Kịch cà phê đi... du lịch

23/06/2011 22:40 GMT+7

Sân khấu kịch cà phê ở TP.HCM là loại hình mới mẻ do các diễn viên và đạo diễn trẻ sáng tạo ra khoảng vài năm nay. Bây giờ, kịch cà phê đang có thêm một hình thức công diễn mới rất thú vị.

Thực tế, không gian của kịch cà phê tương đối nhỏ, và khán giả cũng không mở rộng như các sân khấu chính quy, mà thường quanh quẩn với những “khách quen” trong khu vực. Cho nên, để tồn tại, phải có tiết mục mới, vở diễn mới liên tục. Điều này không dễ chút nào. Viết cho kịch cà phê phải ngắn gọn trong 1 tiếng đồng hồ, nhưng vẫn đầy đủ kịch tính, tính cách nhân vật, tâm lý… Và đặc biệt là tính chuyên nghiệp, chứ không thể “du di” thành kịch... quần chúng.

 

Thanh Tuấn (vai lão Trần) và Thùy Dương (vai Tùng Liên) trong vở "Lồng đèn đỏ" - Ảnh: H.K 

Thế nên, để thay đổi không khí, đạo diễn trẻ Đăng Duy đã nghĩ ra cách là… thay đổi khán giả. Anh vừa ký được hợp đồng 52 suất với các công ty du lịch, nhóm kịch của anh sẽ đi theo các tour để biểu diễn. Ví dụ, đoàn khách 50 người ra Vũng Tàu, ban đêm sẽ có một khoảng thời gian trống chừng 1-2 tiếng đồng hồ tại khách sạn, nhất là vào mùa mưa, dễ bị “nằm nhà”, vậy là họ được xem kịch. Nhóm kịch không cần micro, chỉ cần một bục gỗ nhỏ nơi hội trường khách sạn, đem theo vài cái đèn màu, một laptop nối với dàn loa để bấm nhạc, thế là diễn được. Sân khấu kịch cà phê cũng nhỏ gọn vậy thôi. Chính sự gần gũi đó đã chinh phục người xem, là thế mạnh của các diễn viên.

Đạo diễn Đăng Duy cho biết: “Chúng tôi sẽ dàn dựng các vở nói về biển để khán giả cảm nhận khi đi du lịch biển. Còn lại là cả chục kịch bản từng sử dụng, nay vẫn còn sức hút, như Lồng đèn đỏ, Đôi cánh tình yêu...”. Những người trẻ này xem ra rất đắm đuối cùng sân khấu. Thực tế, họ có thể đi đóng phim truyền hình lãnh cát-sê ngon hơn, nhưng họ vẫn say mê cánh màn nhung, không bỏ được. Một đêm diễn thù lao chỉ bằng một phân đoạn phim, nhưng sân khấu là sân khấu, không có gì thay thế được. Và chính loại hình như thế sẽ đem kịch đến với khán giả các tỉnh dễ hơn. Trong các tour, du khách thường là người tỉnh xa, ít có cơ hội tiếp cận kịch nói, mà các đoàn kịch mấy thuở lại chịu về quê. Cho nên, đây là cách phổ biến sân khấu rất nhẹ nhàng.

Đăng Duy còn ấp ủ một dự định là dịch các vở kịch ra tiếng Anh, để diễn cho các tour có du khách nước ngoài. Đặc biệt vở nào giới thiệu được văn hóa dân tộc thì ưu tiên. Lớp trẻ đang cố gắng sáng tạo và tồn tại, chứ không chấp nhận buông xuôi. Khi không có nhiều nhà hát cho nghệ sĩ hoạt động, thì họ cũng tìm mọi cách vươn lên. Những “nhà hát di động” như thế là sự năng động của người trẻ.

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.