Bẫy thầu giá rẻ

16/06/2011 23:55 GMT+7

Dù bẫy thầu giá rẻ đã được các chuyên gia cảnh báo, song nhiều chủ đầu tư thừa nhận rất khó đối phó các chiêu thức của nhà thầu Trung Quốc.

Giá thấp đến vô lý

 
Gói thầu cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vẫn chưa thể hoàn thành do đang giải quyết hậu quả do nhà thầu Trung Quốc để lại - Ảnh: D.Đ.M

Một trong những dự án chịu ảnh hưởng nặng nề bởi sự chây ì, bê bối của nhà thầu Trung Quốc là dự án Vệ sinh môi trường (VSMT) TP.HCM. Trong đó, gói thầu số 10 (cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) do Tổng công ty xây dựng công trình Trung Quốc (CSCEC) thi công đáng lẽ phải hoàn thành từ năm 2009 nhưng ì ạch suốt một thời gian dài. Tháng 2.2010, CSCEC bị cắt hợp đồng do Ngân hàng Thế giới (WB - đơn vị tài trợ ODA cho dự án) phát hiện CSCEC liên quan đến hối lộ trong một dự án cũng do WB tài trợ ở Philippines .

Việc CSCEC đưa ra cái giá thấp một cách vô lý cho hạng mục "xương xẩu" nhất của toàn gói thầu cho thấy ngay từ đầu nhà thầu đã không có ý định thực hiện phần việc này

Tuy vậy, vào thời điểm bị cắt, nhà thầu này đã kịp "gặm" gần hết phần việc dễ dàng mà có giá trị cao nhất của gói thầu, chỉ chừa lại các hạng mục khó khăn nhưng có giá trị thấp. Theo Ban Quản lý dự án VSMT, ngay sau khi cắt hợp đồng với CSCEC, ban đã phải tập trung lực lượng thống kê phần việc còn lại và tách ra làm 5 gói thầu để ráo riết đấu thầu lại. Đến nay, phải mất hơn 1 năm, tiến độ gói thầu số 10 mới khả quan trở lại, và thực tế cho thấy, cùng một công việc nhưng các nhà thầu VN và Mỹ trúng thầu sau này đã thi công hiệu quả hơn hẳn nhà thầu Trung Quốc.

Theo phân tích của một cán bộ ban quản lý dự án, ngay từ giai đoạn đấu thầu, CSCEC đã có sự toan tính để trúng thầu và hưởng lợi lớn nhất từ gói thầu. Cụ thể, CSCEC trúng thầu gói số 10 (gồm 7 hạng mục) với tổng giá trị là 60 triệu USD. Trong đó, hạng mục "ngon" nhất là xây tường cừ dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được CSCEC bỏ thầu tới gần 50 triệu USD (chiếm 82,5% giá trị toàn bộ gói thầu). Còn lại 6 hạng mục chỉ được bỏ giá hơn 10 triệu USD, trong đó, hạng mục "khó xơi" nhất là di dời đường ống cấp nước phi 2.000 mm ở chân cầu Điện Biên Phủ chỉ được bỏ giá 200.000 USD, thấp hơn giá chào thầu của các nhà thầu khác đến 80 - 90%. Việc CSCEC đưa ra cái giá thấp một cách vô lý cho hạng mục "xương xẩu" nhất của toàn gói thầu cho thấy ngay từ đầu nhà thầu đã không có ý định thực hiện phần việc này.

Vay 470 triệu USD cho dự án vệ sinh môi trường giai đoạn 2

Văn phòng UBND TP.HCM ngày 16.6 thông báo TP vừa đề nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư xem xét trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa dự án Vệ sinh môi trường TP - giai đoạn 2 vào danh mục tài trợ ODA trong năm tài khóa 2011 từ nguồn tài trợ của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á. Dự án này có tổng vốn đầu tư dự kiến 470 triệu USD, với mục tiêu lâu dài là cải thiện môi trường, điều kiện sống của người dân TP, khôi phục và bảo tồn hệ sinh thái sông Sài Gòn và hạ lưu sông, thúc đẩy phát triển bền vững cho TP.HCM và khu vực lân cận. Mục tiêu trước mắt của dự án là xây dựng hoàn chỉnh toàn bộ dự án Vệ sinh môi trường TP, xử lý triệt để nguồn nước thải sinh hoạt trong lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Q.2 trước khi bơm ra sông Sài Gòn hoặc sông Đồng Nai. Thời gian thực hiện dự án dự kiến từ năm 2013-2017.

N.Đình Mười

Nhận thấy sự bất hợp lý, tư vấn giám sát CDM (Mỹ) đã yêu cầu CSCEC chứng minh với mức giá đó nhà thầu có thể đảm bảo chất lượng và tiến độ hạng mục. Tuy nhiên, nhà thầu vẫn khẳng định có thể làm được và chủ đầu tư đã không thể loại CSCEC (bởi theo quy định của VN, một khi đã đạt điểm kỹ thuật thì nhà thầu nào bỏ giá thấp nhất sẽ trúng thầu). Thực tế đến nay, sau khi đấu thầu lại, giá trị hạng mục di dời đường ống cấp nước (được tách ra thành gói 10A) đã tăng gấp 10 lần, lên 2 triệu USD. Có thể thấy, CSCEC không chỉ tìm cách hạ giá gói thầu xuống thấp để trúng thầu, mà còn tính toán phân bổ giá trị trong từng hạng mục, sao cho hạng mục "dễ xơi" có giá trị cao nhất, nhưng tổng giá trị gói thầu vẫn là thấp nhất.

Bê bối ở nhiều dự án

Không chỉ dự án VSMT, mà CSCEC từng gây ra nhiều hậu quả tương tự ở các dự án hạ tầng khác trong khu vực ĐBSCL. Chẳng hạn, tại dự án xây mới 16 cây cầu trên QL1 đoạn Cần Thơ - Cà Mau, CSCEC đã nghiễm nhiên trúng thầu đến 9 cây cầu cũng với chiêu giá rẻ. Ngay từ khi ký hợp đồng vào tháng 1.2007, giá trúng thầu 586 tỉ đồng của CSCEC được đánh giá là thấp so với giá thị trường. Vậy nên dù khởi công rầm rộ từ đầu năm 2007, song sau hơn 3 năm thi công, CSCEC chỉ hoàn thành được 3 cầu, còn lại 6 cầu không nhúc nhích do càng thi công càng đuối vốn. Đến giữa 2010, chủ đầu tư là Tổng cục Đường bộ VN buộc phải làm một cuộc "giải cứu" chật vật bằng cách tách 6 cây cầu để đấu thầu lại.

Ở một dự án trọng điểm khác là cầu Cần Thơ, CSCEC cũng lọt vào gói thầu số 3 thi công đường dẫn phía bờ Cần Thơ (dài 7,69 km) và tiếp tục kiểu thi công chây ì, lựa phần việc nhẹ nhàng để làm. Đến tháng 8.2009, nhà thầu này chỉ hoàn thành hơn 70% (trong khi phần đường dẫn phía bờ Vĩnh Long do nhà thầu VN thi công hoàn thành đến 90%) nên chủ đầu tư buộc phải cắt hợp đồng.

Ông Phan Phùng Sanh - Phó chủ tịch thường trực Hội Khoa học kỹ thuật xây dựng TP.HCM - cho rằng việc một nhà thầu Trung Quốc bị loại khỏi dự án vì bê bối sau đó vẫn thoải mái tham gia đấu thầu và tiếp tục bê bối ở các dự án khác cho thấy sự thiếu chặt chẽ trong cơ chế phối hợp giữa chủ đầu tư các công trình xây dựng. Để kiểm soát, cần lập danh sách "đen" gồm những nhà thầu kém năng lực, khi đó chủ đầu tư có đủ cơ sở để từ chối cho những nhà thầu này tham gia đấu thầu. Mặt khác, cần sửa Luật Đấu thầu theo hướng khống chế giá sàn, bởi thực tế cho thấy giá bỏ thầu chấp nhận được là giá chỉ chênh lệch 5% so với dự toán gói thầu.

Còn theo ông Hoàng Đức Hậu (Hội Cầu đường VN), trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc chọn “nhầm” nhà thầu là không nhỏ. "Bởi, có thể chấp nhận anh mắc bẫy 1 - 2 lần, chứ đến lần thứ n thì không thể đổ thừa là lọt bẫy được nữa. Ngoài ra, chủ đầu tư hiện nay có đầy đủ "gậy" để giám sát, đôn đốc nhà thầu và nếu cứ căn đúng hợp đồng mà xử phạt theo tiến độ và chất lượng thì có lẽ không nhà thầu nào dám bê bối - bởi phạt theo hợp đồng rất nặng" - ông Hậu nói.

 

Nhà thầu Trung Quốc tạo nhiều tiền lệ xấu

- Năm 2007, UBND TP.HCM đã chấp thuận tách một phần gói thầu số 7 dự án VSMT ra thành gói 7A để tổ chức đấu thầu lại nhằm giảm thiểu công việc cho nhà thầu Trung Quốc TMEC CHEC 3. Nguyên nhân, TMEC CHEC 3 đã bỏ thầu thấp hơn giá dự toán đến 20 - 30% nên càng thi công càng thua lỗ dẫn đến chây ì. Sau đó một hạng mục khác của gói 7 lại tiếp tục phải tách ra thành gói 7B. Bốn gói thầu thi công mở rộng hệ thống cống thoát nước cấp hai và ba thuộc các khu vực tây bắc, tây nam, đông bắc và đông nam TP.HCM cũng tách thành 8 gói thầu để đẩy nhanh tiến độ. Và mới đây nhất, gói thầu số 10 phải tách thành 5 gói thầu. Tương tự, dự án xây mới 16 cầu trên QL1 cũng phải cắt tới 60% khối lượng gói thầu 2A của CSCEC để chuyển giao cho nhà thầu khác thi công được xem là việc chưa từng có tiền lệ trong ngành GTVT.

- Hai gói thầu thuộc dự án VSMT do 2 nhà thầu Trung Quốc thi công quá ì ạch buộc TP.HCM phải liên tục xin WB gia hạn thời gian hoàn thành và vay thêm vốn. Cụ thể, dự án đáng lẽ xong cuối năm 2007, song WB phải gia hạn lần 1 đến cuối năm 2009, lần 2 đến tháng 6.2010 và lần 3 đến cuối 2011. Đồng thời, vốn vay cho dự án cũng đội từ 200 triệu USD lên khoảng 320 triệu USD.

- Năm  2008, do TMEC CHEC 3 thiếu vốn thi công, UBND TP.HCM đã quyết định tạm ứng ngân sách cho nhà thầu 1 triệu USD để khởi động lại gói thầu. Theo TS Tô Vân Trường - nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, thực tế chủ đầu tư đã tự quyết định mà không hỏi ý kiến tư vấn giám sát đối với vấn đề liên quan đến khoản tiền lớn như vậy. Sau đó, WB đã có phản ứng vì cho rằng không thể dùng vốn vay của WB để cho nhà thầu vay lại. Điều này sẽ tạo tiền lệ xấu là các nhà thầu cứ bỏ giá rẻ để trúng thầu, rồi sau đó xin vay lại của chủ đầu tư, chỉ riêng phần tiết kiệm tiền lãi ngân hàng cũng kiếm được đáng kể.

 Phương Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.