Bài học từ Kobe

09/06/2011 17:33 GMT+7

Nói đến Kobe của nước Nhật, người ta thường nhắc đến 2 điều: món thịt bò tuyệt hảo và động đất. Thịt bò Kobe ăn ngon đến mức nhớ mãi, còn trận động đất cách nay 16 năm cũng không thể nào quên.

Một bảo tàng “không đụng hàng”

Vào ngày 17.1.1995, một trận động đất mạnh 7,3 độ richter đã tàn phá Kobe. Một thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất trong thời hiện đại của thành phố này. Trận động đất ấy đã cướp đi sinh mạng của 6.500 người và khiến 300.000 dân thường khác lâm vào cảnh vô gia cư. Để ghi nhớ sự bi thương này, Chính phủ Nhật Bản đã tiến hành xây dựng một bảo tàng “không đụng hàng” với các bảo tàng khác trên thế giới: Bảo tàng động đất.

Nhật Bản có rất nhiều bảo tàng về lịch sử, văn hóa - nghệ thuật, khoa học kỹ thuật… nhưng sở dĩ phải lập bảo tàng động đất vì đảo quốc này ngày nào cũng có động đất ở mức 2, 3, 4 độ richter, không hề hấn gì. Nhưng nếu động đất mạnh cỡ từ 6 độ richter trở lên thì sẽ là một câu chuyện hoàn toàn khác, chắc chắn bi thảm hơn. Cuối tháng 5 đầu tháng 6.2011 vừa qua, tôi có dịp tháp tùng đoàn nhà báo Việt Nam đến thăm và làm việc tại bảo tàng này dưới sự tổ chức của Công ty du lịch Vietravel và Vietnam Airlines, sau thảm họa động đất và sóng thần ở vùng đông bắc Nhật Bản hồi tháng 3 năm nay.

 
Học sinh Nhật Bản tham quan Bảo tàng động đất ở Kobe - Ảnh: Đ.X.H

Người ta cấm quay phim, chụp ảnh bên trong Bảo tàng động đất, chỉ được xem, ghi chép và nghe thuyết minh mà thôi. Trong bảo tàng, khách tham quan sẽ được xem một đoạn phim khoảng 15 phút kể về những cảnh nhà cao tầng bị đổ sập, cầu bị gãy, tàu điện trên cao lao xuống đất, xe buýt gặp nạn trên đường cao tốc, hỏa hoạn khắp nơi, xác người nằm la liệt… do trận động đất năm 1995 gây ra. Đoạn phim này được chọn lọc ra từ các camera đặt ở khu phố, trong nhà, trên tàu điện, trên xe buýt… Nếu không biết trước, người xem dễ nhầm tưởng đó là những cảnh quay theo kiểu điện ảnh Hollywood, vì nó rất sống động, gây ấn tượng mạnh. Đó là phim, còn về hình ảnh trực quan thì rất nhiều, kể về sự tan hoang của Kobe sau động đất cũng như sự khắc phục sau thảm họa. Thậm chí, người ta còn lưu giữ và trưng bày trong bảo tàng cả một ngôi nhà tan tành, một toa tàu điện thảm thương, một trụ cầu đã gãy… Tất cả đều là đồ thật.

Mục đích của bảo tàng này nhằm giáo dục cho người Nhật, nhất là thế hệ trẻ, hiểu những nguy cơ tiềm ẩn trên vùng đất mình đang sinh sống để từ đó có những phản ứng thích hợp một khi thiên tai ập đến. Đó là lý do giải thích vì sao có hàng ngàn học sinh từ khắp nơi trên nước Nhật đến tham quan Bảo tàng động đất mỗi ngày. Vị trí của Kobe nằm ở giữa nước Nhật (giống như Đà Nẵng hoặc Huế của VN), rất thuận tiện cho học sinh ở miền bắc hoặc miền nam di chuyển đến, chi phí do chính phủ tài trợ (dễ hiểu thôi vì nước Nhật giàu). Học sinh Nhật sau khi đến tham quan Bảo tàng động đất, đều phải viết bản thu hoạch một cách nghiêm túc.

 
Trụ cầu bị gãy do động đất 1995 ở Kobe được trưng bày ở bảo tàng - Ảnh: Đ.X.H 

Trông người rồi nghĩ đến ta

Số người thiệt mạng vì động đất ở Kobe 1995 thực ra chỉ bằng 50% so với số nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông tại Việt Nam mỗi năm (khoảng 12.000 người). Nhưng vì số người tử nạn ở ta diễn ra “lai rai” suốt 365 ngày nên nghe có vẻ bình thường, để rồi khi tịnh tâm người ta bỗng giật mình, lo sợ, hãi hùng trước sự mất mát quá lớn của đồng bào mình.

Trong bối cảnh đó, theo thiển ý của tôi, có lẽ Chính phủ Việt Nam nên xúc tiến thành lập ngay Bảo tàng tai nạn giao thông để giáo dục cho người dân nói chung và giới trẻ nói riêng, nhất là học sinh - sinh viên. Không phải lo về hình ảnh trực quan, vì tai nạn giao thông chết người, tai nạn thảm khốc đường bộ, đường thủy, đường sắt hầu như ngày nào cũng xảy ra và được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Việt Nam không giàu như nước Nhật để có thể đài thọ toàn bộ chi phí cho dân chúng tham quan Bảo tàng tai nạn giao thông. Trong hoàn cảnh đất nước chưa giàu, và thực tế địa lý không cho phép, trước nhất có thể thành lập 3 Bảo tàng tai nạn giao thông ở 3 miền, nếu có thể được.

Người Nhật có nỗi lo về thiên tai. Người Việt có nỗi ám ảnh về nhân tai. Nước Nhật xem động đất là quốc nạn. Tai nạn giao thông ở Việt Nam mặc nhiên cũng trở thành quốc nạn. Xét về mặt nhân bản, cả hai thứ ngoài mong đợi ấy đều mang đến cho chúng ta một sự mất mát thương tâm không có gì bù đắp được.

Làm thế nào để giảm tối đa số người chết vì tai nạn giao thông mỗi năm ở Việt Nam? Hãy chờ biện pháp từ phía các cơ quan hữu quan. Còn ý tưởng về Bảo tàng tai nạn giao thông chỉ là một đề xuất mạo muội của cá nhân người viết dựa trên những gì mắt thấy, tai nghe bên nước Nhật.

Đoàn Xuân Hải

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.