Gián điệp Trung Quốc săn bí mật Mỹ: Quan chức sập bẫy

21/06/2011 23:21 GMT+7

Một công dân Mỹ gốc Đài Loan đã chiêu dụ được 2 quan chức Mỹ cung cấp thông tin mật để gửi cho tình báo Trung Quốc.

Quách Đài Sinh, Jim Fondren và Gregg Bergersen đều là những người có vị thế cao trong xã hội Mỹ. Quách là một doanh nhân có quan hệ rộng rãi, còn Fondren và Bergersen đều là quan chức chính quyền. Vậy mà cả ba đều đã bị kết án tù trong một vụ gián điệp cho Trung Quốc.

Gián điệp gốc Đài Loan

Sinh ra ở Đài Loan, có nhà hàng và vợ con ở Mỹ, ít ai nghĩ Quách Đài Sinh lại bị tình báo của Bắc Kinh lôi kéo. Khi còn ở Đài Loan, Quách Đài Sinh là huấn luyện viên quần vợt cho nhân viên Sứ quán Mỹ, theo Đài CBS. Chẳng bao lâu sau, ông ta có được thị thực dành cho sinh viên và đến hạt Cajun, bang Louisiana vào năm 1973 để học tại Đại học Nicholls. Sau khi tốt nghiệp, Quách Đài Sinh kết hôn với một phụ nữ từ Đài Loan, trở thành công dân Mỹ và định cư tại thành phố Houma, Louisiana. Tại đây, Quách mở một câu lạc bộ quần vợt và một nhà hàng cao cấp bán món Hoa.

 
Ông Jim Fondren (trái) cùng ông Quách Đài Sinh trong một chuyến đi chơi - Ảnh: Website Bộ Tư pháp Mỹ 

Cuối thập niên 1980, sau một thời gian gầy dựng được nhiều mối quan hệ rộng rãi, ông Quách thành lập doanh nghiệp giới thiệu chuyên gia và sản phẩm của Mỹ tới Trung Quốc. Ông phối hợp cùng một số quan chức Washington và Bắc Kinh để xúc tiến làm ăn giữa hai bên, cung cấp kỹ sư cho các nhà máy ở Trung Quốc.

Theo hồ sơ vụ án, trong thời gian này, Quách Đài Sinh gặp gỡ một người đàn ông tên Lâm Hồng, được cho là làm việc cho Hội Hữu nghị Quảng Đông. Tuy nhiên, hội này đến nay vẫn chưa xác nhận là có thuê người nào tên Lâm Hồng hay không. Trong phiên tòa năm 2008, Quách khai thường xuyên đến Quảng Đông để gặp Lâm Hồng, người giúp ông xây dựng mạng lưới làm ăn ở Trung Quốc. “Ông Lâm luôn quan tâm đến thái độ của Quốc hội và Chính phủ Mỹ đối với Trung Quốc cũng như quan hệ Mỹ - Đài Loan”, bị cáo cho hay.

Biết ông Quách có quan hệ rộng trong giới chính trị gia và quan chức Mỹ, từ khoảng giữa thập niên 1990, ông Lâm bắt đầu nhờ ông tìm người viết bình luận về thái độ của Mỹ đối với Trung Quốc. Năm 2002, vài kỹ sư Trung Quốc làm việc với Quách Đài Sinh trong một dự án ở Đài Loan bị bắt sau khi về nước và ông phải nhờ Lâm Hồng đưa họ ra. Sau đó, Lâm thường xuyên nhắc lại “mối ân tình” này và càng gia tăng áp lực đòi Quách tìm kiếm những thông tin nhạy cảm hơn.

Chiêu dụ quan chức Mỹ

Nhằm đáp ứng yêu cầu tìm người bình luận về quan hệ Mỹ - Trung của Lâm Hồng, Quách Đài Sinh tìm tới thiếu tá về hưu Jim Fondren ở Houma. Ông Fondren từng làm việc trong Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương (PACOM) và là một chuyên gia phân tích về châu Á. Khi đó, Quách nói dối với Fondren rằng các bài viết của ông được chuyển cho giới chức ở Đài Loan. Do có quan hệ thân thiết cùng thù lao hấp dẫn (800 USD - 1.500 USD/bài viết), từ năm 1997, Fondren thường xuyên cung cấp bài viết, dữ liệu cho Quách Đài Sinh, kể cả sau khi ông trở lại giữ chức Phó giám đốc Văn phòng PACOM ở Washington vào đầu thập niên 2000. Trong các bài bình luận, Fondren đã sử dụng hoặc đề cập những dữ liệu xếp vào loại mật của Bộ Quốc phòng Mỹ. Theo trang tin Militarytimes.com, những bức thư điện tử trao đổi với Quách Đài Sinh cho thấy Fondren đã nhận ra các tài liệu của mình sẽ đến Trung Quốc chứ không phải Đài Loan nhưng ông ta vẫn tiếp tục.

Vào khoảng năm 2004, Quách Đài Sinh dùng tiền mua chuộc quan chức Mỹ thứ hai là ông Gregg Bergersen để khai thác thông tin mật cho Lâm Hồng. Theo AP, Bergersen là nhà phân tích chính sách hệ thống vũ khí tại Cơ quan Hợp tác an ninh quốc phòng Mỹ. Ông rất am hiểu C4ISR, một hệ thống liên lạc và kiểm soát thông tin hiện đại. Ông Quách hứa hẹn sẽ giới thiệu cho Bergersen một công việc với mức lương 6 con số sau khi ông này về hưu. Đổi lại, ông Bergersen cung cấp những thông tin mật liên quan tới C4ISR và các loại vũ khí mà Mỹ định bán cho Đài Loan.

Để tránh bị phát hiện, Lâm Hồng đề nghị Quách Đài Sinh dùng điện thoại trả trước hay dùng điện thoại công cộng, thường xuyên thay đổi địa chỉ thư điện tử và gửi tài liệu từ sân bay hoặc một nơi công cộng khác. Tuy nhiên, khi đang điều tra một kỹ sư tại bang California bị tình nghi xuất khẩu trái phép công nghệ quân sự sang Trung Quốc, các nhân viên FBI tình cờ tìm ra manh mối về ông Quách. Họ bắt đầu theo dõi và chính thức bắt giữ ông ta vào năm 2008, khi đó Quách 58 tuổi. Trong quá trình điều tra, Quách Đài Sinh khai ra thêm Fondren và Bergersen.

Sau nhiều phiên tòa kéo dài từ năm 2008 đến năm ngoái, ông Fondren bị kết án 3 năm tù giam về tội truyền thông tin mật cho một gián điệp nước ngoài, ông Bergersen phải ngồi tù 5 năm về tội tiết lộ thông tin quốc phòng. Trong khi đó, nhờ hợp tác với cơ quan điều tra, ông Quách được giảm án tù từ 16 năm xuống còn 5 năm, theo AP.

Văn Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.