Đối thoại để tiết giảm căng thẳng

04/06/2011 01:06 GMT+7

Với sức nóng từ tình hình biển Đông, cộng đồng quốc tế chờ tiếng nói của Việt Nam tại Diễn đàn An ninh châu Á - Thái Bình Dương ở Singapore.

 

Bộ trưởng Quốc phòng, đại tướng Phùng Quang Thanh cùng đoàn đại biểu Việt Nam (trái) thảo luận với phái đoàn Trung Quốc - Ảnh: Đặng Trung Bảo

Tiến sĩ John Chipman, Giám đốc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), cơ quan tổ chức diễn đàn an ninh có tên gọi Đối thoại Shangri-La (SLD), liên tục cập nhật trên mạng xã hội Twitter những thông tin rất đáng quan tâm như Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc sẽ tham dự SLD lần thứ 10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates vừa đáp xuống Singapore, Mỹ - Trung đang gặp gỡ song phương... Riêng chủ đề biển Đông được ông Chipman nhắc đến nhiều nhất như “Bài báo rất hay của Financial Times về sự cố đối với tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam sẽ là chủ đề thảo luận tại SLD”, “Biển Đông sẽ là một chủ đề lớn”,  “Bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam được mong đợi rất nhiều do những vụ đụng chạm gần đây trong hoạt động thăm dò dầu khí ở biển Đông”.

Trong phòng báo chí, phóng viên quốc tế bàn tán về những chủ đề được coi là quan trọng trong chương trình hội nghị 3 ngày. Bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, đại tướng Phùng Quang Thanh vào sáng 5.6 nằm trong số đó.

Sáng qua, khi hội nghị chưa chính thức khai mạc, tin từ IISS cho hay Thứ trưởng Quốc phòng, trung tướng Nguyễn Chí Vịnh sẽ chủ trì cuộc gặp gỡ báo chí sau bài phát biểu của đại tướng Phùng Quang Thanh khiến các phóng viên rất hào hứng và mong đợi. Lần đầu tiên, đoàn Việt Nam dự SLD sẽ gặp gỡ và trả lời những thắc mắc của báo chí. Đối sách của Việt Nam trước các hành động gây căng thẳng vừa qua của Trung Quốc là vấn đề mà các phóng viên quan tâm.

Hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, đại tướng Phùng Quang Thanh đã gặp gỡ song phương với bộ trưởng quốc phòng các nước Singapore, Úc, New Zealand, Mông Cổ và Trung Quốc.

Vào cuối ngày, sau một lịch trình làm việc dày đặc, Thứ trưởng Quốc phòng, trung tướng Nguyễn Chí Vịnh nói với Thanh Niên: “Tôi chỉ có thể nói là đại diện các nước đều bày tỏ sự tôn trọng đối với VN và quan ngại trước hành động đơn phương, gây hấn của Trung Quốc. Tất cả đều mong đợi tiếng nói VN vào ngày chủ nhật, không phải để tìm sự đúng sai của ai đó, mà là sự công khai, minh bạch trong hoạt động của mình”.  

Thục Minh

Trên bàn hội thảo, Việt Nam, Malaysia, Philippines sẽ ngồi cùng nhau trong phiên họp toàn thể với chủ đề “Đối phó với các nguy cơ mới về an ninh biển” vào sáng 5.6. Tiến sĩ Tim

Huxley, Giám đốc IISS châu Á, nói với Thanh Niên: “Phiên họp này nhằm tạo cơ hội cho các quốc gia Đông Nam Á liên quan đến cuộc tranh chấp ở biển Đông nêu lên những vấn đề an ninh biển mà mình đang gặp phải”. Ông Huxley cũng hy vọng bằng việc thảo luận công khai, đa phương trên tinh thần tôn trọng công pháp quốc tế, các bên có thể đạt được một sự chia sẻ và giảm nhiệt căng thẳng.

Thủ tướng Malaysia Najib Razak trong bài diễn văn phiên khai mạc trong tư cách khách mời danh dự của hội nghị cũng kêu gọi Trung Quốc hợp tác với ASEAN trong việc hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử để thay thế cho Bản tuyên bố các bên về quy tắc ứng xử biển Đông, được ASEAN và Trung Quốc ký vào năm 2002 nhưng thiếu tính ràng buộc pháp lý.

Một chuyên gia luật quốc tế (xin giấu tên) tại Singapore nhận định với Thanh Niên rằng: “Tuyên bố chủ quyền của Việt Nam hoàn toàn hợp với Công ước LHQ về Luật Biển. Trong khi đường 9 đoạn của Trung Quốc là hoàn toàn vô lý. Cộng đồng quốc tế sẽ ủng hộ Việt Nam”.

Nhiều vấn đề an ninh nổi cộm

Bên cạnh vấn đề an ninh biển được đặt lên hàng đầu, tiến sĩ Chipman trong bài phát biểu khai mạc hội nghị lúc 8 giờ tối qua (giờ Singapore) nhấn mạnh căng thẳng Thái Lan - Campuchia như một phép thử tính gắn kết của ASEAN, khủng bố, chạy đua vũ trang và phát triển vũ khí hạt nhân... cũng là những mối nguy lớn.

Trong bối cảnh đó, hội nghị đặt trọng tâm bàn thảo về những học thuyết quân sự và năng lực vũ trang, sự phân bố quyền lực quân sự trong khu vực châu Á cùng với tác động của nó, và xây dựng lòng tin để tránh những kịch bản quân sự tồi tệ nhất. Trung Quốc, với vị thế quân sự ngày càng lớn đồng thời cũng gây nhiều quan ngại cho thế giới, sẽ được dành riêng một phiên để trình bày về chính sách hợp tác an ninh quốc tế của mình. “Bằng các cuộc đối thoại quân sự như vậy, SLD là một cơ hội để tiết giảm căng thẳng giữa các quốc gia có mâu thuẫn và mở ra triển vọng cho giải pháp ngoại giao”, ông Chipman nói.

Bên ngoài phòng hội nghị, các cuộc gặp gỡ song phương năm nay sẽ ở mức kỷ lục, ông Chipman cho biết. Ngay khi đến Singapore hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã có cuộc gặp song phương với những người đồng cấp Toshimi Kitazawa của Nhật Bản, Ng Eng Hen của Singapore và Lương Quang Liệt của Trung Quốc cũng như  Thủ tướng Malaysia Najib Razak. Hãng tin AP trích lời ông Gates phát biểu sau cuộc gặp  với Lương Quang Liệt rằng quan hệ quân sự hai nước có những cải thiện, “nhưng nên tăng cường quan hệ và tiếp tục làm việc với nhau để giải quyết các vấn đề khu vực”. 

Giải quyết vấn đề biển đông thông qua đàm phán, dựa trên luật pháp quốc tế

Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, thượng tướng Lương Quang Liệt, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, đại tướng Phùng Quang Thanh đánh giá quan hệ Việt - Trung đang phát triển tốt đẹp tuy nhiên, vẫn còn tồn tại vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển Đông. “Đôi khi vẫn xảy ra những vụ việc đáng tiếc mà hai bên không mong muốn”, đại tướng Phùng Quang Thanh nói.

Trên tinh thần láng giềng đoàn kết, hữu nghị, đại tướng Phùng Quang Thanh nêu rõ sự việc tàu thăm dò địa chấn Bình Minh 02 ngày 26.5 đã bị tàu hải giám của Trung Quốc cắt cáp khi đang hoạt động sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. “Vụ việc đang gây bức xúc trong dư luận nhân dân và khiến lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam lo ngại. Tại hội nghị này, một số quan chức và báo giới cũng hỏi tôi về sự việc”, đại tướng Phùng Quang Thanh cho biết.

Đại tướng Phùng Quang Thanh đề nghị các cơ quan cấp dưới của hai bên chấp hành nghiêm chỉnh những cam kết của lãnh đạo hai nước và nhấn mạnh: “Hai bên cần bình tĩnh giải quyết vấn đề một cách hòa bình, thông qua đàm phán dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông”. Đại tướng Phùng Quang Thanh cho rằng hai bên cần tích cực hợp tác, hết sức kiềm chế để không xảy ra những vụ việc tương tự, điều sẽ ảnh hưởng đến quan hệ song phương và hình ảnh của Trung Quốc trong khu vực.

Về bài phát biểu vào ngày 5.6, đại tướng Phùng Quang Thanh cho hay: “Bài phát biểu của tôi sẽ đề cập sự việc tàu Bình Minh 02 một cách khách quan để khu vực và thế giới hiểu đúng. Dù tôi không đề cập thì thế giới cũng biết rõ vì trên tàu Bình Minh 02 có thuyền trưởng là người Nga và có thủy thủ đoàn mang nhiều quốc tịch khác nhau”.

Thượng tướng Lương Quang Liệt cho biết quan điểm của Trung Quốc về vấn đề tranh chấp ở biển Đông là giải quyết thông qua đàm phán ngoại giao và nhất trí với ý kiến của đại tướng Phùng Quang Thanh về việc hai bên phải tuân thủ luật pháp quốc tế. “Quân đội hai nước cần hợp tác chặt chẽ hơn nữa. Chúng tôi không mong muốn sự việc tương tự xảy ra trong tương lai. Chúng  tôi xin nói rõ là Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc không có hành động can dự nào vào sự việc vừa diễn ra”, thượng tướng Lương Quang Liệt khẳng định. 

Theo đại tướng Phùng Quang Thanh, vấn đề tranh chấp ở biển Đông có thể phải giải quyết lâu dài. Do vậy, ngành ngoại giao hai nước cần đàm phán hòa bình và lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước đối thoại, đưa ra những quyết sách mà hai bên có thể chấp nhận được. Việt Nam cũng sẵn sàng cùng Trung Quốc hợp tác cùng phát triển ở khu vực hai nước có tranh chấp thực sự căn cứ theo UNCLOS 1982.

Đặng Trung Bảo

Thục Minh
(VP Singapore)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.