Chen chúc trên giường bệnh

15/06/2011 08:45 GMT+7

Là một cơ sở khám chữa bệnh uy tín, nhưng Viện Tim mạch, BV Bạch Mai (Hà Nội) đang quá tải.

Cảm giác đầu tiên mà chúng tôi cảm thấy khi bước vào khu C5 Viện Tim mạch Bệnh viện Bạch Mai là sự ngột ngạt, bí bách. Một căn phòng diện tích khoảng gần năm mươi mét vuông, chục giường bệnh nhưng số bệnh nhân phải lên tới vài chục người.

Băn khoăn của chúng tôi được bà Đào, người Hà Tĩnh, bị hẹp van tim và ra đây điều trị đã hơn một tháng, chia sẻ: “Tháng trước chỉ có 5 người một giường, thế mà bây giờ đã lên 8 người. Bệnh viện đông thế này nhưng vì có bệnh nên phải chấp nhận như vậy thôi”.

Bà Thắm, nhà ở Q.Ba Đình đến thăm người nhà cho biết: “Tôi có bà chị suy tim, đang chờ đủ cân nặng để mổ, nhưng lần nào vào thăm cũng không có chỗ ngồi, chỉ có thể đứng ở vườn hoa, hoặc mượn chiếc giường gấp ngồi một tí rồi về”.

Gặp ông Ái, người Thanh Hóa đang ngồi trên chiếc giường gấp ngoài sân, chúng tôi đến hỏi thăm và được biết ông vừa thay van tim nên định kỳ phải ra khám và lấy thuốc. Trong 2 năm, ông Ái đã vào viện 13 lần, mỗi lần phải nằm lại bệnh viện 2, 3 tuần, giường chật quá, ông phải kê giường xếp ra ngoài sân.

Cùng giường bệnh với ông Ái còn có 6 người nữa, khi chúng tôi đến thì mỗi người ngồi một nơi, chỉ có 2 người mới mổ xong được “ưu tiên” nằm trên giường theo kiểu “lộn đầu đuôi”.

Vào những ngày nắng nóng, nơi đây không khác gì một “lò bát quái” bởi không gian quá chật hẹp so với số bệnh nhân quá đông, chưa kể người nhà đến thăm nom. Trên các giường bệnh, bệnh nhân ngồi ngược ngồi xuôi. Có người phải tiêm cũng trong tư thế ngồi vì không có chỗ nằm.

Vài chiếc quạt trần không thể xua tan đi không khí nóng nực và ngột ngạt, nhiều người bệnh không chịu được phải đi ra ngoài thỉnh thoảng “ngóng” vào trong xem mình được gọi tên để khám và lấy thuốc hay chưa.

Theo “thông lệ”, chỉ người nào bệnh nặng không đi được hoặc vừa mổ xong thì mới được ưu tiên nằm giường, còn lại hầu như ai cũng bỏ ra 180 - 250 nghìn đồng để mua một chiếc giường gấp. Nếu không có giường thì đêm ngủ phải thuê với giá 15.000 đồng/đêm.

Nhiều người lại chọn cách thuê ở khu lưu trú của bệnh viện, “Nhưng chỉ với những người phải nằm viện ít ngày thì mới chọn cách này, chứ nếu điều trị lâu dài thì tiền đâu ra mà thuê mãi được”, ông Ái than thở.

Vào những ngày nắng, địa điểm được ưu chuộng nhất của bệnh nhân và người nhà là dưới các gốc cây lớn ngoài vườn, bởi sự thoáng đãng, mát mẻ, nhưng những khi trời mưa, họ lại tất bật chuyển vào dưới mái hiên, mỗi lúc như vậy, các hành lang, vỉa hè lại chật cứng, đi lại chen chúc rất khó khăn.

Có một nghịch lý là chỉ các bệnh viện có chất lượng khám chữa bệnh tốt mới xảy ra tình trạng quá tải nêu trên, giải quyết tình trạng này được xem là “bài toán khó” và người bệnh vẫn phải chờ đợi một thời gian khá lâu nữa.

Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: “Chúng tôi đã rất cố gắng khắc phục tình trạng quá tải tại Viện Tim mạch nhưng kết quả chưa như mong muốn vì việc mở rộng thêm khu điều trị, thêm giường bệnh không theo kịp tốc độ gia tăng bệnh nhân, khi năm sau tăng hơn năm trước 1,5 lần. Tới đây, sẽ có thêm 3 phòng mổ tim, có nghĩa là công suất và chất lượng điều trị sẽ được nâng lên, nhưng đó cũng là lý do bệnh nhân đến nhiều hơn và gây ra sự quá tải”.

Liên Châu (ghi)

Hoài Thu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.