Xung quanh vụ thỏa thuận chấm bài thi tốt nghiệp THPT: Chúng tôi không tự ý làm!

24/06/2011 23:53 GMT+7

Sau quyết định của Bộ GD-ĐT không chấm lại bài thi cho thí sinh 11 tỉnh ĐBSCL thì câu hỏi mà dư luận đặt ra là trách nhiệm cũng như cách quản lý của Bộ GD-ĐT trước các kỳ thi quốc gia.

 

Thí sinh Cần Thơ sau khi làm bài môn ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vào đầu tháng 6 - Ảnh: Chí Nhân

Cần phải có đối chất

Sáng hôm qua, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Quý Đôn - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Cần Thơ, cho biết: “Phần trả lời trên Báo Thanh Niên của anh Hiển (Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển - PV) tôi tâm đắc nhất ở phần “Không thay đổi kết quả của thí sinh để đảm bảo quyền lợi các em vì các em không có lỗi”. Tất nhiên tới đây Bộ phải vô để làm cho rõ: Địa phương sai thế nào, sai ra sao cần phải ngồi lại để phân định kỹ. Oan hay không oan cần phải có đối chất giữa các nhà chuyên môn. Cuộc họp tại Cần Thơ ngày 5.6 được Bộ cho phép. Giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Tháp Nguyễn Hoàng Nhi với tư cách Trưởng cụm thi đua vùng 6 đã chủ trì họp chung trong 30 phút. Sau đó đại diện các tỉnh chia về tổ bộ môn thảo luận. Các môn tự luận khác thì tôi không rõ, riêng môn ngữ văn biên bản được lập bằng hình thức viết tay có chữ ký sau đó photo cho mỗi tỉnh một bản. Hành động đưa biên bản đến hội đồng chấm thi là không sai. Sai hay không là nội dung biên bản có chệch hướng với đáp án của Bộ hay không mà thôi. Thanh tra ủy quyền của Bộ GD-ĐT đều có ký vào biên bản. Do vậy nếu nói các địa phương tự ý làm là không đúng rồi!”.

Thanh tra ủy quyền của Bộ GD-ĐT đều có ký vào biên bản. Do vậy nếu nói các địa phương tự ý làm là không đúng rồi!

Ông Nguyễn Quý Đôn - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Cần Thơ

Giám đốc Sở GD-ĐT Đồng Tháp Nguyễn Hoàng Nhi khá mệt mỏi nói: “Trước khi diễn ra cuộc họp tại Cần Thơ, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) Bùi Anh Tuấn phúc đáp công văn đồng ý hẳn hoi. Chúng tôi không tự ý làm. Tuy nhiên tới đây Bộ vẫn còn vào làm việc cụ thể”.

Nếu không có phép làm sao ngồi lại họp bàn được!

Cùng quan điểm, ông Ninh Thành Viên - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Kiên Giang, nhấn mạnh: Bộ cần sớm có cuộc làm việc chính thức với các tỉnh, xác minh làm rõ những nội dung báo chí nêu để có kết luận cụ thể. Nếu không có phép của Bộ, các tỉnh làm sao ngồi lại họp bàn được. Nội dung trao đổi tại Cần Thơ (biên bản ghi nhớ viết tay) chỉ là để các tỉnh tham khảo, vận dụng đối với những câu hỏi có đáp án “mở”, những câu học sinh dễ mất điểm, những lỗi thường gặp do đặc điểm vùng miền nhưng không thoát ly hướng dẫn chấm của Bộ. Thanh tra ủy quyền của Bộ không có ý kiến gì về buổi họp thảo luận đáp án tại Cần Thơ cả”.

Bà Phan Ngọc Trinh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh An Giang, cũng khẳng định cuộc họp ở Cần Thơ là trên tinh thần, chủ trương của Bộ cho phép.

Bộ đề nghị kiểm điểm Sở!

Ngày 24.6, Bộ GD-ĐT có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo về kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011. Cùng ngày, Bộ gửi công văn đến chủ tịch UBND 11 tỉnh An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Long An, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long nêu rõ: “Bộ GD-ĐT đã ban hành Hướng dẫn chấm thi và chỉ đạo thống nhất thực hiện trên toàn quốc, không cho phép các hội đồng chấm thi tự xây dựng và sử dụng các hướng dẫn chấm thi khác với Hướng dẫn chấm thi của Bộ. Theo đề nghị của đại diện sở GD-ĐT các tỉnh/thành phố ĐBSCL, Bộ GD-ĐT đã cho phép tổ chức cuộc họp lãnh đạo các hội đồng chấm thi của 11 tỉnh trong vùng để “thảo luận hướng dẫn chấm và biểu điểm các môn thi tự luận”. Điều đáng tiếc là lãnh đạo các hội đồng chấm thi tham gia cuộc họp đã xây dựng văn bản thống nhất hướng dẫn chấm thi các môn tự luận, khác với văn bản Hướng dẫn chấm thi của Bộ, và cho lưu hành văn bản này ở một số hội đồng chấm thi trong vùng. Đây là việc làm sai của một số lãnh đạo và cán bộ chấm thi của các hội đồng chấm thi trong vùng. Bộ

GD-ĐT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố, theo thẩm quyền, chỉ đạo Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh và giám đốc sở GD-ĐT tổ chức kiểm điểm, xử lý các tập thể, cá nhân có sai phạm và thông báo kết quả về Bộ GD-ĐT trước ngày 31.7”.

T.Ngân

Ý kiến

Bộ GD-ĐT nên tự kiểm điểm mình

Để xảy ra việc này, lỗi hoàn toàn không phải của học sinh cũng không phải của chủ tịch hội đồng thi các tỉnh mà là lỗi của thanh tra Bộ GD-ĐT, lỗi của người điều hành kỳ thi. Theo tôi, Bộ nên tự kiểm điểm mình và tự chịu trách nhiệm trước khi đổ trách nhiệm cho người khác.

NGUYỄN HỮU DANH - Phó chủ tịch Hội Cựu giáo chức TP.HCM

Thanh tra ủy quyền của Bộ phải bị xử lý nặng nhất

Tôi nghĩ, việc Bộ GD-ĐT quyết định không tổ chức chấm lại bài thi tốt nghiệp THPT 4 môn tự luận của học sinh các tỉnh ĐBSCL là cách giải quyết tốt nhất hiện nay. Bởi lẽ, kỳ thi tuyển ĐH-CĐ đang cận kề nếu chấm lại sẽ phát sinh rất nhiều chuyện phức tạp. Cũng qua sự việc này, tôi thấy Bộ đã thể hiện sự “lúng túng” trong cách triển khai quyền tự chủ cho các đơn vị cơ sở. Tự chủ là rất tốt, rất cần nhưng phải được thực hiện đúng quy định, đảm bảo không phá vỡ cái chung toàn cục. Có thể nói, việc thanh tra ủy quyền của Bộ đồng ý ký vào biên bản thỏa thuận chấm thi chính là “kẽ hở” của Bộ trong việc quản lý của mình. Nếu xem xét về lỗi vi phạm thì chính bộ phận thanh tra ủy quyền của Bộ phải bị xử phạt nặng nhất. Do vậy, giao quyền tự chủ là việc Bộ nên làm, nhưng cần tăng cường hơn nữa sự kiểm soát, nhất là trách nhiệm của bộ phận thanh tra, kiểm tra. Về phía các đơn vị cơ sở cần phải nắm rõ trách nhiệm và quyền hạn của mình trong khi thực hiện quyền tự chủ.

GS-TS NGUYỄN TẤN PHÁT  -  Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT

Kỷ cương của ngành còn lỏng lẻo

Quyết định không chấm lại bài thi của Bộ GD-ĐT là chính xác vì học sinh không có lỗi và kỳ thi ĐH-CĐ đã cận kề, nếu chấm lại sẽ gây ra xáo trộn, chấn động nhân tâm. Bên cạnh đó, quyết định sẽ xem xét, xử lý vụ xé rào phạm quy này của Bộ cũng vô cùng cần thiết vì kỷ cương của ngành còn lỏng lẻo. Tiếp theo, bài trả lời của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khiến cho người ta có nhiều điều suy nghĩ. Thứ trưởng nhận định "Thi cử ngày càng nghiêm túc hơn" và khẳng định "Không thể có chuyện cuộc vận động “Hai không” phá sản". Tôi ngờ rằng tình hình thực tế ngược với nhận định trên. Tôi có nhiều học trò là giám thị, giám khảo ở nhiều tỉnh nhưng khi nói chuyện với tôi về kỳ thi chưa thấy ai khen kỳ thi năm nay nghiêm túc mà toàn là những phàn nàn. Cuộc vận động “Hai không” hiện nay chưa phá sản nhưng cứ theo đà trượt này nó sẽ phá sản. Cho nên chính cái kết quả không bình thường ấy chứng tỏ kỳ thi năm nay khâu này, khâu khác, nơi này, nơi kia thiếu nghiêm túc chứ không phải ngày càng nghiêm túc.

Thời gian tới, Bộ nên rà soát thật kỹ, rút kinh nghiệm nghiêm túc hệ thống vấn đề xoay quanh chuyện thi cử. Cuối cùng, Bộ nên sớm  có quyết định dứt khoát về 2 kỳ thi rất quan trọng mà lâu nay ngành giáo dục tốn nhiều thời gian, tiền bạc, công sức để tổ chức là thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH-CĐ.

PGS-TS TRẦN HỮU TÁ - Hiệu trưởng trường THPT Trương Vĩnh Ký (TP.HCM)

Chỉ mới giải quyết phần ngọn

Tôi đồng ý với cách giải quyết của Bộ là không tổ chức chấm lại bài thi vì rõ ràng, học sinh không có lỗi trong việc này. Tuy nhiên, đó chỉ là cách Bộ GD-ĐT giải quyết phần ngọn còn phần gốc là việc quản lý, tổ chức kỳ thi Bộ vẫn chưa làm được. Một kỳ thi quốc gia mà tổ chức không chu đáo thì cứ đến mùa thi lại làm phụ huynh chúng tôi lên cơn đau tim khi không biết lúc nào đúng, lúc nào sai.

NGUYỄN PHÚ HÒA - (Q.Tân Phú, TP.HCM)

  H.Ánh - B.Thanh - P.Loan (ghi)

Quang Minh Nhật - Bảo Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.