Niêm yết mua bán bằng USD đã giảm

16/06/2011 23:13 GMT+7

Khi gọng kìm từ phía các cơ quan chức năng siết chặt, giao dịch bằng ngoại tệ đã trầm lắng, không còn công khai ồ ạt như trước.

Đột ngột đổi chiều

Cách đây không lâu, USD ngự trị trong mọi giao dịch của nền kinh tế thì nay vai trò của ngoại tệ này dần trở nên mờ nhạt. Đây là kết quả tất yếu khi hơn 2 tháng qua lực lượng công an đã mạnh tay truy quét các điểm mua bán ngoại tệ trái phép; lực lượng quản lý thị trường ráo riết kiểm tra, xử phạt các DN, cửa hàng niêm yết giá bằng USD. Ngân hàng nhà nước (NHNN) ban hành hàng loạt chính sách nhằm hạ thấp giá trị đồng ngoại tệ này.


Giá niêm yết bằng USD tràn lan trên mạng

Các biện pháp trên đã được cụ thể hóa bằng 2 vụ bắt giữ mua bán trái phép hơn 400.000 USD ngày 8.3 và 100.000 USD vào 15.4 ở Hà Nội. Tại TP.HCM, từ tháng 6.2009 đến 12.5.2011, NHNN đã xử lý 161 vụ vi phạm về quản lý, kinh doanh vàng và ngoại tệ với tổng số tiền phạt trên 6,5 tỉ đồng, riêng 5 tháng đầu năm 2011 đã xử lý 51 vụ vi phạm với tổng số tiền phạt là hơn 1,9 tỉ đồng.

Trước những biện pháp mạnh tay của cơ quan chức năng, hầu hết các đại lý, cửa hàng, siêu thị lớn tại Hà Nội sau đó đã không còn dám treo bảng, biển, gắn mác hàng hóa, dịch vụ bằng USD.

Trần Thu Uyên - nhân viên kinh doanh của hãng xe Hyundai tại Cầu Giấy tiết lộ: Trước nay, việc niêm yết bằng giá USD tránh cho công ty chịu rủi ro khi USD tăng giá. Tuy nhiên, kể từ vài tháng trở lại đây showroom này không mua - bán bằng USD, chỉ thực hiện giao dịch bằng VND.

Một loạt dịch vụ vốn xưa nay ăn theo ngoại tệ, thời gian qua đã chấm dứt hẳn khi NHNN ra văn bản cấm và kiểm tra chặt giao dịch này. Điển hình là hoạt động mua bán nhà bằng USD.

Khó trị tận gốc

Tình trạng mua bán, giao dịch bằng USD đã được ngăn chặn, tuy nhiên nhìn lại những năm vừa qua cho thấy, cứ sau một thời gian, vi phạm lại bắt đầu tái diễn.

Tại Hà Nội, dạo quanh các phố cổ một vòng, vẫn thấy vô số cửa hàng niêm yết hàng hóa bằng giá USD. Dọc theo dãy phố từ Bảo Khánh rẽ sang Hàng Hành, cửa hàng nào cũng treo, trưng thực đơn ra ngoài cửa, thậm chí còn lấn ra cả ngoài đường. Tại nhà hàng Grand S... (phố Hàng Hành), thực đơn niêm yết giá các loại đồ uống rất chi tiết đều được tính bằng USD. Còn ở số 21-23 Hàng Gai, cửa hàng này có kiểu niêm yết giá khá độc đáo, một bảng thực đơn bằng giấy dán ngay trên ô kính cửa ra vào ghi rõ: Banana/Guava/Carrot/Apple 2.25; Croque Bacon 4.50... Tất nhiên, 2.25 hay 4.50 được hiểu sẽ tính bằng USD chứ không thể bằng VND - đây là một cách lách luật thường thấy.

Có thể thấy, thanh toán và yết giá bằng USD còn khá phổ biến ở nhiều khu phố của Hà Nội. Đối với mặt hàng nho nhỏ như ví thổ cẩm, bật lửa zippo cổ, nón bài thơ..., khi được khách du lịch nước ngoài hỏi, các tiểu thương đều báo giá USD bằng... miệng. Với những mặt hàng giá trị lớn hơn như máy ảnh, máy ghi âm, hiện cũng được niêm yết và báo giá bằng USD khá phổ biến từ phố Tràng Thi qua Vọng Đức. Niêm yết giá USD, mua hàng thanh toán bằng USD còn ồ ạt tràn lên mạng. Tại địa chỉ thanh68.com có liệt kê một loạt hàng hóa bằng cả USD lẫn VND. Các trang web chuyên về nước hoa và mỹ phẩm thì chỉ niêm yết giá duy nhất bằng một loại tiền là USD. Ngay cả các hãng lữ hành nổi tiếng dù trước đó đã bị xử phạt mạnh tay nhưng vẫn không hề e ngại. Tại website www.edentravel.com.vn (thành viên có vốn góp của Tổng công ty Du lịch Sài Gòn), giá tour Lãng Mạn Châu u 3.280 USD, Brunei - Kota Kinabalu 549 USD. Còn khách muốn qua  Đài Loan - Đài Bắc - Cao Hùng ngắm tháp Taipei 101 tầng, giá 789 USD...  

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.