Trách nhiệm quản lý tàu nhà hàng du lịch bị bỏ ngỏ

24/05/2011 14:05 GMT+7

(TNO) Việc tàu nhà hàng du lịch 72K-BD 0394 của Khu du lịch xanh Dìn Ký (Bình Dương) hết hạn kiểm định vẫn xuất bến gây nên vụ chìm tàu tang thương trên sông Sài Gòn cho thấy nhiều vấn đề về công tác quản lý loại phương tiện này.

>> Đại tang nơi xóm nghèo
>> Tìm thấy thi thể cuối cùng trong vụ chìm tàu
>> Cảnh báo đã bị phớt lờ
>> Chưa thể lai dắt tàu chìm
>> Trục vớt thành công con tàu 2 tầng lên bờ
>> Tìm thấy thi thể 15/16 nạn nhân vụ tàu chìm
>> Bấm vào đây xem tường thuật chi tiết
>> Tàu du lịch BD 0913 đã hết hạn kiểm định
>> Nỗ lực tìm kiếm người mất tích
>> 9 người trong một gia đình gặp nạn
>> Chìm tàu du lịch, hàng chục người mất tích
>> Khởi tố vụ chìm tàu trên sông Sài Gòn
>> Vụ chìm tàu BD 0913: Bắt giữ 3 người

Nhiều vi phạm

Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên Online, hiện nay tại TP.HCM có khoảng 11 tàu nhà hàng du lịch của các doanh nghiệp và tư nhân như Công ty Du lịch TP.HCM, Công ty TNHH Thuyền buồm Đông Dương... hoạt động thuộc vùng nước cảng biển thành phố; trong đó, Công ty TNHH Thuyền buồm Đông Dương có nhiều phương tiện nhất (3 tàu).

Quy mô loại tàu này cũng đa dạng, từ 1 tầng đến 3 tầng với sức chở từ 25 đến 900 khách. Vật liệu chế tạo tàu nhà hàng du lịch thường bằng gỗ (có phủ lớp composite bên ngoài tăng khả năng chống thấm, kết cấu khung bên trong bằng sắt...) hoặc được đóng hoàn toàn bằng sắt.


Việc quản lý loại hình tàu nhà hàng du lịch tại TP.HCM chưa có quy định cụ thể - Ảnh: Kim Cương

Một chủ doanh nghiệp cho biết, tàu nhà hàng du lịch không được làm theo khuôn khổ quy định mà hình dáng, kích thước, số tầng hoàn toàn tùy thuộc vào “ý tưởng” cũng như túi tiền của chủ tàu. Nhưng tàu nhà hàng du lịch muốn hạ thủy và lưu thông trên đường thủy phải thông qua cấp phép, giám sát của cơ quan đăng kiểm, Sở GTVT, Cảng vụ hàng hải, Cảnh sát giao thông đường thủy...

Ngành chức năng, đơn vị quản lý khi đã cho phép loại tàu nhà hàng du lịch vào hoạt động phải có trách nhiệm liên đới với doanh nghiệp khi phương tiện xảy ra sự cố.

Ông An Sơn Lâm - Công ty TNHH Thuyền buồm Đông Dương

Trong đợt phối hợp kiểm tra tàu nhà hàng du lịch thuộc vùng nước cảng biển TP.HCM gần đây nhất, Cảng vụ hàng hải TP cho biết chủ một số phương tiện không bố trí thuyền viên có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn phù hợp theo quy định.

Điều đáng lo ngại là vẫn còn một số phương tiện không đăng kiểm, không có các trang thiết bị cứu hỏa theo quy định. Ngoài ra, công tác bảo dưỡng các trang thiết bị an toàn và thiết bị kỹ thuật vẫn chưa thực sự được chú trọng.

Một thành viên có mặt trong đợt kiểm tra này kể lại: khi đoàn kiểm tra liên ngành lên kiểm tra tàu SG-51..., đoàn đã không khỏi giật mình khi trên tàu không bố trí đủ số lượng trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy; các bình chữa cháy không đảm bảo chất lượng.

Cũng trên con tàu hằng đêm vẫn chở gần 200 khách ăn tiệc tùng, ca hát trên sông Sài Gòn mênh mông này, đoàn kiểm tra còn phát hiện đường ống làm mát máy đã được chủ phương tiện tự ý thay đổi, không đảm bảo đúng tiêu chuẩn; các van vặn không đảm bảo an toàn; vị trí van vặn khó tiếp cận và thao tác sử dụng.

Tương tự, trên tàu nhà hàng du lịch SG-12..., các bình gas thì nằm gần nguồn nhiệt tại khu vực bếp sinh hoạt.

Trách nhiệm quản lý thuộc về ai?

Việc khai thác du lịch đường sông, kinh doanh nhà hàng, ăn uống trên mặt nước hiện vẫn chưa có những quy định chặt chẽ, nhiều vấn đề cơ quan chức năng chưa chú ý, kiểm tra và lường đến.

Ông Nguyễn Việt Anh, Trưởng phòng Lữ hành, Sở VH-TT-DL TP.HCM cho biết, hiện nay, tại TP.HCM có vài đơn vị khai thác các hình thức du lịch trên sông. Hầu hết các tuyến du lịch đường sông đều là những tuyến ngắn, dạo chơi trên sông Sài Gòn và đi về trong ngày.

Theo ông Việt Anh luật quy định, các đơn vị tổ chức tour phải có bảo hiểm cho du khách khi khách tham gia các tour du lịch. "Tuy nhiên, với các chương trình tham quan, du lịch trong ngày thì không biết đơn vị có mua bảo hiểm cho khách không. Đặc biệt, với việc chỉ lên tàu ăn uống 1-2 tiếng thì chắc không có bảo hiểm nào như thế", ông Việt Anh nói.

Trong khi đó, cũng theo ông Việt Anh, Sở VH-TT-DL TP.HCM chỉ quản lý các công ty du lịch về mặt hoạt động, đăng ký tour, chương trình tour, chất lượng phục vụ du khách..., còn về phương tiện tàu thuyền, vận tải thì Sở GTVT có trách nhiệm quản lý, kiểm tra, đăng kiểm, cấp phép hoạt động... vận tải trên sông.

 
Nhiều hình thức kinh doanh ăn uống trên mặt nước như bè nổi cũng chưa có cơ quan quản lý an toàn - Ảnh: Trí Quang

Đối với hình thức nhà hàng nổi cũng như nhiều hình thức kinh doanh ăn uống trên sông nước thì phương tiện tàu, bè do Sở GTVT quản lý, trong khi cấp phép kinh doanh nhà hàng lại do Sở Công thương quản lý.

Và cho đến nay, vẫn chưa có thông tư, quy định nào giữa các ngành GTVT, Du lịch và Công thương trong việc thanh, kiểm tra về các quy định an toàn, tiêu chuẩn chung cho những loại hình du lịch trên sông.

Ghi nhận của phóng viên Thanh Niên Online, hầu như không công ty du lịch nào có bảo hiểm cho du khách tham gia du lịch đường sông.

"Tàu của công ty đảm bảo an toàn, có giấy phép hoạt động và kiểm tra đàng hoàng của các cơ quan quản lý, chứ chỉ đi một ngày mà mua bảo hiểm gì!", nhân viên của một công ty du lịch có tour du lịch trên sông, tại bến Bạch Đằng TP.HCM, giải thích.

Chị Đỗ Thanh Thủy, một du khách đang tìm tour du lịch trên sông cho gia đình mình vào cuối tuần, cho biết: "Trước giờ cả nhà đi du lịch trên sông, bằng tàu thuyền cũng nhiều nhưng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bảo hiểm và cũng chưa bao giờ thấy chỗ nào lên tàu mà có nhân viên, tiếp viên hướng dẫn về các quy định an toàn, cách mặc áo phao, cứu hộ,... như khi đi máy bay".

Nhiều chủ doanh nghiệp kinh doanh loại hình tàu nhà hàng du lịch tại TP.HCM cho biết, sau vụ tai nạn đối với tàu 72K-BD 0394, lượng khách lên tàu giảm hẳn.

Đa số người lên tàu là những đoàn khách du lịch đã đặt tuyến trước đó, còn khách vãng lai rất ít.

Như vậy, an toàn của du khách trên các chuyến du lịch trên sông hoàn toàn phụ thuộc vào cái "tâm" và uy tín của đơn vị du lịch, kinh doanh. 

“Ngành quản lý phải có trách nhiệm liên đới”

Thời gian qua, Sở VH-TT-DL TP.HCM cũng đã kết hợp với các ngành liên quan cùng một số doanh nghiệp, các cá nhân tổ chức thăm dò luồng tuyến để phát triển hơn nữa loại hình du lịch trên sông nước này

Ngay sau khi xảy ra vụ chìm tàu 72K-BD 0394 làm 16 người thiệt mạng, trao đổi với PV Thanh Niên Online về vấn đề quản lý tàu nhà hàng du lịch tại TP.HCM, ông Trần Thế Kỷ - Phó giám đốc Sở GTVT TP cho biết còn nhiều bất cập, “chưa có gì rõ ràng”. Cụ thể, đó là việc ra vào bến, điều kiện an toàn và quản lý hành khách trên tàu, bảo hiểm đối với hành khách...

Với tư cách chủ doanh nghiệp, ông An Sơn Lâm (Công ty TNHH Thuyền buồm Đông Dương) cho rằng, TP.HCM cần đưa du lịch đường sông vào khai thác nhưng chỉ những doanh nghiệp có đủ điều kiện mới được phép hoạt động không nên để đại trà như hiện nay.

Sau vụ tai nạn đường thủy thảm khốc đối với hành khách đi trên tàu 72K-BD 0394 của Khu du lịch xanh Dìn Ký, ông Lâm cho rằng, cơ quan chức năng cần rà soát lại tổng thể hoạt động của các tàu nhà hàng trên sông tại TP.HCM. Những tàu nào đạt chuẩn mới cho phép hoạt động nếu không phải cưỡng chế lên bờ để đảm bảo “sạch sông Sài Gòn”.

Đặc biệt, theo ông Lâm, ngành chức năng, đơn vị quản lý khi đã cho phép loại tàu nhà hàng du lịch vào hoạt động phải có trách nhiệm liên đới với doanh nghiệp khi phương tiện xảy ra sự cố.

Trần Duy - Viên An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.