Cần có nhận thức và cách làm đúng

14/06/2011 00:59 GMT+7

Để triển khai chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện nền GD quốc dân, tôi thấy có 2 vấn đề cần bàn là nhận thức và cách làm.

 

Theo nhiều chuyên gia, vấn đề cần giải quyết trước tiên trong đổi mới GD phổ thông không phải là chương trình, SGK - Ảnh: Ngọc Thắng  

Thay đổi tận gốc

Trước hết cần phải hiểu “đổi mới căn bản và toàn diện” cho đúng cả lời văn và tinh thần. Theo tôi, đó là yêu cầu thay đổi tận gốc tất cả các mặt của nền GD quốc dân, về thực chất là cải cách GD. Với cách hiểu như vậy, thì đây là sự thay đổi về mục tiêu GD và nguyên lý hoạt động GD, về cơ cấu hệ thống và mô hình nhà trường, về nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy - học tập, về cách thức đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và đãi ngộ giáo viên, về cách thức tổ chức và quản lý hoạt động GD...

Yêu cầu này được đặt ra là nhằm chuyển đổi nền GD nước ta sang mô hình phát triển mới theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế .

Như thế, đối với GD phổ thông, vấn đề cần giải quyết trước tiên không thể là xây dựng chương trình và viết SGK mới. Hai việc này là cần, song chỉ là một phần trong tổng thể “đổi mới căn bản và toàn diện”. Hơn nữa, không thể tiến hành nếu chưa xác định những vấn đề cơ bản có liên quan, chẳng hạn như phương hướng phát triển của GD phổ thông (trong đó có hay không sự thay đổi về cơ cấu cấp/lớp), sẽ thay đổi thế nào về GD nghề nghiệp và GD đại học, về cơ chế phân luồng và liên thông, về việc gắn đào tạo với sử dụng... Sự lúng túng và không thành công của hơn một thập kỷ chuyên ban rồi phân ban THPT do không đồng bộ trong đổi mới giữa ba bộ phận GD phổ thông, GD nghề nghiệp và GD đại học là một bài học đắt giá. Cũng cần phải nhắc lại ý kiến của nhiều nhà giáo, nhà khoa học: nếu không cải cách sư phạm để đổi mới công tác đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên thì khó có thể đạt được kết quả trong việc triển khai chương trình và SGK mới.

Bên cạnh đó có một vấn đề rất quan trọng là đổi mới về mục tiêu GD. Theo tôi, mục tiêu GD là tiền đề, là cốt lõi của một nền GD và vì vậy, để đổi mới căn bản và toàn diện nền GD, thì nhất thiết phải bắt đầu từ đổi mới mục tiêu GD. Đã đến lúc cần khẳng định, đối với tất cả các cấp học, dạy làm người theo những giá trị nhân bản của dân tộc và nhân loại để mỗi thanh thiếu niên đều nên người (với tư cách là người học, người lao động, người công dân), phải là mục tiêu ưu tiên số một của mọi nhà trường, mọi cấp học.

Nhìn vào kết quả GD của nhà trường nhiều năm qua, chúng ta rất khó đánh giá các em học sinh THCS hoặc THPT đã đạt được tới mức độ nào của mục tiêu GD mặc dù các em đều “tốt nghiệp”. Sở dĩ như vậy là vì lâu nay ta xác định mục tiêu GD chưa cụ thể. Khi thực hiện lại có sự lệch lạc, tập trung quá đáng vào chuyện thi cử, xem nhẹ việc phát triển nhân cách và khả năng thực hành ở học sinh/sinh viên. Nhất là, chưa coi trọng đúng mức việc bồi dưỡng cho thanh thiếu niên ý thức tự tin/tự chủ/tự lập trong suy nghĩ và hành động. Trong khi đó, phương thức GD lại chủ yếu là áp đặt, buộc học sinh/sinh viên phải thuộc lòng quá nhiều điều, trong đó có những điều xa lạ với cuộc sống, chẳng giúp gì cho sự phát triển nhân cách và năng lực của các em. 

Cần có sự tham gia của các nhà khoa học

Đổi mới căn bản và toàn diện nền GD quốc dân là một công trình lớn của quốc gia, cần được chuẩn bị dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Đảng và Chính phủ. Dù cần khẩn trương nhưng vẫn phải bảo đảm yêu cầu chu đáo, nghiêm túc. Việc đầu tiên phải làm là xây dựng cho được Đề án đổi mới căn bản toàn diện về GD dựa trên tầm nhìn vài ba thập kỷ, khắc phục cách đổi mới chắp vá, thiếu tầm nhìn tổng thể, mà Đại hội Đảng X đã phê phán. Đề án cần được Trung ương Đảng và Chính phủ xem xét, trình Quốc hội để thông qua theo quy định của pháp luật.

Để xây dựng được một đề án phản ánh những tiến bộ về GD, đáp ứng mong đợi của xã hội, thì Ban soạn thảo hoặc Ủy ban Quốc gia (như cách làm ở các nước khác trong trường hợp tương tự) cần có sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia trong nước và có thể mời các chuyên gia người Việt định cư ở nước ngoài. Bên cạnh Ban soạn thảo đề án Ủy ban Quốc gia, cần có cơ chế tập hợp ý kiến của các nhà giáo, nhà khoa học bằng các hội đồng tư vấn. Đồng thời, cần thông qua các cuộc hội thảo và tận dụng các phương tiện thông tin đại chúng để thông báo rộng rãi trong công chúng, tập hợp và tham khảo các ý kiến của tất cả những ai quan tâm và mong muốn đóng góp nhằm chấn hưng và phát triển nền GD quốc dân VN.

Trước mắt, Bộ GD-ĐT cần khẩn trương chỉnh sửa chương trình hiện có theo hướng giảm tải, động viên giáo viên cải tiến phương pháp giảng dạy, thực hiện bình thường hóa thi cử, đẩy lùi những biểu hiện tiêu cực trong hoạt động GD, làm cho hệ thống GD trung thực hơn, lành mạnh hơn.

Nguyễn Thị Bình
(Nguyên Phó chủ tịch nước)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.