Nuôi ngựa trên độ cao 400 mét

28/06/2011 08:25 GMT+7

(TNTS) Ở độ cao hơn 400m so với mực nước biển, đường sá đầy đồi dốc, không có một mét đường nhựa, ngựa trở thành "đôi chân, cái xe" của người An Xuân, thuộc huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Để cải thiện chất lượng đàn ngựa ở đây, UBND tỉnh Phú Yên đã cấp cho An Xuân hai con ngựa đực giống.

Chọn mặt trao ngựa giống

Ở An Xuân, người sống trên cao, nhưng làm ruộng ở thung sâu (vì chỉ dưới đó mới có nước) và làm rẫy trên những lưng đồi nghiêng nón úp. Bởi vậy, từ trước nay, ngựa là phương tiện vận tải chính của người An Xuân. Chỉ có ngựa mới thồ được hàng hóa, nông sản từ ruộng dưới thung, rẫy trên núi về nhà; hoặc băng qua những con đường lầy lội, trơn trợt, lởm chởm đá tảng, đá cuội mà xuống đồng bằng, về thị trấn Chí Thạnh để mua bán nông sản. Có thời, ở An Xuân, nhà nào cũng nuôi ngựa. Và cũng chẳng biết tự bao giờ, cứ vào đầu năm âm lịch, hội đua ngựa truyền thống ở An Xuân lại diễn ra trên Gò Thì Thùng, thu hút bao du khách ở Phú Yên và một số tỉnh lân cận như Bình Định, Khánh Hòa, Gia Lai.

 
Ông Võ Ngọc chăm sóc chú "tuấn mã" được Nhà nước giao 

Nhưng bây giờ, đời sống người dân khá hơn, việc mua xe máy cũng dễ dàng hơn, nên đàn ngựa ở An Xuân ngày càng ít dần. Cả xã hiện chỉ còn khoảng 50 nhà nuôi ngựa, mà toàn ngựa cái. Thấy những chú ngựa được đem ra đua tại lễ hội mùa xuân toàn là ngựa còm, ngựa cõi, ngựa già nua, UBND tỉnh Phú Yên quyết định đầu tư vốn để cải thiện chất lượng đàn ngựa ở địa phương này, bằng cách cấp cho An Xuân hai con ngựa đực giống có chất lượng, được mua từ TP.HCM.

Hai ông Võ Ngọc và Võ Chín là những người có nhiều kinh nghiệm nuôi ngựa ở An Xuân, đã được chọn mặt để… gửi ngựa đực. "Năm 2007, khi chúng tôi nhận ngựa giống, hai chú ngựa này còn nhỏ xíu, chưa rụng lông cào. Nhưng được chăm sóc, nuôi nấng cẩn thận, giờ hai chú đã trưởng thành, trở thành tuấn mã thực thụ" - ông Võ Ngọc nói.

 
Ông Võ Chín bên mẹ con chú ngựa con của hàng xóm, do chú ngựa đực của ông phối giống thành công - Ảnh: Dương Thanh Xuân

Ông Ngọc nay đã 55 tuổi, là một trong những người đầu tiên gầy dựng lại hội đua ngựa gò Thì Thùng sau ngày đất nước thống nhất. Ông kể, từ nhỏ ông đã quen với những chú ngựa được người cha nuôi trong chuồng nhà. Rồi chiến tranh khốc liệt, giặc giã liên miên, năm lên 12 tuổi, ông Ngọc đến xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) nuôi ngựa thuê cho người ta. Nhờ vậy, ông biết cưỡi, biết điều khiển ngựa phi, nhảy, đi nước kiệu… Sau năm 1975, ông Ngọc đã nuôi nhiều chú ngựa và chú nào cũng đẹp, cũng mập, nên được tín nhiệm giao nuôi ngựa đực.

Ngựa thường không chết vì dịch bệnh, mà là do lao lực quá lớn nên về già đuối sức mà chết - Ông Võ Ngọc

Còn ông Võ Chín, 54 tuổi, cũng là người nuôi ngựa có tiếng ở An Xuân. Từ năm 1985 đến nay, ông Chín đã nuôi 7 con ngựa. Con nào cũng đẹp, đến khi chúng trưởng thành, có người trả được giá, thường ông Chín bán để mua ngựa khác về nuôi, biến chúng từ xấu thành đẹp. Chính những điều ấy giúp ông được chọn nuôi ngựa giống để cải tạo chất lượng đàn ngựa An Xuân. 

Buồn vui nuôi "tuấn mã"

Nhiều người dân An Xuân cho biết, nuôi ngựa nhàn hơn các loại gia súc khác. Chúng ăn uống đơn giản, chỉ cần có cỏ tươi - thứ có bát ngát ở An Xuân, nước bột gạo hoặc nước mật đường. Mỗi ngày tắm ngựa, chải lông một lần. Ngựa rất ít bệnh tật, không hề bị lở mồm long móng hay các dịch bệnh khác, chỉ thỉnh thoảng bị đau bụng nhưng thường là tự hết. Theo tìm hiểu của chúng tôi, một điều đặc biệt là đến nay, người ta hầu như không bào chế vắc-xin phòng bệnh cho ngựa vì chúng quá… ít bệnh. Theo ông Võ Ngọc, vòng đời của ngựa đến 40 năm, trong khi bò sống cao lắm là 15 năm. "Ngựa thường không chết vì dịch bệnh, mà là do lao lực quá lớn nên về già đuối sức mà chết" - ông Ngọc cho biết.

Cứ tưởng ngựa nào cũng là… ngựa và việc nuôi nấng, chăm sóc chúng cũng như nhau. Nhưng theo hai người nuôi ngựa đực ở An Xuân, nuôi dưỡng chúng khó khăn hơn nuôi ngựa cái. Ông Võ Chín thổ lộ: "Ngựa cái thồ hàng thì có thể "đánh đôi đánh đọ", đi thành từng đàn được. Ngựa cái hiền lành, lại tận tụy, nên dù thồ yếu hơn (khoảng 120 kg) vẫn được nhiều người chuộng nuôi. Ngựa đực, dù sức thồ mạnh hơn, dẻo dai hơn ngựa cái (khoảng 150 kg), nhưng đưa chúng đi thồ hàng là phải "một mình một cõi", bởi nếu cậu chàng mà gặp ngựa cái là mình chẳng nhờ vả được gì". Ông Võ Ngọc kể, con Tía mà ông đang nuôi, có lần đã hất cả tạ chuối vừa thu hoạch xong để theo một "nàng" ngựa mà nó phát hiện trên đường từ rẫy về nhà!

 
Võ Chín đóng kiều ngựa, chuẩn bị lên rẫy

Nhưng "khổ" nhất, theo cả hai ông nuôi ngựa họ Võ, là chỉ tiêu đặt ra trong nhiệm vụ phối giống để cải tạo chất lượng đàn ngựa địa phương. Ông Võ Ngọc cho biết: "Nhà nước giao chúng tôi nuôi dưỡng ngựa đực, yêu cầu trong 3 năm nuôi phải phối giống sao cho đẻ được 30 ngựa con, khi đó chúng tôi mới được giao sở hữu hẳn con ngựa đực này. Chỉ tiêu đó quả khó thật!".

Khó, một phần vì đàn ngựa cái của An Xuân đã… già, đa số 25-30 tuổi rồi nên khả năng thụ thai rất thấp. Khó, phần khác là vì con ngựa đực giống của ông Võ Ngọc chỉ có một "cà" (tinh hoàn) nên khả năng gây thụ thai không cao. Cho đến nay, con ngựa đực của ông Võ Chín đã giao phối hàng chục lần với 30 con ngựa cái, nhưng mới đẻ được 3 con và 6 con khác đang mang thai; còn con Tía của ông Ngọc thì cũng "rập" hàng chục con ngựa cái, nhưng sau 2 năm nuôi mới có khả năng gây thụ thai được… 2 con ngựa cái!

Ngoài ra, nuôi ngựa đực giống còn phải dành thời gian đưa chúng chạy vận động để vừa tăng thêm sức mạnh, sức dẻo dai, đảm bảo tinh lực. Ông Ngọc cho hay, nếu rảnh rỗi, một ngày ngựa đực phải được cho chạy 60-90 phút, trên quãng đường khoảng 5-6 cây số. Tích lũy tốt thể lực là vậy, nhưng những mùa đua trên gò Thì Thùng, hai chú ngựa đực này không được tham gia. Lý do là những người có ngựa đua khác ở địa phương ngại ngựa đực mạnh mẽ, phi nhanh khiến những chú ngựa cái khác khó có lòng theo kịp, cuộc chơi mất đi sự công bằng; còn hai ông chủ ngựa đực thì lo chú tuấn mã của mình mải mê theo "bạn tình" thay vì… chạy đua!

Nguyễn Quốc Khương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.