Những thiên thần của danh họa Picasso: Madame Picasso

14/06/2011 23:21 GMT+7

2 năm sau ngày người tình thứ hai - Eva Gouel, qua đời vào năm 1917, Picasso yêu và cưới nữ nghệ sĩ ballet người Nga - Olga Khokhlova. Đây là cuộc hôn nhân chính thức đầu tiên của danh họa người Tây Ban Nha này.

Vào năm 1917, Sergey Diagelev - chủ đoàn nghệ thuật ballet Nga dàn dựng vở Cuộc diễu binh tại Nhà hát Châtelet ở Paris. Ông mời Picasso đảm nhiệm phần thiết kế trang phục và trang trí mỹ thuật cho vở diễn. Làm việc tại đoàn nghệ thuật, Picasso làm quen với nữ nghệ sĩ Olga Khokhlova, con của một vị tướng thời Sa hoàng. Bạn bè thân thiết của danh họa quả là bất ngờ khi ông đặc biệt chú ý đến nữ nghệ sĩ “không có gì nổi bật” này. Có thể do Picasso quá mệt mỏi với các cô gái đẹp bốc lửa và nhìn thấy trong Olga Khokhlova hình mẫu bình dị để tâm hồn đầy giông bão của mình có thể ẩn náu. 

Cũng cần nói thêm, vào đầu thế kỷ 20, tại châu u, nhà văn, họa sĩ, nhạc sĩ, nghệ sĩ múa người Nga khá được ưa thích. Và cũng như mọi người, việc Picasso mê nữ nghệ sĩ ballet Nga cũng được coi là mốt thời thượng. Yêu Olga, Picasso còn học cả tiếng Nga nhưng không thành. Ông chiều chuộng, chăm sóc nữ nghệ sĩ, nhưng Sergey Diagelev cảnh báo: “Hãy cẩn thận, cô ấy là người Nga. Đừng đùa với người Nga, đã yêu là phải cưới”. “Anh đùa phải không?”, họa sĩ hỏi lại vì ông vững tin mình là người luôn làm chủ tình thế trong bất kỳ tình huống nào.

Đoàn nghệ thuật ballet Nga sau đó sang Mỹ lưu diễn, còn Olga ở lại với Picasso. Cô cùng danh họa đến Barcelona, Tây Ban Nha để ra mắt gia đình Picasso. Bà mẹ của Picasso cảm thấy rất lo lắng khi người con trai lại muốn cưới một phụ nữ nước ngoài. Để mẹ bình tâm, Picasso vẽ tặng bà bức tranh Olga trong bộ trang phục Tây Ban Nha và sau đó cùng nàng trở về Paris. Tháng 6.1918, hai người tổ chức đám cưới tại nhà thờ Thánh Alexander Nevsky ở Paris. Olga trở thành madame Picasso ở tuổi 26, còn Picasso khi đó đã 37 tuổi. Chứng kiến lễ cưới còn có các nhà thơ, nhà văn kiêm họa sĩ người Pháp là Max Jacob, Jean Cocteau cùng nhiều nghệ sĩ tên tuổi khác.


Chân dung Olga ngồi trên ghế (1917) 

 
Chân dung Olga 4 (1921)

Yêu say đắm và mạnh mẽ, đến nỗi trong thời gian này Picasso thay đổi hẳn phong cách vẽ tranh chỉ vì vợ. Olga không thích trường phái lập thể hay trừu tượng mà theo cô khó hình dung nổi đó là cái gì. Cô càng không thích các thử nghiệm mới mẻ nhưng “rối rắm” trong hội họa nên người đẹp này nói với chồng: “Em chỉ muốn bức chân dung với gương mặt thật của mình”. Do vậy, hầu hết các bức chân dung Olga đều được Picasso vẽ theo phong cách hiện thực.  

Trở thành người mẫu và là người tình tuyệt vời, nhưng Olga Khokhlova lại không thể là người vợ tốt đối với Picasso. Đơn giản là hai người quá khác nhau: Danh họa thích chui vào xưởng vẽ làm việc, còn Olga chỉ mong thấy ông trong các sự kiện quan trọng. Picasso là người tự do, phóng túng có phần ngang ngược, nhưng Olga lại muốn ông trở thành họa sĩ đáng kính của giới thượng lưu.

Ngay sau đám cưới, Olga đã lên kế hoạch nhằm cải biến chồng. Cô sửa sang nhà cửa, mua những đồ gỗ sang trọng đắt tiền, sắm các bộ váy áo lộng lẫy. Nữ nghệ sĩ ballet bị cuốn hút vào cuộc sống của giới thượng lưu. Cô tham dự các buổi tiệc tùng, dạ hội, ăn uống tại các nhà hàng sang trọng. Picasso không ngăn cản những việc làm của vợ. Thậm chí ông còn “ngoan ngoãn” nghe theo lời người vợ trẻ. Lúc đầu ông khá thích thú với ý tưởng trở  thành họa sĩ của giới thượng lưu. Ông hãnh diện với vẻ đẹp của Olga và hài lòng khi cho rằng người vợ trẻ biết thu xếp công việc gia đình. Picasso cùng Olga thường dự dạ tiệc của những người quyền quý. Thậm chí, Olga có lúc đã tách được danh họa khỏi các bạn bè thân thiết - những người trước đây có ý định ngăn cản Picasso cưới cô.

Có lẽ buổi ban đầu Picasso chung sống với Olga quả là hạnh phúc. Những bức họa chân dung tuyệt đẹp của người vợ Nga liên tục được ông vẽ bằng tất cả niềm mê say: Chân dung Olga ngồi trên ghế; Olga đội mũ; Olga ngồi đọc sách; Chân dung Olga; Đầu người phụ nữ - Olga; Olga mặc áo cổ lông... Có khoảng trên 30 bức chân dung Olga được Picasso vẽ và bám sát trường phái hiện thực. Xem các bức tranh có cảm giác ông sẽ không từ bỏ trường phái này. Không ít bạn bè hay các nhà phê bình mỹ thuật phê phán Picasso thay đổi chính mình trong nghệ thuật, nhưng danh họa phản ứng lại khá gay gắt: “Cứ mỗi lần muốn nói điều gì đó, tôi sẽ nói theo phong cách mà theo cảm nhận của tôi là cần phải nói như thế”. Rõ ràng, Olga đã tác động vào sự thay đổi của chồng. Bởi cô vốn dĩ không ưa thích hội họa và chỉ chấp nhận các bức tranh vẽ theo trường phái hiện thực mà thôi.

Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang. Chỉ sau một, hai năm, Picasso đã quá chán cuộc sống bị ràng buộc vốn không hợp với bản tính của ông. Danh họa cho giai đoạn sống tưởng như hạnh phúc ấy là “cuộc khiêu vũ trá hình”. Ông lại trở về với phong cách sống phóng khoáng, trà dư tửu hậu thâu đêm với bạn hữu một thời, để nhà cửa bừa bộn... Các cuộc cãi vã giữa Olga và Picasso ngày càng làm cho quan hệ giữa hai người trở nên xa cách, lạnh lùng. Thậm chí vào năm 1921, khi Picasso 40 tuổi, Olga sinh cho ông một đứa con trai nhưng cũng không cứu vãn được tình thế. Yêu quý con nhưng lạnh nhạt với Olga, Picasso vẫn vẽ nhiều chân dung Olga cùng con trai nhưng theo trường phái Tân cổ điển.

Cuộc sống gia đình với Picasso chỉ kéo dài thêm được hai năm. Hạnh phúc tan vỡ, nhưng về hình thức Olga vẫn là vợ của Picasso. Bởi khi cưới người đẹp, danh họa tin rằng đó sẽ là lần duy nhất ông lấy vợ. Vì thế, Picasso làm hợp đồng ghi rõ nếu ly dị, Olga sẽ hưởng một nửa số tài sản, kể cả các bức tranh của ông. Vì không muốn chia tài sản, nên Picasso không ký đơn ly dị. Olga qua đời năm 1955 ở miền nam nước Pháp. Khi nghe tin vợ mất, Picasso không đến dự lễ tang và nói: “Giờ đây thì bà ấy biến mất hẳn”. Nhưng danh họa đã lầm. Các bức vẽ Olga của ông vẫn còn đó. Chúng như lời tỏ tình của một tình yêu có khởi đầu đẹp nhưng lại kết thúc trong bi kịch. 

Hoàng Hoài Sơn
(tổng hợp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.