Trước mặt là biển Đông

18/06/2011 23:35 GMT+7

Trong những ngày Nha Trang nhộn nhịp festival biển, nhiều người đã tìm về một công viên ven biển vừa được trùng tu, tôn tạo. Đó là Công viên Bạch Đằng, nơi đặt tượng đài của vị đại anh hùng dân tộc: Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn.

Nằm ở phường Vĩnh Nguyên trên đường Trần Phú, Công viên Bạch Đằng được xây dựng vào cuối thập niên 60 thế kỷ trước. Quần thể kiến trúc công viên trải rộng trên diện tích hơn 7.800m2, nổi tiếng với tượng đài Trần Hưng Đạo bằng đồng cao khoảng 20m. Tượng đài khắc họa hình tượng vị danh tướng nhà Trần oai phong lẫm liệt: tay trái cầm gươm, tay phải chỉ ra biển Đông “phía ấy ngày xưa thường có giặc”.  Bao quanh tượng là những phù điêu thể hiện khí thế hào hùng của Hội nghị Diên Hồng, những chiến tích vang dội ở Bạch Đằng, Hàm Tử, Chương Dương, Tây Kết, Vạn Kiếp, Vân Đồn…

Không chỉ gắn liền với oai linh Đức Thánh Trần, Bạch Đằng chính là con sông nổi tiếng nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt với 3 lần dậy sóng chôn vùi giặc phương Bắc. Thế nhưng, không phải ai cũng thuộc làu những bài học lịch sử, nhất là những kẻ luôn bị ám ảnh bởi mộng bá quyền. Chính vì vậy mà vị sứ thần “bất nhục quân mệnh” (không để nhục mệnh vua) Giang Văn Minh vào năm 1638, ngay tại Yên Kinh (Bắc Kinh ngày nay) đã đường hoàng nhắc nhở Minh Tư Tông rằng “Đằng giang tự cổ huyết do hồng” (sông Đằng từ xưa máu còn đỏ)… 

Trong suốt một thời gian dài, Công viên Bạch Đằng bị bỏ hoang, xuống cấp nghiêm trọng. Người dân thành phố biển mỗi lần đi ngang đây không khỏi chạnh lòng trước cảnh hoang phế với cỏ dại, dây leo, rác thải… tràn ngập khu vực từng là công viên đẹp nhất Nha Trang. Nay, Công ty cổ phần Vinpearl đã đầu tư toàn bộ chi phí trùng tu, chỉnh trang công viên cùng tượng đài Trần Hưng Đạo. Công trình đã được bàn giao cho TP Nha Trang vào ngày 28.5.2011.        

Tượng đài Trần Hưng Đạo, danh tướng văn võ song toàn với nghệ thuật quân sự: “Giặc cậy trường trận, ta dựa vào đoản binh. Dùng đoản binh chế trường trận là sự thường của binh pháp” (Đại Việt sử ký toàn thư). Bệ tượng ghi những tước hiệu của ông cùng hàng chữ “Thánh tổ hải quân” 

 

 Sau lưng tượng đài là bức phù điêu bằng đá granit dài hơn 18m, cao 3,5m, khắc Hịch tướng sĩ: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này bọc trong da ngựa, ta cũng cam lòng” 

 

Phía bên kia đường Trần Phú, đối diện Công viên Bạch Đằng là Học viện Hải quân -  Quân đội Nhân dân Việt Nam 

 

Một góc Công viên Bạch Đằng, trước mặt Đức Thánh Trần là biển Đông. Trước mặt cả dân tộc Việt là biển Đông. “Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy” (Trần Quốc Tuấn) - Ảnh: Giang Khê

Giang Khê

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.