Bi hài ở trọ

23/06/2011 17:23 GMT+7

Ở TP.HCM, việc kiếm một khu trọ đúng nghĩa dành cho sinh viên quả thật khó khăn. Hầu hết những khu trọ có giờ giấc sinh hoạt thì không giống nhau, lối sống đủ kiểu trên đời, trộm cắp thường xuyên, không người quản lý.

3 năm học chuyển chỗ trọ... 11 lần

Vì muốn tự lập nên Đỗ Tấn Thanh, quê ở Sóc Trăng, SV năm thứ nhất trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, đã thuê nhà trọ cùng 2 người bạn qua thông báo ở ghép của trường. Căn phòng khoảng 10m2, nằm ở khu trọ “Ngoại - Tin” (tên gọi do SV trường đặt) ở cư xá Bắc Hải Q.10 TP.HCM. Theo lời Thanh thì phòng khá sạch sẽ vì lót gạch bông “mát lạnh” nhưng mỗi tội khi trời mưa là nước tràn vào nhà. Nhóm phải để đồ đạc trên gác lửng, còn tầng trệt chỉ để xe. Hơn 1 năm bám trụ, Thanh tâm tư: “Ở riết cũng quen. Nước lũ dâng lên rồi sẽ rút. Mỗi lần mưa lớn là tụi em ở lại trên trường. Khi nào tạnh mưa, đi tà tà về là nước cũng vừa kịp rút. Chịu khó lau phòng một tí”.

 
SV tại khu trọ Làng tôi Q.2, TP.HCM - Ảnh: Tuyết Vân

Ngày nào, tại khu trọ này cũng mất đồ. Ít thì mất điện thoại, có bữa mất một lúc 5 chiếc xe máy

Anh Trần Văn Ngà

Không may mắn như nhóm Thanh, Trần Thị Mây, SV trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho biết: “Trong 3 năm học, tôi đã chuyển chỗ trọ đến 11 lần”. Theo lời kể của Mây thì khu trọ nằm ở cạnh chùa, gần chợ Bàn Cờ (Q.3) nên đến 6 giờ là nghe kinh Phật. Chưa kể, bà chủ nhà  ăn chay trường, cứ 8 giờ tối là tụng kinh, gõ mõ đến 10 giờ. Các phòng xung quanh thì mê đá gà, đánh bài, cá độ nên xóm trọ lúc nào cũng tấp nập các tay anh chị xăm mình rồng, rắn. Thế nên xen lẫn tiếng kinh là tiếng "mẹ cha nó chứ, lại thua nữa rồi...".

Cầm cự được 45 ngày, Mây dọn ngay qua chỗ mới. Thế nhưng, mỗi nhà mỗi cảnh. Đến 3 giờ sáng là cả khu huyên náo phiên họp chợ vì dân trọ là người lao động bán rau và hàng rong. Sau một ngày vất vả mưu sinh, về đến phòng là mọi người kéo nhau nhậu nhẹt. Tiếng ly, chén kêu loảng xoảng, tiếng “dô dô” liên tục. Chưa kể nhậu nhẹt vào vợ chồng sinh sự, cãi nhau ầm ĩ.

 
Bữa cơm sinh viên trong nhà trọ - Ảnh: Tuyết Vân

Choảng nhau liên tục

Còn 4 chị em Trịnh Thị Mỹ Dung, ở trọ gần 1 năm tại khu trọ Làng tôi (Q.2, TP.HCM) cho biết: “Nếu là người mới tới thì không thể ngủ được”. Dung bức xúc kể hàng loạt những vấn đề nóng hổi của khu trọ như: phòng cạnh bên thì SV đờn hát suốt ngày, nhậu nhẹt, rồi chửi nhau mà không thấy học hành. Hai cặp sống thử thì đánh nhau liên tục. Hai vợ chồng già đối diện thì cãi nhau, đòi ly hôn, chia con, chia tài sản ngoài quê. Đêm đến, cả phòng đang ngon giấc thì bị đánh thức bởi tiếng chửi mắng của bà mẹ dạy con khi thấy con mình tha về phòng một tên nghiện. Rồi tiếng con nít khóc, nói tục, tiếng nhạc inh ỏi. Bức xúc nhất là bị bà chủ “tra tấn” bởi karaoke suốt 4-5 giờ mỗi ngày.

Khu trọ nhiều lần phát hỏa

Theo lời kể của anh Phan Xuân Nghiêm - công nhân công ty bao bì thì khu trọ Làng tôi nhiều lần phát hỏa. Cách đây hai tháng, một đôi SV sống thử dại dột nướng thịt trên tầng gác lửng đã làm lửa bốc cháy thiêu rụi hết quần áo và một góc phòng. Khi xảy ra sự cố thì mọi người vẫn bình chân như vại. 4 sinh viên ở tầng trệt bên dưới vẫn ung dung nhậu. Chúng tôi phải chuyền mấy xô nước lên dập lửa.

Điều đáng nói ở đây là sau nhiều năm ở trọ, chứng kiến nhiều trận cãi vã, giựt hụi, trộm đồ, đánh bạc... Mây và Dung không hề thấy bóng dáng công an địa phương. Cả hai đều rút ra kinh nghiệm: “Ở trọ đã giúp ta nhận ra nhiều điều và sau mỗi lần chuyển nhà thì ta lại trưởng thành hơn một chút”.

Anh Trần Văn Ngà, quê Bình Định, nhân viên một công ty in ấn, cho biết người ở trọ luôn phải đối mặt với nạn trộm cắp. Những dãy nhà trọ xây san sát nhau, cách nhau chừng 1,5m nhưng không có bảo vệ, người trông coi. Anh Ngà còn cho biết thêm: “Mất trộm xảy ra liên tục. Ngày nào, tại khu trọ này cũng mất đồ. Ít thì mất điện thoại, có bữa mất một lúc 5 chiếc xe máy”. Còn theo chị Trần Thị Ngoan, bán rau củ tại chợ An Khánh thì kẻ trộm thường giả dạng là bạn của người trong khu trọ. Khi quan sát thấy phòng nào cửa hé mở, xe để bên ngoài không người trông coi, đồ đạc sơ hở là lấy ngay.

Khu trọ Làng tôi có gần 150 phòng trọ. Tất cả các căn phòng đang trong tình trạng chờ giải tỏa. Đến được khu trọ phải đi qua đoạn đường 500m không có ánh sáng, hai bên toàn là trúc, cây cối rậm rạp rất nguy hiểm. Ở đây, tầm từ 6 giờ tối là xảy ra nhiều vụ giựt xe, điện thoại, giỏ xách, tiêm chích ma túy… Khu trọ như một mê cung không có cửa, tất cả mọi người ra vào chỉ có một lối. Dây điện giăng chằng chịt, nước ngập, ánh sáng lờ mờ, ổ gà, ổ voi... vậy mà ở đây có hơn 1.000 người đang trú ngụ. Có lẽ biết sắp chuyển chỗ mới nên bà Mi, chủ nhà trọ không chịu sửa sang đường thoát nước, dây điện, mái tôn... mà tích cực tăng giá phòng trọ nhằm kiếm tiền chuẩn bị xây khu trọ mới.  

Tuyết Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.