Lê Hồng Ngọc: Làm con của vạn nhà

03/06/2011 10:00 GMT+7

Lê Hồng Ngọc đã làm công việc của một phó bí thư đoàn phường như tinh thẩn những dòng thơ trong bài thơ Từ Ấy(Tố Hữu): "Tôi đã là con của vạn nhà/Là em của vạn kiếp phôi pha/Là anh của vạn đầu em nhỏ".

Từ một nơi gần như trắng hoạt động Đoàn, đến nay khu phố 1, P.14, Q.4 (TP.HCM) là một trong những điểm dẫn đầu quận về hoạt động thanh niên.

Hầu hết những người dân ở đây đều biết Ngọc do cái tính hòa đồng, thích lê la. Mỗi lần len lỏi giữa những con hẻm sâu trên đường Tôn Đản, Ngọc luôn bắt gặp những hoàn cảnh đáng thương. Đó là những cụ già neo đơn, những thanh niên sau cai nghiện có thói quen tụ tập chơi bời, những đứa trẻ chạy nhảy khắp nơi nhặt nhạnh những thứ rác thải trong khu chợ để làm đồ chơi...Để rồi  đến khi về nhà, Ngọc trăn trở làm thế nào để xóa bỏ ngăn cách giữa những cán bộ Đoàn với người lao động.

 
Cô phó bí thư Đoàn Lê Hồng Ngọc  - Ảnh P.L

Thế là, thay vì ngồi ở cơ quan nghĩ ra những hoạt động thì Ngọc lại trực tiếp đến từng phòng trọ làm quen với công nhân để  tổ chức nấu ăn, vui chơi, kết bạn. Đến trường mẫu giáo để bày những trò chơi với các em. Đến trường trung học để tổ chức các hoạt động có ý nghĩa cho học

sinh. Ngọc tâm sự: "Gặp người già, mình phải trở thành bà lão. Gặp người đi làm, mình phải đặt mình ở vị trí họ với bộn bề cơm áo gạo tiền. Gặp bạn trẻ, mình biết phải ăn chơi như thế nào cho hợp gu. Và đối với thiếu nhi, mình trở lại tuổi thơ của mình. Phải là họ, mình mới hiểu họ cần gì, muốn gì để mình chia sẻ". Đó là bí quyết để một bí thư Đoàn có thể làm tốt nhiệm vụ của mình là gây dựng niềm tin của tổ chức Đoàn trong quần chúng.

Sau thời gian tiếp cận, Ngọc đã tổ chức thành công hoạt động mang tính cộng đồng được đông đảo thanh niên, học sinh và người dân  tham gia đó là chương trình Bữa cơm nghĩa tình. Ngọc đến từng nhà vận động góp giấy vụn, thu gom ve chai và góp nhặt tất cả những gì mọi người đóng góp để đủ tiền nấu những bữa cơm cho các cụ già. Một bữa cơm đầu tiên thành công, các bạn đoàn viên thanh niên tổ chức bữa cơm thứ hai rồi thứ ba... Chưa hết, các bạn còn quyên góp tiền, sách vở trao học bổng cho thiếu nhi nghèo, phân nhóm giúp các cụ già dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ chăn màn. 

Sau thành công của Bữa cơm nghĩa tình, Ngọc tiếp tục tổ chức CLB Niềm tin ngày mới. Nói về CLB này, Ngọc cho biết: "Thông thường những thanh niên sau cai trở về địa phương phải sinh hoạt tại khu phố mỗi tháng một lần. Tuy nhiên, những buổi sinh hoạt này thường có nội dung tương tự nhau, chủ yếu chỉ là điểm danh. Do không có việc làm, những thanh niên này chỉ biết tụ tập chơi bời nên tỉ lệ tái nghiện còn cao".

Khi nắm danh sách thanh niên sau cai được chuyển về địa phương, Ngọc cùng các đoàn viên thanh niên tìm hiểu kỹ về mỗi người, rồi phối hợp với các ban ngành địa phương giới thiệu họ vào làm việc hoặc học nghề miễn phí tại các cơ sở làm nghề giày dép. Ngọc lại đứng ra giới thiệu vay tín chấp để cácthanh niên này có vốn mở cơ sở sản xuất. Người đi trước sẽ nhận người đi sau. Cứ thế CLB Niềm tin đã giúp rất nhiều thanh niên sau cai hoàn lương, hòa nhập với cuộc sống mới. 

Phi Loan
(Theo cuốn Những bông hoa trong vườn Bác, tài liệu phục vụ
Đại hội Thanh Niên tiên tiến làm theo lời Bác lần II- năm 2011)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.