Nên đưa nhóm máu vào CMND

25/05/2011 00:41 GMT+7

Lâu nay, rất nhiều người không hề biết mình thuộc nhóm máu nào; dù việc biết rõ nhóm máu của mình phòng khi hữu sự liên quan đến sức khỏe là hết sức cần thiết.

Bác sĩ Trương Thị Kim Dung, Phó giám đốc Bệnh viện Truyền máu - Huyết học (TP.HCM), cho rằng: “Ở các nước phát triển, phần lớn gia đình đều có bác sĩ riêng theo dõi sức khỏe, nên họ đều biết nhóm máu của mình. Nhưng ở ta, nhiều người không đi khám, kiểm tra sức khỏe, chỉ đến khi có bệnh thì mới đến bệnh viện, nên không hề biết nhóm máu của mình. Về sau này, cũng có những gia đình quan tâm, họ chủ động kiểm tra để biết trước nhóm máu, phòng khi có chuyện cần”.

 
Nếu biết trước nhóm máu sẽ chuẩn bị máu sẵn sàng cho ca mổ - Ảnh: Thanh Tùng

Hiện nay, nếu muốn kiểm tra để biết nhóm máu, người dân có thể vào bất kỳ bệnh viện nào yêu cầu là được đáp ứng, không cần phải có điều kiện gì. Tiền xét nghiệm chỉ hơn 20 ngàn đồng/lần và thời gian xét nghiệm rất nhanh.

Trước đề xuất của nhiều người là nên đưa thông tin nhóm máu của mỗi người vào một loại giấy tờ nào đó để lỡ khi có bệnh tật phải cấp cứu, bác sĩ biết mà xử trí kịp thời, bác sĩ Trương Thị Kim Dung nói ngay: "Đưa nhóm máu vào CMND của mỗi người là tiện nhất. Vì CMND là loại giấy tờ phổ thông mà ai đến tuổi cũng phải có và họ thường mang theo trong người. Tuy nhiên, việc đưa thông tin nhóm máu vào CMND thuộc thẩm quyền cấp quốc gia và sự thay đổi này cũng sẽ cần đến chi phí tương đối lớn...".

Bác sĩ Trương Thế Hiệp, Phó khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, cũng ủng hộ ý tưởng này: “Mặc dù trước khi truyền máu phải thử lại nhóm máu, làm phản ứng chéo ngay tại giường rất cẩn thận… Nhưng việc mỗi người biết trước nhóm máu, hay giấy tờ có ghi sẵn nhóm máu là rất cần thiết. Chẳng hạn, khi có vụ tai nạn hay thảm họa, cháy nổ với hàng loạt người bị thương, một lượng lớn nạn nhân vào cấp cứu... nếu mỗi người đều biết trước nhóm máu của mình thì bộ phận cấp cứu sẽ báo trước cho ngân hàng máu của bệnh viện chuẩn bị sẵn sàng bao nhiêu đơn vị máu A, bao nhiêu đơn vị máu B, O… để phẫu thuật cho người bệnh. Hoặc với bệnh nhân không phải mổ cấp cứu, nhưng bác sĩ điều trị cũng có thể chuẩn bị trước cho người bệnh, không bị động nếu biết trước nhóm máu bệnh nhân của mình”.

Dù biết nhóm máu vẫn phải thử trước khi truyền

Bác sĩ Bùi Văn Thêm, Giám đốc Trung tâm Hiến máu nhân đạo (TP.HCM), cho biết: "Cho dù một người vào viện cung cấp để bác sĩ biết về nhóm máu của mình, nhưng trước khi truyền máu vẫn cần phải kiểm tra lại nhóm máu. Chẳng hạn, nếu bệnh nhân biết máu của mình thuộc nhóm nào và dù bịch máu có sẵn đó cũng cùng với nhóm máu của bệnh nhân thì điều cơ bản nhất là phải làm phản ứng chéo ngay tại giường (lấy một ít máu của người bệnh để hòa với mẫu máu của bịch máu có sẵn, chờ trong vài phút xem có hiện tượng gì bất thường hay không) rồi mới quyết định có truyền cho người bệnh hay không. Bởi truyền máu là chỉ định không rộng rãi và chỉ truyền máu khi thật sự cần thiết do có thể rất nguy hiểm đến tính mạng, dễ gây tán huyết, tử vong nếu truyền sai. Thời chiến tranh, người lính đeo thẻ có ghi nhóm máu để cần xử trí gấp khi bị thương; riêng trong thời bình thì việc này theo tôi chưa cần thiết lắm”.

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.