Tiếng nói người khuyết tật

22/06/2011 00:36 GMT+7

Mới đây, nhiều người khuyết tật (NKT) đã có cơ hội nói lên tâm tư, nguyện vọng về điều kiện tiếp cận 5 tuyến đường sắt đô thị Hà Nội và 7 tuyến tàu điện ngầm tại TP.HCM trong tương lai.

Là một trong những NKT có được may mắn trên, thạc sĩ Võ Thị Hoàng Yến, Giám đốc Trung tâm Khuyết tật và Phát triển bày tỏ:

Ở nhiều nước, người ta sử dụng thuật ngữ “social planning” (tạm dịch là “quy hoạch xã hội”) nhằm nghiên cứu, thăm dò ý kiến tất cả các bên liên quan trước khi tiến hành xây dựng một dự án, công trình cụ thể, đặc biệt là những công trình an sinh xã hội có tầm ảnh hưởng đến nhiều người. Đáng tiếc, ở nước ta, những “quy hoạch xã hội” như trên cho đến nay vẫn thuộc hàng quý hiếm.

Một cán bộ Văn phòng Điều phối các hoạt động hỗ trợ NKT VN thuộc Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB-XH) chua chát nói: “Nếu chúng tôi không tổ chức hai buổi tọa đàm vừa qua ở Hà Nội và TP.HCM thì NKT chắc khó có dịp tìm hiểu và nói lên suy nghĩ của mình đối với hai dự án giao thông cực kỳ quan trọng đó”. Vị này nói thêm: “Không chỉ 2 dự án này mà rất nhiều công trình công cộng khác, người ta cũng thường phớt lờ NKT”.

Ông Chu Mạnh Hùng - Vụ trưởng Vụ Môi trường, Bộ Giao thông vận tải thẳng thắn nhìn nhận: Môi trường tiếp cận những phương tiện giao thông hiện nay vẫn còn “nhiều rào cản” đối với NKT. Ví dụ: đối với hệ thống đường sắt, khoảng cách từ mặt đường ray đến sàn tàu khá cao; cửa toa tàu hẹp, có nhiều bậc lên xuống… Theo ông Hùng, việc khắc phục những thiết kế bất cập như thế là vô cùng khó khăn và tốn kém.

Luật Người khuyết tật VN năm 2010 đã quy định rõ ràng: những công trình công cộng phải đảm bảo các điều kiện tiếp cận dành cho NKT. Do đó,  khi xây dựng các công trình công cộng, việc tham vấn ý kiến NKT là một công việc bắt buộc. Tiếng nói NKT trong cộng đồng là tiếng nói bình đẳng,  NKT có quyền theo pháp luật được thụ hưởng các tiện ích công cộng. Không thể chấp nhận thái độ ban ơn khi phục vụ NKT.

Như Lịch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.