Căng thẳng chỗ học cho trẻ 3 - 4 tuổi

15/06/2011 23:52 GMT+7

Để thực hiện mục tiêu của đề án Phổ cập giáo dục mầm non (MN) trẻ 5 tuổi, trong năm học mới này nhiều trường MN ở các thành phố lớn phải giảm tải trẻ 3 - 4 tuổi.

 

Nhiều trường MN thông báo chính thức không nhận trẻ 3 - 4 tuổi trong năm học mới 2011-2012 - Ảnh: Đ.N.T

Không tuyển lớp mầm, chồi

Có mặt tại sân trường MN Tuổi thơ 7 (Q.3, TP.HCM) từ sáng sớm hôm qua, nhiều phụ huynh đã không khỏi thất vọng khi trường thông báo chỉ tuyển 20 trẻ cho lớp cơm nát và 50 trẻ lớp cơm thường (lớp nhà trẻ từ 18 - 36 tháng - PV). Chị Thu Hương - ngụ P.7, Q.3, nói: “Những năm trước trường còn nhận trẻ 3 - 4 tuổi, nhưng năm nay trong thông báo tuyển sinh tuyệt nhiên không nhắc đến lứa tuổi này”. Chị Hương và một số phụ huynh khác qua trường MN Hoa Mai cạnh đó để xem thông báo. Một lần nữa, chị lại thất vọng vì thông báo tuyển sinh của trường này cũng không tuyển lứa tuổi 3 - 4.

Không vì phổ cập mà thiếu quan tâm trẻ dưới 5 tuổi!

“Bộ đã chỉ đạo việc triển khai đề án Phổ cập giáo dục MN 5 tuổi không được nôn nóng, đốt cháy giai đoạn, không vì phổ cập mà thiếu quan tâm tới trẻ dưới 5 tuổi.

Thực tế hiện nay, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đến lớp của cả nước là khá cao (trên 98%). Vấn đề là phải nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ; huy động hầu hết trẻ 5 tuổi đến lớp để chăm sóc giáo dục 2 buổi/ngày, bên cạnh đó phải duy trì và giữ vững số trẻ dưới 5 tuổi đến các cơ sở giáo dục MN dưới nhiều hình thức, đảm bảo số trẻ dưới 5 tuổi ra lớp công lập không thấp hơn mức hiện có, nhằm tạo sự ổn định trong phát triển giáo dục MN. Nếu thực hiện đề án phổ cập theo giải pháp là ưu tiên tối đa nhận trẻ 5 tuổi vào trường MN công lập, trường nào còn chỉ tiêu mới tuyển sinh trẻ 4 tuổi trở xuống là không đúng với tinh thần của đề án và hướng dẫn của Bộ GD-ĐT”.

NGUYỄN THỊ NGHĨA - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT

Tuệ Nguyễn (ghi)

Phản ánh với Báo Thanh Niên, một phụ huynh tại Q.Phú Nhuận bức xúc: “Con tôi hội đủ các tiêu chuẩn để nhập học vào trường công lập: đúng tuyến, có hộ khẩu, con cán bộ nhân viên nhà nước làm việc tại địa bàn quận nhưng cháu vẫn không được đi học. Khi liên hệ với trường MN Sơn Ca 11, Q.Phú Nhuận, nhà trường chỉ trả lời là không tuyển lớp chồi, mầm”.

Một trong những điểm nóng của TP.HCM là trường MN Bến Thành (Q.1) cũng thông báo không tuyển lớp mầm, chồi, riêng lớp lá tuyển theo giấy gọi ra lớp do UBND phường cấp. Trường MN Hoa Lư cũng thông báo tuyển 70 trẻ ở lớp nhà trẻ. Riêng các trường MN có điểm lẻ, tuy có tuyển sinh lứa tuổi này nhưng cũng rất hạn chế, như trường MN 4 (Q.3) tuyển 24 chỉ tiêu lớp mầm và 15 chỉ tiêu lớp chồi với những điều kiện tuyển sinh khắt khe…

Tình hình cũng diễn ra tương tự tại Hà Nội. Trường MN Hoàng Văn Thụ (Q.Hoàng Mai) cũng ngừng tuyển sinh lớp nhà trẻ. Bà Trần Thị Ngọc Minh, hiệu trưởng, cho biết: “Qua khảo sát số trẻ 5 tuổi trên địa bàn phường quá đông, tới 297 cháu. Đề án phổ cập giáo dục MN cho trẻ 5 tuổi yêu cầu các trường phải ưu tiên nhận toàn bộ các cháu 5 tuổi trước. Khi còn chỗ mới tuyển tiếp trẻ 4 tuổi, rồi 3 tuổi... Vì thế, trường tiếp nhận hết trẻ 5 tuổi trên địa bàn là đã quá tải, không còn chỗ nhận các bé từ dưới 36 tháng”.

Còn bà Lê Phạm Tuyết Dung, Hiệu trưởng trường MN thực hành Linh Đàm, thì cho hay: “Năm nay chỉ tiêu tuyển mới của trường chỉ 40 cháu sinh năm 2009, không có chỉ tiêu cho trẻ sinh năm 2008”.

Trường lớp không theo kịp đề án

Lý do khiến các trường từ chối nhận trẻ lớp mầm, chồi vì học sinh cũ của trường sẽ tiếp tục lên lớp trên và phải tiếp nhận toàn bộ trẻ lớp lá trên địa bàn.

Sở GD-ĐT TP Hà Nội nhấn mạnh: Nếu số trẻ đăng ký học tại trường vượt quá khả năng tiếp nhận, trường phải ưu tiên tiếp nhận trẻ 5 tuổi.

Lãnh đạo các trường MN hết sức khổ sở trước thực tại này. Bà Lê Phạm Tuyết Dung chia sẻ: “Một số phụ huynh không hiểu nên thắc mắc, thậm chí viết đơn khiếu nại nhà trường không tuyển sinh lớp nhà trẻ. Tuy nhiên, khi thực hiện mục tiêu phổ cập, cơ sở vật chất không thay đổi, “phình” ra 5 lớp mẫu giáo lớn thì buộc phải “teo” lại chỉ còn 1 lớp nhà trẻ”.

Bà Võ Ngọc Thu - Trưởng phòng GD Q.5 (TP.HCM), cho biết: “Lý do chính vẫn là trường lớp không tăng nhưng dân số ngày càng tăng”. Bà Lê Thị Kim Vân - Hiệu trưởng trường MN Hoa Lư (Q.1, TP.HCM), cho biết: “Mọi năm 2 lớp chồi cũ của trường sẽ lên lớp lá, nhưng năm nay trường sẽ tiếp nhận thêm một số trẻ 5 tuổi trên địa bàn nữa nên khi phụ huynh hỏi về các lớp ở độ tuổi này chúng tôi đành từ chối và giới thiệu sang các trường MN tư thục”. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt - Phó phòng phụ trách MN, Phòng GD Q.3 (TP.HCM), thì cho rằng: “Đáng lý ra việc phổ cập 5 tuổi phải làm song song, đằng này Bộ quy định phổ cập trước, xây trường sau nên phải chịu. Khả năng của các trường đến đâu thì nhận đến đó, phải chờ xây xong trường lớp mới thì mới tính đến lứa tuổi nhỏ hơn được”.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung - Trưởng phòng GD MN Sở GD-ĐT TP.HCM, thừa nhận: “Tính đến thời điểm này, số trường lớp công lập của cả thành phố chỉ đáp ứng được khoảng 60% tổng số trẻ, 40% còn lại vẫn phải học tại các trường MN tư thục. Nên nếu huy động toàn bộ trẻ lớp lá được học trường công lập thì trẻ 3 - 4 tuổi phải nhường chỗ. Mọi năm các trường có thể nhận thêm lớp chồi thì năm nay ngưng nhận để có chỗ thu nhận lớp lá”.

Trước tình hình này, một số trường MN tư thục tại TP.HCM cho biết sẽ tăng số lượng trẻ 3 - 4 tuổi vào trường.

 

Phụ huynh xem thông báo tuyển sinh tại trường MN Hoa Lư (TP.HCM) - ngày 15.6  Ảnh: P.L

Phi Loan - Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.