Nhược cơ do u tuyến ức

21/05/2011 16:26 GMT+7

Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây nhược cơ, trong đó 75% các trường hợp mắc là do u tuyến ức.

Khó phát hiện sớm

Theo PGS-TS Nguyễn Ngọc Bích, Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), ở trẻ em, tuyến ức có vai trò của hệ thống miễn dịch - sinh ra các tế bào lympho. Tuyến ức sẽ ngưng phát triển ở người trưởng thành. Tuy nhiên, một số trường hợp bất thường, ở người lớn tuyến ức vẫn tiếp tục phát triển. Khi đó, thay vì sản xuất ra chất giúp cơ thể tăng trưởng thì ngược lại, nó tiết ra các chất ức chế dẫn truyền thần kinh cơ, đây là một bệnh tự miễn.

Ở người bình thường, muốn cho các cơ vận động được là nhờ các xung động của hệ thần kinh cơ qua các chất trung gian ở các đầu tận của dây thần kinh được gọi là “sinap”, chất đó được gọi là Acetylcholine. Tuyến ức tiết ra các chất ức chế hoạt động của Acetylcholine nên các xung động thần kinh bị ảnh hưởng tùy mức độ. Những chất này không ảnh hưởng tới vận động của cơ tim và ruột.

 
Từ trái qua: U tuyến ức trên CT, trong lúc nội soi ngực và khi u được lấy ra ngoài - Ảnh do BS cung cấp

Bệnh nhược cơ ở giai đoạn sớm, khi chất ức chế dẫn truyền thần kinh do u tuyến ức tiết ra còn ít, lúc này bệnh chỉ ở mức độ nhẹ với biểu hiện: Người bệnh thấy yếu khi vận động, đi lại nhưng trở lại bình thường sau khi nghỉ ngơi. Tiếp đó người bệnh có dấu hiệu sụp mi mắt (thường là cả hai bên), mỏi mắt và nhìn đôi. Nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn này, điều trị nội khoa để kháng lại chất gây ức chế dẫn truyền thần kinh có hiệu quả.

Tuy nhiên, nhiều trường hợp nhược cơ bị bỏ qua ở giai đoạn sớm vì các triệu chứng bệnh không rõ ràng (vì mệt mỏi sẽ lui khi bệnh nhân nghỉ ngơi), hoặc có thể nhầm với bệnh lý khác (bệnh về mắt).

Phẫu thuật điều trị

Nếu không biết để điều trị ở giai đoạn sớm, bệnh sẽ tiến triển sang các giai đoạn nặng hơn. Khi đó bệnh nhân có các biểu hiện: nhìn đôi, nhai mỏi, nói ngọng, khó nói, khó nuốt, sặc, yếu mỏi chân tay, khó thở. Bệnh nhân có thể tử vong do không thở được vì liệt các cơ hô hấp. PGS-TS Nguyễn Ngọc Bích cho biết, để chẩn đoán bệnh nhược cơ do u tuyến ức, các bác sĩ sẽ khám bằng cách cho các nhóm cơ của người bệnh vận động nhiều lần, qua đó sẽ thấy xuất hiện các dấu hiệu yếu cơ. Ví như bệnh nhân sẽ yếu chân tay khi đi lại hay bị nói ngọng, líu lưỡi, rồi không nói được trong trường hợp phải trả lời nhiều câu hỏi; rồi chẩn đoán bằng việc nhỏ thuốc có thể thấy diễn biến nặng lên của bệnh; hay CT Scanner ngực cũng sẽ thấy tuyến ức to...

Để điều trị bệnh nhược cơ do tuyến ức phát triển quá mức thì mổ lấy bỏ toàn bộ tuyến ức là tốt nhất, sau đó kết hợp với điều trị nội khoa. Trước đây người ta thường phải mở lồng ngực hoặc mở dọc xương ức hay nền cổ để lấy khối u này, đây là phẫu thuật nguy hiểm có nhiều biến chứng và di chứng trong và sau mổ như chảy máu, nhiễm khuẩn, đặc biệt có sẹo và đau kéo dài sau mổ. Hiện nay mổ bệnh lý này với kỹ thuật nội soi được ưa chuộng nhất. Từ năm 2000, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã thực hiện mổ nội soi lồng ngực để lấy bỏ tuyến ức điều trị bệnh nhược cơ. Qua nhiều trường hợp được phẫu thuật cho thấy đây là phẫu thuật ngoài an toàn, người bệnh ít bị đau, ít nguy cơ bị nhiễm khuẩn vết mổ, còn có tính thẩm mỹ cao vì không có sẹo như mở ngực...

Liên Châu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.