Mặt trăng có nhiều nước như trái đất?

30/05/2011 22:47 GMT+7

Nước được tìm thấy trong những hạt thủy tinh núi lửa và mang về trái đất vào năm 1972, trong sứ mệnh thám hiểm mặt trăng có người lái cuối cùng của phi thuyền Apollo 17. Quá trình phân tích các mẫu thử cho thấy trong lớp vỏ mặt trăng có thể chứa một lượng nước nhiều hơn 100 lần so với dự đoán trước đó.

Nhiều chuyên gia tin rằng sau một cú va chạm lớn ở giai đoạn đầu của lịch sử, trái đất đã tống ra một khối lượng lớn vật liệu để tạo thành mặt trăng. Lực tống nói trên có thể đã làm bốc hơi phần lớn nước trên mặt trăng. Thế nên, việc phát hiện nhiều nước bên trong mặt trăng có thể gây nghi ngờ đối với nhận định này.

Báo Daily Mail dẫn lời giáo sư James van Orman, thuộc Đại học Case Western Reserve (Mỹ) và là trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: “Những mẫu thử này cung cấp sự hiểu biết toàn diện nhất từ trước đến nay về lượng nước trên mặt trăng. Phần bên trong mặt trăng dường như cũng giống bên trong trái đất, vốn chứa rất nhiều nước”.

Những hạt thủy tinh màu cam được lấy bên trong mặt trăng trong những đợt phun trào núi lửa cách đây rất lâu. Nhiều cuộc thám hiểm không gian đã phát hiện nước trong các miệng núi lửa tại các cực của mặt trăng. Các nhà khoa học cho rằng nước được mang đến đó từ các vụ va chạm sao băng. Nhưng nghiên cứu mới cho thấy một số ít cũng được ném lên từ các đợt phun trào núi lửa.

Khang Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.