Truyền hình cho thiếu nhi trống vắng

29/05/2011 23:32 GMT+7

Các chương trình truyền hình dành cho thiếu nhi từ phim truyền hình, hoạt hình, cho đến các trò chơi, khoa học, giáo dục… còn quá ít ỏi.

Không mặn mà

Những năm trở lại đây, nhiều nhà đài, nhà sản xuất đã quan tâm hơn tới các bộ phim dành cho đối tượng khán giả từ 15 tuổi trở lên. Trong khi đó, các bộ phim dành cho khán giả nhỏ tuổi lại gần như không hề được quan tâm tới.


Chương trình Đồ rê mí nằm trong số ít các chương trình  dành cho thiếu nhi trên kênh VTV3 - Ảnh: Nhật Linh

Đạo diễn Vũ Hồng Sơn, được biết đến với bộ phim thiếu nhi Đội đặc nhiệm nhà C21, bày tỏ “bây giờ được giao làm phim thiếu nhi cũng chẳng muốn nhận” vì “quá khó khăn”. Theo ông, trước tiên là khó khăn trong việc tìm kiếm diễn viên. Các bộ phim truyền hình phát sóng hiện nay đều phải dài tập, ít nhất cũng khoảng 20 tập. Như vậy, thời gian quay ngắn nhất là 3 tháng, còn thường thì kéo dài tới 6 tháng, một năm. Việc cùng tập trung tham gia đóng phim của các em nhỏ không dễ dàng vì thời khóa biểu học tập của các em khác nhau. Nhiều bậc phụ huynh không muốn để con em mình tham gia đóng phim trong thời gian dài như vậy. Một lý do khác là nhiều nhà đầu tư không mấy mặn mà với phim thiếu nhi, bởi số lượng quảng cáo thu hút được không nhiều bằng phim dành cho các đối tượng khán giả khác. Không có phim truyền hình dành cho đúng lứa tuổi, các em nhỏ đành phải xem phim của người lớn. Điều đó ít nhiều sẽ có những ảnh hưởng không tốt đến việc hình thành nhân cách, giáo dục trẻ em.

Còn về thể loại phim hoạt hình, số lượng các bộ phim phát sóng không phải là ít, nhưng hầu hết lại là phim nước ngoài. Truyền hình cáp Việt Nam đã có hẳn một kênh phim hoạt hình dành cho thiếu nhi, nhưng hiếm khi tìm thấy một bộ phim hoạt hình nội. Hãng phim Hoạt hình Việt Nam mỗi năm sản xuất khoảng 10 phim, nhưng thỉnh thoảng đến dịp lễ, tết, khán giả nhí mới có cơ hội được xem. Ông Nguyễn Nhân Lập (Phó giám đốc Hãng phim Hoạt hình Việt Nam) than thở: “Nhiều bộ phim làm ra không được công chiếu rộng rãi, không đến được với công chúng. Cũng chính vì thế mà chúng tôi khó có thông tin phản hồi, để nâng cao chất lượng cho phim hay hơn. Làm phim ra mà chỉ tự ngồi ngẫm với nhau”.

Hầu hết phải mua bản quyền

Khán giả trẻ em có thể chia thành các đối tượng khán giả hẹp hơn: 0-5 tuổi (trước tuổi đi học), từ 6-9 tuổi và từ 10-14 tuổi. Nếu chia nhỏ như vậy lại càng thấy rõ số lượng các chương trình truyền hình dành cho các đối tượng khán giả là quá thấp. Các thể loại chương trình truyền hình cho trẻ em như giáo dục, trò chơi truyền hình, tìm hiểu kiến thức khoa học, hoạt hình, phim truyện... rất hạn chế. Điểm qua trên kênh VTV3 chỉ thấy lác đác một vài chương trình dành cho thiếu nhi như Đồ rê mí, Chúc bé ngủ ngon, Mười vạn câu hỏi vì sao. Theo nhà báo Diễm Quỳnh (Phó trưởng ban Thanh thiếu niên VTV6), ngoài những nguyên nhân vĩ mô, chính sách và đầu tư truyền thông cho trẻ em, nguyên nhân còn do nhà nhà sản xuất và đài truyền hình “đã có khoảng thời gian dài hài lòng với những gì đang có dành cho trẻ em”.

Hầu hết các chương trình truyền hình cho trẻ em hiện nay đều phải mua bản quyền của nước ngoài, ít có những chương trình do chúng ta tự sản xuất. Trong số đó, việc mua bản quyền các bộ phim hoạt hình nước ngoài thuận lợi hơn việc tự triển khai sản xuất hoạt hình trong nước vì giá thành rẻ hơn nhiều. Nhưng theo nhà báo Diễm Quỳnh, với các em nhỏ trên 5 tuổi, việc xem nhiều và liên tục các bộ phim hoạt hình với ngôn ngữ và bối cảnh nước ngoài sẽ không tốt cho sự phát triển, tầm hiểu biết về chính đất nước mình của các em.

Minh Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.