Massage: Coi chừng uổng mạng!

20/05/2011 09:21 GMT+7

Tẩm quất, massage vốn được nhiều người coi là cách thư giãn, giảm mệt mỏi rất hữu hiệu nhưng thực hiện không đúng cách sẽ dẫn đến những biến chứng rất nguy hiểm, thậm chí tử vong.

Có thể nói việc day bấm các huyệt vị hay thực hiện các động tác xoa bóp ở vùng đầu, cổ là rất có ích, nhất là khi cơ thể mệt mỏi hoặc có những bức xúc quá mức về tinh thần. Ngay cả khi không có bệnh tật gì mà tự mình hoặc được người khác day bấm, xoa bóp đều đặn hằng ngày, hiệu quả phục hồi, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cũng không nhỏ. Chính vì thế nên xoa bóp, massage, bấm huyệt... ngày càng phổ biến.
 
Phải có kỹ thuật nhất định
 
Nắm bắt tâm lý này nên dù khách hàng có yêu cầu hay không, hầu hết nhân viên các tiệm cắt tóc, gội đầu vẫn sốt sắng thực hành các “bài” massage dưới hình thức day, bấm một số huyệt vùng đầu, mặt, cổ của khách. Thậm chí, họ còn mạnh tay vặn cổ, kéo tóc... Các chuyên gia về vật lý trị liệu phục hồi sức khỏe cảnh báo chúng ta cần cẩn trọng với việc thực hành các “bài” massage này vì hầu hết nhân viên các tiệm hớt tóc truyền nghề cho nhau theo kiểu biết gì chỉ đó chứ không qua bất kỳ trường lớp nào.

 
Minh họa: Nguyễn Tài

Theo bác sĩ Hoàng Khánh Toàn ở Khoa Y học Cổ truyền Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, những thủ thuật day, bấm và xoa, bóp này có ý nghĩa rất lớn trong việc cải thiện tuần hoàn não, lập lại sự cân bằng giữa hưng phấn và ức chế, đồng thời tăng cường khả năng chịu đựng của vỏ não trong điều kiện thiếu dưỡng khí. Tuy nhiên, dù những động tác này rất đơn giản nhưng việc xoa và day hay ấn và bóp ở vị trí nào trên cơ thể lẫn kỹ thuật tiến hành ra sao để đạt được hiệu quả cao nhất, không xảy ra phản ứng phụ lại không đơn giản. 
 

Khi cơ thể đang mắc các bệnh lý hoặc tình trạng sau đây thì không nên sử dụng massage: bệnh ngoài da, ghẻ lở, hắc lào, lang ben; ung thư xương, lao xương; tâm thần; say rượu, ăn quá no hoặc quá đói; suy kiệt, quá yếu; thoái vị nặng; bị chấn thương ngoại khoa; đau bụng, viêm ruột thừa.

(Nguồn: Bệnh viện Tuệ Tĩnh)

“Thực tế đã có những người sức vóc trông rất hoành tráng thế mà khi được bấm huyệt và xoa bóp thì lại lâm vào trạng thái “say kim”. Biểu hiện là toàn thân toát lạnh, vã mồ hôi, đầu choáng, hoa mắt, tay chân run rẩy, thậm chí có thể ngừng tim, co giật, sùi bọt mép như lên cơn động kinh”- bác sĩ Toàn cho biết.

Bác sĩ Phạm Việt Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh (Hà Nội), cho rằng muốn massage, xoa bóp, kể cả tẩm quất, đều phải có kỹ thuật nhất định.
 
Sau một ngày làm việc mệt mỏi, các cơ bị co lại nên việc xoa bóp nhẹ nhàng ở phần da, cơ sẽ giúp làm mềm và dãn cơ khiến chúng ta cảm thấy đỡ mỏi mệt và sảng khoái hơn. Tuy nhiên, cần phải căn cứ vào sức khỏe, độ tuổi của người được massage, tẩm quất để thực hiện các động tác cho hợp lý chứ không phải gặp ai cũng bấm, cũng day như nhau.
 
Nếu làm những động tác mạnh tác động vào phần xương, khớp thì có thể gây ra nhiều tác hại xấu, thậm chí liệt cột sống. Thực tế ở những trường hợp bệnh nhẹ, bệnh mãn tính thì phương pháp xoa bóp cũng có thể giúp giảm đau. Về nguyên tắc, trước khi thực hành các bài bấm huyệt, nhân viên cần được cung cấp kiến thức sơ đẳng về các vị trí huyệt, cường độ, kỹ thuật, thời gian tác động và nhất là các trường hợp có chỉ định cũng như chống chỉ định.
 
Rút cổ: Giập tủy như chơi
 
Bác sĩ Hoàng dẫn chứng cách đây chưa lâu đã có trường hợp tử vong ở Hà Nội do tẩm quất không đúng cách khiến nạn nhân gãy cổ và chết ngay tại chỗ. “Với những người không có chuyên môn về xoa bóp, bấm huyệt thì không bao giờ được làm các động tác bẻ mạnh các khớp, nhất là ở đốt sống cổ và cột sống là nơi tập trung tủy sống, trung tâm hô hấp. Bẻ không đúng cách sẽ gây co rút cổ, nặng hơn thì sẽ bong gân cột sống, liệt cổ, giập tủy. Những trường hợp bị ung thư xương, ung thư cột sống, khi bấm huyệt có thể dẫn đến tàn tật, thậm chí tử vong”- bác sĩ Hoàng lưu ý.
 
TS Trương Việt  Bình, Giám đốc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, cho biết xoa bóp là một trong những phương pháp vật lý trị liệu nhằm phục hồi và nâng cao sức khỏe. Tại bệnh viện, phương pháp này được dùng để chữa bệnh, ở các cơ sở dịch vụ thì gọi là massage còn khi người dân tự ý xoa bóp, thư giãn cho nhau mà không theo một bài bản nào thì gọi là tẩm quất. Theo quy định của Bộ Y tế, để có được kiến thức y học nhất định, hình thức đào tạo nhanh nhất là sơ cấp kỹ thuật viên xoa bóp bấm huyệt cũng phải học 3 tháng. Tham gia các lớp đào tạo sơ cấp này, học viên sẽ được học cả lý thuyết lẫn thực hành theo quy định của Bộ Y tế lẫn chỉ có cơ sở đào tạo được phép của Bộ Y tế mới được đào tạo.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.