Chật vật giảm nghèo ở vùng biên

23/05/2011 22:43 GMT+7

Khuất sâu trong vùng biên giới, hàng ngàn hộ dân từ xứ dừa Bến Tre lên Đắk Lắk lập nghiệp vẫn còn chật vật với bài toán giảm nghèo.

Cách đây gần 10 năm, hàng ngàn hộ dân từ Bến Tre đi xây dựng vùng kinh tế mới ở các xã biên giới của H.Ea Súp (Đắk Lắk). Buổi đầu, không ít người cảm thấy khó thích nghi. Nhiều hộ đã thối lui, trở về quê cũ, nhưng phần lớn bám trụ lại, bươn chải vượt qua khó khăn để bắt đầu một cuộc sống mới. Năm 2006, hai xã Ia Rvê và Ia Lốp được thành lập, với thành phần dân cư chủ yếu là đồng bào Bến Tre. Đời sống bà con trong vùng dựa vào nông nghiệp, nhưng chỉ canh tác được một vụ lúa và hoa màu vào mùa mưa trong năm, mùa khô không có công trình thủy lợi nên người dân bó tay, không nuôi trồng được cây, con gì. Ông Huỳnh Minh Cang ở thôn 4, xã Ia Rvê, nhận xét: “Sáu tháng mùa khô không có giọt mưa, nóng như muốn điên người, không cây trồng ngắn ngày nào sống nổi. Còn mùa mưa thì nước băng trắng đất, nhiều khi mất đứt cả mùa vụ do lũ lụt”.

 
Chuyển sang trồng cây nguyên liệu giấy, nhiều hộ dân vùng biên Ea Súp vẫn chưa thoát nghèo - Ảnh: T.N.Q

Theo thống kê mới nhất, xã Ia Rvê có 1.485 hộ thì số hộ nghèo (theo chuẩn mới) là 980 hộ, chiếm tỷ lệ 66%; xã Ia Lốp có 1.080 hộ nghèo trên tổng số 1.208 hộ, chiếm tới 89,4%.

Thiếu đất và nước sản xuất

Trước khi chính thức thành lập xã Ia Rvê và Ia Lốp, hàng ngàn hec-ta cây điều được đưa vào trồng theo dự án kinh tế - quốc phòng (DA KT-QP). Nhưng qua vài năm cho thấy, do không phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng nên cây điều không đem lại hiệu quả. Việc chuyển sang trồng cây khác được đặt ra và cây keo lá tràm làm nguyên liệu giấy được lựa chọn. Người nông dân phải xót xa chặt bỏ những vườn điều bạt ngàn để chuyển sang trồng cây keo theo một hợp đồng mới với đơn vị chủ DA. Bà Phạm Thị Hà ở thôn 4, xã Ia Rvê, cho biết: gia đình bà ký hợp đồng trồng 7 ha điều trong 25 năm, nhưng đến năm 2008 phải chặt bỏ điều để hợp đồng trồng lại keo. Bà Hà kêu khó: “Cây điều còn cho trồng xen đậu, bắp xóa được đói, chứ cây keo chỉ trong một năm tán lá đã xanh kín đất, không thể trồng xen thêm cây gì. Đã vậy, tiền nhận khoán chăm sóc keo còn thấp, chỉ 4-5 triệu đồng/ha/năm, đến khi thu hoạch chỉ hưởng 20% giá trị vườn cây”. Hầu hết các hộ trồng keo ở xã Ia Rvê cũng trong tình cảnh tương tự.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Ia Rvê cho biết, thời gian gần đây nhiều hộ dân trên địa bàn bày tỏ bức xúc, khiếu nại chủ yếu do nguyên nhân chưa đủ đất sản xuất. Trước đây, ngoài đất sản xuất được cấp bình quân 1 ha/hộ, bà con còn nhận thêm đất trồng điều của DA KT-QP để trồng xen. Nay chuyển sang trồng cây nguyên liệu giấy, không thể xen canh hoa màu nên áp lực thiếu đất sản xuất càng thấy rõ, đời sống bà con thêm khó khăn. Xã đang đề nghị cấp trên có DA cấp thêm để đạt mỗi hộ 2 ha đất. Vùng này cũng đang cần có công trình thủy lợi phục vụ sản xuất vào mùa khô, giúp nông dân tăng thêm thu nhập mới có thể giảm tỷ lệ hộ nghèo.

Trần Ngọc Quyền

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.