thiên tai, Hải Phòng có 7 người, Nam Định và Thanh Hóa mỗi tỉnh 4 người, Thái Bình, Nghệ An và Yên Bái mỗi tỉnh 1 người. Hầu hết những người chết đều do bị sét đánh trúng khi đang gặt lúa chạy bão. 14 người mất tích được xác định gồm 3 nạn nhân trong vụ nước lũ cuốn trôi tại Yên Bái, 1 người ở Nghệ An do chìm tàu và 10 ngư dân trên tàu cá TH 90526 TS do ông Nguyễn Văn Hạnh trú tại thôn Chiến Thắng (xã Ngư Lộc, H.Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) làm chủ kiêm thuyền trưởng bị mất liên lạc tại khu vực biển cách hòn Nẹ khoảng 5 hải lý về phía đông bắc. Đến chiều 25.6, vẫn chưa có thông tin liên lạc của tàu TH 90526TS cũng như các thuyền viên trên tàu. 

Thiệt hại lớn về tài sản

Hải Phòng: 28 nhà bị sập; 890 nhà bị tốc mái; trường học xã Hồng Thái - An Dương bị tốc mái hoàn toàn khoảng 450m2; 770 ha lúa bị đổ; 2.400 cây đổ gãy; 2.000 con gia súc, gia cầm chết.

Nam Định: 13.750 ha lúa bị đổ, bằng 18% so với diện tích gieo cấy. Đê biển Cồn Xanh, Nghĩa Hưng bị sạt lở cục bộ trong bão với khối lượng khoảng 3.000m3.

Thanh Hóa:  70 nhà dân bị ngập, hư hỏng, tốc mái; 1.700m đê sông, đê bao bị tràn, sạt lở; 165 ha nuôi trồng thủy sản bị tràn... Tổng thiệt hại ước tính khoảng 260 tỉ đồng. Trên tuyến đường tỉnh lộ Hồi Xuân - Tén Tằn (đoạn qua xã Nhi Sơn, huyện vùng cao Mường Lát), khoảng 2.000m3 đất đá sạt lở đã tràn ra đường gây ách tắc giao thông nhiều giờ liền. Quốc lộ 217 (đoạn qua cầu Phà Lò, thị trấn huyện vùng cao Quan Sơn) bị ngập. Đến chiều 25.6, giao thông trên các tuyến đường ở Thanh Hóa đã hoàn toàn thông suốt.

Nghệ An: 16 nhà dân bị cuốn trôi, 37 nhà dân và 23 phòng học bị đổ sập, 1.048 nhà dân bị ngập chìm trong nước. Đến chiều qua, nhiều tuyến đường giao thông quan trọng như: QL48, QL7, QL15 nhiều đoạn vẫn còn bị ngập sâu trên 1m khiến giao thông trên các tuyến này đang hoàn toàn bị tê liệt. 

Đỉnh lũ lịch sử

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết  hôm qua 25.6, vùng áp thấp, tàn dư của bão số 2 đã tan trên khu vực Thượng Lào. Mặc dù đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trước khi đổ bộ vào vùng ven biển các tỉnh Hải Phòng - Ninh Bình, tiếp tục suy yếu thành một vùng thấp trên đất liền tỉnh Thanh Hóa, nhưng bão số 2 đã gây ra một đợt mưa lớn trên diện rộng. Tính đến hôm qua, lượng mưa đo được ở các tỉnh thuộc khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến ở mức từ 100 - 200 mm, một số nơi trên 200 mm như Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) 324 mm, Văn Lý (Nam Định) 233 mm, Yên Định (Thanh Hóa) 237 mm, Quỳ Châu (Nghệ An) 236 mm...

Trên các sông tại Thanh Hóa và Nghệ An đã xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên sông Yên tại Chuối là 3,41m (dưới báo động III 0,09m); trên sông Bưởi tại Kim Tân là 8,90m (dưới báo động I 1,1m); sông Cả tại Mường Xén 144,9m, cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 2005. Tối 25.6, lũ trung hạ lưu sông Mã và sông Cả tiếp tục lên; lũ sông Bưởi tại Mường Xén có khả năng lên mức 145,5 - 146m, cao hơn đỉnh lũ lịch sử từ 3,5 - 4,0m. Sáng nay 26.5, mực nước hạ lưu sông Mã sẽ đạt đỉnh nhưng còn dưới mức báo động I. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn cảnh báo tỉnh Nghệ An cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng.

Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão T.Ư đã có công điện khẩn yêu cầu các bộ ngành liên quan và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh tổ chức triển khai phương án phòng chống lũ đảm bảo an toàn đê điều theo cấp báo động; đặc biệt quan tâm đảm bảo an toàn cho 2 cống đang thi công trên đê sông Lam, sông La là cống Nam Đàn (Nghệ An) và cống Đức Xá (Hà Tĩnh); đồng thời kiểm tra quản lý chặt chẽ và hướng dẫn giao thông ở các bến đò. Chính quyền cấp cơ sở chịu trách nhiệm về việc hoạt động giao thông thủy ở khu vực có lũ. Ban chỉ đạo cũng yêu cầu các địa phương sơ tán dân ra khỏi vùng trũng, thấp, ven sông suối, khu vực có khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở đất; hạ lưu các hồ chứa có nguy cơ xảy ra sự cố và khu vực ngoài bãi sông.

Q.Duẩn - K.T.Long - N.Minh - K.Hoan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.