Nông dân xây cầu bạc tỉ

25/06/2011 19:00 GMT+7

Họ không được học hành nhiều, cũng chẳng dư dả tiền bạc, nhưng luôn khát khao thực hiện mơ ước mấy trăm năm của người dân quê mình. Cây cầu bạc tỉ vắt qua sông Bến Tắt (một nhánh của dòng Bến Hải lịch sử) đã được dựng nên nhờ những con người như thế...

Cư dân vùng Vĩnh Sơn (H.Vĩnh Linh, Quảng Trị) gọi họ là những “lão nông gàn”. “Không gàn sao được khi xuất thân mấy đời làm nông, giờ đây ruộng nương không lo chăm bẵm mà suốt ngày ôm cái bản vẽ cầu cống đến khúc sông này, đoạn sông kia chỉ trỏ…” - một người dân tếu táo khi nhắc đến ông Trần Duy Bôn (58 tuổi), Trần Văn Trường (45 tuổi), Trần Công Chức (42 tuổi, cùng trú xã Vĩnh Sơn) và ông Phạm Dũng (46 tuổi, trú xã Triệu Phước, H.Triệu Phong).

Hai năm cho ước vọng trăm năm

Chúng tôi về Vĩnh Sơn một ngày nắng như đổ lửa, khác với ngày xưa, từ quốc lộ 1A để vào xã giờ chỉ cần túc tắc đi mấy bước qua cây cầu phao nho nhỏ là đến. Cây cầu là nơi đi lại của người dân, là nơi để lũ trẻ nhảy ùm ùm xuống dòng sông mát rượi… Cảnh tượng tưởng chừng như giản đơn với bao làng quê yên bình khác thì đối với ngươi dân nơi này lại là một bước đổi thay ngoạn mục.

Chỉ vài tháng trước đây thôi, người Vĩnh Sơn vẫn được vùng lân cận xem là sống nơi biệt lập. Cái rẻo đất này được bủa vây bởi phía trước là dòng Bến Tắt, phía sau là dòng Sa Lung. Những dòng sông đã cho họ nhiều sản vật của thiên nhiên nhưng cũng cách trở họ với bên ngoài. Người Vĩnh Sơn vẫn nói cái cảnh của mình là “gần nhà mà xa cửa ngõ” là vậy. “Từ khi tui sinh ra cho đến lúc có cây cầu, muốn đi từ bên ni (xã Vĩnh Sơn) sang bên kia (thôn Hải Chữ, xã Trung Hải, H.Gio Linh) không còn cách nào khác là phải đi vòng. Đi xuôi về cầu ga Tiên An rồi vòng lên mất chừng 8 km mà ngược cầu Châu Thị (xã Vĩnh Lâm) thì quãng đường là 18 km. Cứ mỗi lần đi đâu, đến là khổ…” - bà Trần Thị Tơ (54 tuổi, trú thôn Huỳnh Xá Hạ, xã Vĩnh Sơn) kể lại.

Có một thời gian, phương tiện đi lại của người Vĩnh Sơn là những con đò ngang tròng trành. Những hôm gặp mưa to gió lớn, con đò ấy đã qua lại đôi bờ với nỗi lo sợ chập chờn của cư dân vùng khó. Ý tưởng về một cây cầu được vài người nghĩ đến nhưng chưa ai dám làm. Cho đến một ngày đầu năm 2009, những “lão nông gàn” gặp nhau. Trong buổi “trà tam, rượu tứ”, một trong số bốn lão nông chân đất đã khởi xướng về “dự án” bạc tỉ này và mọi sự mới an bài từ đó…

Cứ ngồi mà nghĩ rằng chừng dăm năm nữa thôi, khi tụi nhỏ học hành đỗ đạt trở về làng mà nói rằng ngày xưa nhờ cây cầu phao của mấy ông già này mà tụi nó được như hôm nay là tui sướng rơn rồi

Nông dân Trần Duy Bôn

“Chú nghĩ đi, Vĩnh Sơn chúng tôi thời chiến tranh là đất thép anh hùng, sinh ra những người con anh hùng. Thời bình, chúng tôi cái gì cũng có: bản lĩnh, khát khao, hiếu học… nhưng chỉ thiếu mỗi cây cầu. Chả nhẽ cứ phải chấp nhận cách sông trở đò thêm nhiều năm nữa?” - ông Bôn, lão nông lớn tuổi nhất nhóm khẳng khái.

Họ nói  rằng ông trời đã run rủi cho họ gặp nhau quả là “bộ tứ trời sinh”. “Vạch xong kế hoạch, chúng tôi ai vào việc nấy. Nhà ông Chức khấm khá nhất nên phụ trách về kinh tế, ông Dũng là người đã có kinh nghiệm làm hai cây cầu phao ở H.Triệu Phong nên lo về kỹ thuật, ông Bôn là Trưởng làng Huỳnh Xá Hạ nên phụ trách “phát ngôn” lại cho bà con, còn tui thì khá rành về các thủ tục giấy tờ hành chính nên chủ yếu lo việc hợp pháp hóa cho cây cầu…” - ông Trần Văn Trường phân tích.

Mất hai năm để các “Hai lúa” hòm hòm các công việc đã đề ra, thuận lợi cũng nhiều nhưng khó khăn cũng không ít, cả xã Vĩnh Sơn dõi theo từng việc làm của họ. Khổ nhất là ở khâu chọn vị trí để xây dựng cầu, sau một hồi bàn tính họ đã khởi công cây cầu ở thôn Huỳnh Xá Hạ, bởi dù chiếc cầu không lớn nhưng lại nối phần đất của hai huyện Gio Linh và Vĩnh Linh. Vuốt mồ hôi lã chã trên trán, ông Trần Công Chức thú thực: “Dù có tìm hiểu nhưng bản chất của chúng tôi là những người nông dân. Trong lĩnh vực không chuyên sao có thể làm một lần mà suôn sẻ được, vấn đề là cuối cùng chiếc cầu cũng đã hoàn thành”.

Vay nợ xây cầu

Là những bác nông dân thứ thiệt thì tiền đâu để họ đi làm cái việc “bao đồng” này? Họ cười xòa, nói nhẹ như bẫng trước thắc mắc đó: “Tiền ấy à, vay mượn chứ đâu, người này một ít người kia một ít, vay ngân hàng, thậm chí là vay nóng bên ngoài… Gia đình chúng tôi mỗi người chỉ có dăm sào ruộng, một hai hồ nuôi tôm bữa trúng bữa trật thì tiền mô ra”.

 
 Ước mơ làm một cây cầu bắc qua sông đã được các bác nông dân thực hiện (trong ảnh là ông Trần Công Chức và Trần Duy Bôn, từ trái sang) - Ảnh: Nguyễn Phúc

Đối với những nhà kinh doanh, “dự án” về cây cầu bạc tỉ của bốn bác nông dân quả là sự đầu tư không thể mạo hiểm hơn. Đến những người “bình thường” trong gia đình cũng ra sức khuyên răn, ngăn cản họ đừng dấn thân vào dự án này vì rất dễ có nguy cơ vỡ nợ. Nhưng vì sao họ vẫn quyết tâm thực hiện? “Nếu anh đến đây vào ngày chúng tôi cho thông cầu và tận mắt nhìn thấy cảnh già trẻ, gái trai ôm nhau nhảy xồn xồn, hạnh phúc ứa cả nước mắt thì các anh mới hiểu hết được việc chúng tôi làm. Người ta nói có ước mơ mới sống được còn chúng tôi biến cả ước mơ thành sự thực thì còn chi sung sướng bằng. Đời người sống có một lần, thế mới đáng chứ” - ông Trần Công Chức, người phụ trách “tài chính” của nhóm, thổ lộ.

Đúng vào ngày 36 năm đất nước thống nhất (30.4.2011), cây cầu phao được nối đôi bờ cho dân cư qua lại. Người xóm trên xóm dưới đều tự ý thức trách nhiệm của họ với cây cầu “non trẻ” này. Họ không nề hà “tiếp sức” cho các “ông chủ” của cây cầu dăm ba ngàn lẻ cho mỗi lần qua. Mỗi lần như vậy, Trần Văn Duy (17 tuổi, con ông Trường) đều vui vẻ nhận nhưng tuyệt nhiên không lấy xu nào đối với đám học sinh. “Ba và mấy bác dặn rồi, cứ là học sinh thì không được lấy tiền. Bởi nếu làm thế lỡ có đứa không có tiền, không dám qua cầu mà lại đi đường vòng thì tội lắm…” - Duy thật thà.

Ngồi ở quán nước sát chân cầu, cảm nhận cái gió lồng lộng từ bờ sông thổi vào đang chạy mơn man khắp người, ông Bôn mơ màng: “Cứ ngồi mà nghĩ rằng chừng dăm năm nữa thôi, khi tụi nhỏ học hành đỗ đạt trở về làng mà nói rằng ngày xưa nhờ cây cầu phao của mấy ông già này mà tụi nó được như hôm nay là tui sướng rơn rồi…”. Ông Nguyễn Văn Lường, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn tấm tắc: “Ngay từ ban đầu nghe ý tưởng, xã đã hết sức tán thành, ủng hộ và tạo điều kiện để các bác nông dân có thể tiếp xúc, xin ý kiến của các cấp, các ngành liên quan. Cây cầu đã giải quyết được nhu cầu đi lại vốn hết sức bức xúc của người dân trong nhiều năm qua…”.

Cầu đã có và người đã sang, nhưng hiện nay những lão nông mê cầu vẫn còn nhiều thứ phải lo nghĩ. Họ mong có sự tiếp sức để cây cầu được khang trang hơn, phục vụ người dân tốt hơn. 

Cây cầu phao hiện vẫn chưa có tên, dài 110m, gồm 30 giàn phao (mỗi giàn phao gồm 8 đến 16 thùng phuy nhựa), bề mặt cầu được làm từ những thanh gỗ ghép lại với nhau và có trọng tải 1,5 tấn. Cầu có khổ thông thuyền rộng 8m, cao 3m và đặc biệt có thể đóng mở cho tàu bè lớn đi qua hoặc tháo ra cất trong mùa mưa lũ. Tổng trị giá của cây cầu khoảng 1,5 tỉ đồng.

Nguyễn Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.