Trong hoàn cảnh nào ban hành Lệnh tổng động viên?

15/06/2011 22:29 GMT+7

Ngày 14.6, Báo Thanh Niên có đưa tin về những trường hợp được miễn nhập ngũ trong thời chiến theo Nghị định 42 của Chính phủ. Xin quý báo cho biết thêm trong hoàn cảnh nào thì ban hành Lệnh tổng động viên và ai ký ban hành? Kể từ sau năm 1975, ở nước ta đã có bao nhiêu lần ban hành lệnh này? (Nguyễn Chiến Thắng, P.Tân Phú, Q.9, TP.HCM)

Tại mục 6, Điều 103 Hiến pháp năm 1992 của nước CHXHCN Việt Nam quy định: “Căn cứ vào Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước có quyền ra Lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ ban bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương.” Như vậy, Lệnh tổng động viên là lệnh của người đứng đầu nhà nước (Chủ tịch nước) ban bố tình trạng khẩn cấp (thiên tai địch họa, chiến tranh hoặc nguy cơ chiến tranh) và động viên mọi lực lượng gồm nhân lực, tài lực, vật lực... để phục vụ đất nước trong những tình hình đó. Lệnh tổng động viên có ý nghĩa quan trọng kịp thời huy động mọi khả năng và sức mạnh của toàn dân để bảo vệ Tổ quốc. Từ sau năm 1975 đến nay, nước ta đã có một lần ban bố Lệnh tổng động viên, đó là Lệnh tổng động viên số 29-LCT ngày 5.3.1979 do Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký.

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nghĩa vụ quân sự được ban hành ngày 14.6.2005 thì công dân nam đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ trong thời bình từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi. Ngoài ra, tại Điều 63 của luật này cũng quy định: khi có Lệnh tổng động viên hoặc lệnh động viên cục bộ, việc gọi nhập ngũ theo các lệnh đó, và những lần gọi tiếp được tiến hành theo quyết định của Chính phủ và lệnh của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Hải Nam
(tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.