Chưa có chủ trương đặt trần lãi vay

26/05/2011 23:12 GMT+7

Đó là khẳng định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - Nguyễn Văn Giàu (ảnh) với báo chí hôm qua, trước hàng loạt tin đồn về việc NHNN sẽ áp trần lãi suất cho vay 19%/năm, tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc...

 

Dòng tiền gửi từ dân đang chảy mạnh vào hệ thống ngân hàng - ảnh: Ngọc Thắng

 Thống đốc có thể cho biết tình hình tăng trưởng huy động vốn của toàn hệ thống hiện nay?

Tới ngày 23.5 so với cuối năm 2010, tốc độ tăng trưởng huy động vốn toàn hệ thống ngân hàng (NH) tăng 1,48%. Trong đó, tốc độ huy động vốn VND giảm 2,75% nhưng tốc độ huy động ngoại tệ tăng 18,84%. Tuy vốn huy động VND giảm nhưng tập trung vào khu vực tổ chức kinh tế là 156.700 tỉ đồng. Một tín hiệu rất lạc quan, tiền gửi dân cư tăng tới 11,84%, trong đó VND tăng 107.300 tỉ đồng, tương ứng 11,39%, còn ngoại tệ tăng 8,63%. Con số này cho thấy dòng tiền gửi từ dân đang chảy mạnh vào hệ thống NH. Thị trường tiền tệ đã và đang đi đúng ý đồ điều hành của Chính phủ.

Tăng trưởng tín dụng và cơ cấu từng khu vực thì sao, thưa thống đốc?

Phải khẳng định, tín dụng của nền kinh tế hiện bằng 1,2 lần GDP, ít có quốc gia nào cao như vậy, nên chúng ta phải giảm xuống

Theo Nghị quyết 11 của Chính phủ thì phải tập trung tín dụng cho khu vực sản xuất, đặc biệt là cho vay nông nghiệp -  nông thôn và xuất khẩu. Hiện tại, tăng trưởng tín dụng khu vực này đang đạt 22,2%, so với mức tăng chung cho cả nền kinh tế là 6,2% thì đã gấp hơn 3,5 lần. Tỷ trọng phi sản xuất hiện giảm được 1,92% so với mức 18,87% cuối 2010. Như vậy, cơ cấu tín dụng phi sản xuất hiện nay là 16,95% so với mục tiêu 16% vào cuối 2011. Tôi tin là sẽ đạt được.

Có thông tin NHNN sẽ áp trần lãi suất cho vay 19%/năm, thông tin này như thế nào, thưa thống đốc?

Cũng có ý kiến đưa ra, nhưng NHNN chưa có chủ trương sử dụng chính sách trên. Sở dĩ người ta muốn đặt trần lãi suất vì cho rằng có trần thì không NH thương mại nào dám vượt qua. Nhưng thực tiễn hoạt động thị trường không như vậy. Khi nào cung tín dụng thừa so với cầu sẽ dễ dàng áp trần, còn hiện tại cung tín dụng thiếu so với cầu thì không cần thiết. Ngoài ra, họ cũng cho rằng nếu doanh nghiệp bị vay vượt trần sẽ tố cáo NH cho vay. Tuy nhiên, theo tôi trần cho vay không khả thi vì một doanh nghiệp tố cáo NH thì hàng trăm doanh nghiệp sẽ không thể vay được vốn, thậm chí cả nền kinh tế không ai được vay.

NH không cho vay sẽ mang tiền đi mua giấy tờ có giá, ngoại tệ… gây rủi ro rất lớn cho hệ thống. Mà rủi ro nhất là hoạt động tín dụng bị biến dạng, biến tướng, NHNN không kiểm soát nổi. Bề ngoài thì họ cho vay 18% nhưng thực tế có thể thỏa thuận ngầm với nhau thêm 3 - 4%, rất khó kiểm soát. Từ đó dẫn tới mua chuộc lẫn nhau, nới lỏng các điều kiện tín dụng, châm chước cái này, cái kia làm tổn thương tới từng NH và cả hệ thống.

Lạm phát cao, người gửi tiền muốn tăng lãi suất huy động, còn doanh nghiệp vay kêu lãi suất cho vay quá cao. Xử lý vấn đề này như thế nào, thưa thống đốc?

Chúng ta phải nhìn vào diễn biến kinh tế vĩ mô, khi lạm phát giảm mà đề nghị nâng lãi suất là không hợp lý. Thứ hai nhìn mục tiêu kỳ vọng điều hành chính sách, xem mức độ lạm phát lên tới mức 18% hay không, để huy động tiền gửi ở mức này. Nếu lạm phát xuống nhanh, ai gửi tiền lúc này thì có lợi, chính sách đưa ra phải xét tới lợi ích của nhiều đối tượng, phải công bằng và đặt lợi ích nền kinh tế lên hàng đầu.

Phải khẳng định, tín dụng của nền kinh tế hiện bằng 1,2 lần GDP, ít có quốc gia nào cao như vậy, nên chúng ta phải giảm xuống. Mong muốn của Chính phủ kiềm chế lạm phát, vì vậy giai đoạn này, lãi suất cao thì doanh nghiệp có thể giảm lợi nhuận. Năm 2008 cũng có nói hàng nghìn người mất việc làm, doanh nghiệp lỗ, phá sản nhưng không hề có. Vì vậy, trong bối cảnh này, doanh nghiệp phải đưa ra giải pháp của mình, thấy đầu tư không hiệu quả thì phải giảm xuống. Thay đổi quản lý đầu vào, ví dụ trước dự trữ nhiều nguyên nhiên liệu thì giảm xuống, mỗi cái một chút để chia sẻ chung.

Lãi suất cũng chỉ là một chi phí trong số hàng loạt các chi phí khác. Nó là chi phí tài chính quan trọng, nhưng không phải duy nhất. Chúng ta cần thử làm bài toán, ví dụ tất cả chi phí đầu vào 12 nhóm, trong đó có nguồn vốn, sau đó chọn và tính toán trước và sau khi lạm phát cao để xem tác động của chi phí tài chính tới chi phí chung của doanh nghiệp như thế nào…

Doanh nghiệp khai thác vốn tự có tối đa, giảm vốn vay 20% thì sẽ cân bằng với lúc trước khi lãi suất cao đó là thành công, lợi nhuận được đảm bảo. Nếu không, trong giai đoạn khó khăn, chấp nhận giảm lợi nhuận từ 10% xuống 4%. Lãi suất cao đòi hỏi tất cả các doanh nghiệp phải cơ cấu lại, đặc biệt quản trị.

Anh Vũ (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.