Một ngôi sao ở Premier League kiện Twitter

21/05/2011 17:23 GMT+7

(TNO) Một ngôi sao ở Premier League đã khởi kiện Twitter sau khi chi tiết một “siêu lệnh” của tòa án mà cầu thủ đó xin được bị tiết lộ trên dịch vụ mạng xã hội này, theo BBC.

Cầu thủ có gia đình nói trên được cho là đã ngoại tình với ngôi sao của chương trình truyền hình thực tế Big Brother - Imogen Thomas trong khoảng 6 tháng.

Được đề cập với tên CTB trong hồ sơ tòa án, cầu thủ giấu tên cũng khởi kiện cả tờ The Sun của Anh và người tình cũ Thomas.


Đội bóng vô địch Premier League Manchester United - Ảnh: Reuters

CTB là một trong số những ngôi sao được tòa án ở Anh cấp cho một “siêu lệnh” nhằm ngăn chặn giới truyền thông đưa tin về các mối quan hệ bất chính của mình.

Tuy nhiên, vào đầu tháng này, một người ẩn danh trên Twitter đã nêu đích danh từng ngôi sao xin “siêu lệnh” của tòa án. Danh sách các ngôi sao nói trên đã được chuyển tiếp đến khoảng 2 triệu người.

Hãng BBC cho biết nguyên đơn đã yêu cầu Twitter tiết lộ thông tin về những người sử dụng ẩn danh trong vòng 7 ngày hoặc trong khoảng thời gian thích hợp theo luật của bang California, Mỹ, nơi Twitter đặt trụ sở. Twitter đã từ chối bình luận về sự kiện này.

“Siêu lệnh” là gì?

Tòa án ở Anh có thể ban hành nhiều loại lệnh (injunction) nhằm yêu cầu thực hiện hay ngăn chặn một hành động nào đó. Trong số đó, “siêu lệnh” (super injunction) là loại quyền lực nhất.

Thông thường, nó được dùng để ngăn ngặn việc đăng tải những thông tin về người nộp đơn vốn được đánh giá là mang tính bí mật và riêng tư. Không chỉ ngăn cản báo chí đăng tải thông tin, “siêu lệnh” còn cấm cả giới truyền thông đưa tin về sự hiện hữu của chính nó. Đây là lý do chính khiến nó được gọi là “siêu lệnh”.

Một trong những trường hợp nổi tiếng nhất từng xin “siêu lệnh” ở Anh là đội trưởng tuyển Anh John Terry vào đầu năm 2010. Khi đó, ngôi sao của Chelsea đã xin được một “siêu lệnh” nhằm ngăn cản báo chí đăng tải vụ dan díu với bạn gái của người đồng đội cũ Wayne Bridge.

Tuy nhiên, một thẩm phán sau đó đã bãi bỏ “siêu lệnh” này theo yêu cầu của một số tờ báo ở Anh. Vì thế, vụ bê bối ngoại tình của Terry đã bị phơi bày ra ánh sáng, dẫn đến việc cầu thủ này bị tước băng đội trưởng tuyển Anh và chỉ mới được phục chức trong thời gian gần đây.

Theo tờ Telegraph, Twitter, dịch vụ mạng xã hội có hàng triệu người sử dụng trên thế giới, có trụ sở tại Mỹ. Vì thế, nó nằm ngoài thẩm quyền tài phán của các tòa án ở Anh.

Vào tuần trước, Thomas đã đe dọa sẽ tiết lộ danh tính của người tình cũ trên một chương trình truyền hình trực tiếp sau khi một thẩm phán cáo buộc cô đã tống tiền.

Thomas nói: “Với tôi, tống tiền là một cáo buộc nghiêm trọng. Tôi không thể tin nổi có ai đó buộc tội mình tống tiền trên trang nhất của mọi tờ báo”.

Quyết định khởi kiện Twitter của cầu thủ nói trên làm dấy lên một làn sóng phản ứng dữ dội trên Twitter. Một người sử dụng trang mạng này nói: “Tôi nghĩ Twitter nên xin một siêu lệnh chống lại anh ta”.

Việc khởi kiện Twitter có vẻ như đã mang lại phản ứng ngược cho cầu thủ ẩn danh. Mặc dù không được phép nêu đích danh theo "siêu lệnh", báo chí Anh đã dùng một số gợi ý cho phép người đọc dễ dàng khám phá thông tin về cầu thủ đó.

Trong khi đó, giới truyền thông ở phía bên kia Đại Tây Dương cũng nhảy vào khai thác sự kiện và do không phải chịu ảnh hưởng của "siêu lệnh", báo chí Mỹ đã nêu thẳng danh tính của cầu thủ ngôi sao nói trên. Theo đó, đây là một cầu thủ kỳ cựu và mẫu mực hàng đầu tại Premier League.

Theo các chuyên gia pháp lý, hành động khởi kiện Twitter khó mang lại thành công vì các công ty ở Mỹ có thể bỏ qua hoặc từ chối thi hành một phán quyết của tòa án Anh.

Mặt khác, các trang mạng tại Mỹ được bảo vệ bởi Đạo luật về khuôn phép trong thông tin (Communications Decency Act), trong đó quy định các trang mạng không phải chịu nghĩa vụ pháp lý trước những thông tin do người sử dụng đăng tải.

Sơn Duân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.