Tết nửa năm ở xứ cù lao

10/06/2011 17:15 GMT+7

Dòng người từ các nơi nô nức đổ về, làm “chật” cù lao nằm giữa con sông Hậu trong ngày mùng 5 tháng 5 (âm lịch). Ở đây, Tết Đoan ngọ (người dân thường gọi là Tết nửa năm) từ lâu đã được nâng lên tầm lễ hội, mang nhiều nét đặc trưng của vùng cù lao trù phú.

Sáng mùng 5 tháng 5. Các bến phà qua cù lao Mỹ Phước (xã Nhơn Mỹ, H.Kế Sách, Sóc Trăng) chật kín người. Xứ cồn này vốn là vùng cây trái bạt ngàn, nhưng bởi ngăn sông cách đò nên hầu như quanh năm ít ai lui tới, trừ ngày đặc biệt này.


Đua thuyền rồng trên sông Hậu, một hoạt động không thể thiếu trong ngày Tết nửa năm ở xứ cù lao - Ảnh: T.Tr 

Về sông tắm gội

Chỉ một ngày duy nhất, các nẻo đường chạy vòng quanh cồn diễn ra cảnh người chen chân nhau. Dưới các tán cây, người dân địa phương mở các quán “dã chiến”, bày biện thức ăn, nước uống phục vụ khách thập phương, quán nào cũng đông nghẹt khách. Có những gia đình kéo cả nam phụ lão ấu tới đây, giống như đi du lịch vậy. Rồi những  đôi tình nhân, những nhóm bạn… cũng nườm nượp kéo về. Có người còn mang theo cả cơm nước, bánh trái; trong khi nhiều bạn trẻ lại mang theo quần áo để sẵn sàng... ùm xuống sông cho thỏa thích.

Chúng tôi theo chuyến phà chiều qua cù lao Mỹ Phước từ hôm mùng 4, khi các cán bộ văn hóa đang hoay hoay treo những tấm băng-rôn chào đón khách thập phương. Tết nửa năm của cư dân xứ cù lao mấy năm nay đã thực sự trở thành lễ hội, được chính quyền địa phương đứng ra tổ chức. Cứ đến ngày này, người dân khắp vùng châu thổ Cửu Long lại kéo về xứ cù lao, vừa tham gia lễ hội vừa tranh thủ ùm xuống sông tắm. Nhiều người tin rằng nước của 2 nhánh sông  Mê Kông trong ngày này rất “linh thiêng”, có thể gột rửa thể xác, tâm hồn và làm tiêu tan bệnh tật.

Mang “vườn” ra khoe

Cù lao Mỹ Phước vốn nổi tiếng với đặc sản sapôchê, măng cụt, nhãn, chôm chôm nên Tết nửa năm cũng là dịp để nông dân đem đến khoe những thành quả từ vườn nhà. Vì vậy, bên cạnh các hoạt động ca hát văn nghệ, các trò chơi dân gian, hai hoạt động chính của “Lễ hội sông nước miệt vườn” này là thi cây trái, củ quả và đua thuyền rồng (để giải nhiệt, cầu mưa, vì rồng được xem là hiện thân của “thủy thần”).

 
Một nông dân khoe buồng chuối cao lửa “hàng hiếm” của mình - Ảnh: T.Tr

Tối mùng 4, một sân khấu rộng được dựng lên trên bãi đất rộng để các “nghệ sĩ miệt vườn” trổ tài. Quanh đó, các “ngôi sao chân đất” cũng không kém nổi bật bên những các thứ cây trái, củ quả. Cụ bà Phạm Thị Út (xã An Mỹ, H.Kế Sách) luôn tủm tỉm bên quầy mít, bưởi, măng cụt của mình.  Năm nay, các loại trái trong vườn nhà đều trúng mùa, được giá nên bà Út quyết định  mang ra “khoe” với mọi người cho vui.  Cạnh đó, nông dân Hai Cẩn (thị trấn Kế Sách) hãnh diện với giống thanh long ruột đỏ mà ông vừa thu hoạch vụ thứ hai. Nông dân Mai Văn Út thì mang đến “hàng hiếm” là buồng chuối cao lửa mà ông cho rằng có lẽ mình đã “vớt giống trôi từ dưới sông lên”. Nông dân Trần Văn Trần thì mang đến đây cặp tho (thơm) “khủng” nặng 15 kg; nông dân Nguyễn Văn Hội với củ khoai mì nặng 34 kg, nông dân Phạm Hoàng Nam với củ sắn nặng 4 kg…

Nếu trên bờ là nơi để các nhà vườn khoe thành quả một năm của mình thì dưới bến, các đội thuyền rồng đến từ Châu Thành, Vĩnh Châu, Cù Lao Dung, Kế Sách… đã làm “dậy sóng” một khúc sông Hậu. Các vòng đua thuyền rồng đã diễn ra quyết liệt. Nhiều người đến đây còn vì lý do để cổ vũ cho đội nhà chiến thắng. Nhưng cũng chẳng có mấy ai tỏ ra thất vọng khi đội bơi của quê mình về sau, thậm chí có đội vì quá hào hứng đã làm thuyền đua bị lật úp, nhưng họ cũng không lấy làm buồn vì xem đây để dịp để…tắm sông.

Bên cạnh các hoạt động lễ hội, người dân xứ cù lao cũng không quên các lễ nghi ngày tết. Mâm cơm, dĩa bánh, dĩa trái cây được bày ra cúng tổ tiên, ông bà. Rồi mọi người trong đại gia đình quây quần bên mâm cơm. Bữa cơm Tết nửa năm cũng được coi là bữa tiệc “tẩy trần”. Cơm rượu là món để người ta tin rằng nó có thể giúp tống tán bệnh tật, sâu bọ trong người. Nông dân Nguyễn Văn Tám nói rằng, ngày trước vào dịp Tết nửa năm, dân cù lao còn làm bánh ú, nấu chè trôi nước, đổ bánh xèo... Nhưng có lẽ cuộc sống ngày càng bận rộn nên các món này ít dần.

Dẫu vậy, tinh thần của ngày tết truyền thống ở xứ cù lao không vì thế mà mai một. Đó cũng là lý do để hằng năm dòng người cứ đổ về càng đông. Đối với không ít người dân xứ cù lao, đây còn là ngày đáng đợi nhất trong năm.

Tiến Trình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.