Giảm giá một số mặt hàng bình ổn

20/05/2011 23:30 GMT+7

Ngày 20.5, Sở Công thương TP.HCM phối hợp với các đơn vị liên quan công bố điều chỉnh giảm giá một số mặt hàng bình ổn, áp dụng từ ngày 21.5.

Thanh Niên đã phỏng vấn bà Đào Thị Hương Lan, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM và bà Lê Ngọc Đào - PGĐ Sở Công thương TP.HCM chung quanh vấn đề này.

 
Giá đường, trứng, dầu ăn bình ổn được điều chỉnh giảm từ ngày 21.5 - Ảnh: H.Việt

Tại sao trong thời gian qua, giá một số mặt hàng bình ổn như đường, trứng, dầu ăn bán tại siêu thị không thấp hơn 10% so với giá các mặt hàng tương tự như quy định của chương trình bình ổn?

Bà Đào Thị Hương Lan: Ở thời điểm bắt đầu thực hiện chương trình bình ổn giá năm 2011 ngày 1.4, giá các mặt hàng bình ổn đều thấp hơn giá thị trường từ 10% trở lên. Tuy nhiên, do giá thị trường biến động trong thời gian sau đó đã kéo tỷ lệ này thấp lại chứ không phải giá của hàng bình ổn tăng. Giá hàng bình ổn là giá “chết”, cố định từ 1.4 đến 20.5. Các DN chỉ được điều chỉnh tăng khi giá nguyên liệu đầu vào tăng trên 15% chứ không phải dựa vào giá thị trường; chỉ điều chỉnh giảm khi giá thị trường thấp hơn 5%.

Xin cho biết giá thị trường được xác định như thế nào để làm căn cứ điều chỉnh giảm giá hàng bình ổn?

Bà Đào Thị Hương Lan: Chúng tôi căn cứ vào giá của Cục Thống kê và theo dõi giá ngoài thị trường qua hệ thống 15 chợ truyền thống. Từ đó xác định mức giá tham khảo để đối chiếu với giá hàng bình ổn. DN đăng ký giá bán mặt hàng bình ổn với Sở Tài chính, Sở sẽ đưa ra mức giá khảo sát bình quân của thị trường và cùng với DN đưa ra giá “thỏa thuận” phù hợp.

Vì sao giá thị trường làm cơ sở để điều chỉnh giá bình ổn lại không được công bố để người dân biết?

Bà Đào Thị Hương Lan: Chúng tôi không công bố mức giá khảo sát để đối chiếu này, giá sẽ do Cục Thống kê công bố. Năm nay là năm đầu tiên thực hiện cơ chế điều chỉnh linh hoạt và đây là lần đầu tiên điều chỉnh, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. DN đúng là cũng ít khi tự giác báo cáo giảm, chỉ quan tâm đến báo cáo tăng giá. Do đó cơ quan quản lý phải giám sát kiểm tra thường xuyên. Nguyên tắc là phải điều chỉnh kịp thời giá hàng bình ổn để đảm bảo hài hòa lợi ích của DN và người tiêu dùng.

Giá cả thị trường có nhiều thời điểm biến động rất nhanh, việc điều chỉnh giá hàng bình ổn có đủ linh hoạt để theo kịp các biến động đó?

Bà Lê Thị Đào: Khi giá thị trường giảm mà giá bình ổn chưa kịp điều chỉnh, DN sẽ thực hiện khuyến mãi với mức giảm tương đương trong thời gian chờ điều chỉnh. Việc này thực ra DN cũng không muốn khi công ty này giảm thế này, công ty kia khuyến mãi thế nọ. DN cần có mức giá thống nhất của chương trình bình ổn để an tâm, hơn là phải thực hiện khuyến mãi. Chúng tôi sẽ cùng Sở Tài chính thống nhất ngày thông báo điều chỉnh, cả tăng và giảm. Đồng thời thống nhất với DN là nếu giảm đột biến sẽ áp dụng hình thức khuyến mãi, còn khuynh hướng giảm dài hạn thì không.

Trong các năm trước, hàng bình ổn chỉ có ở nội thành, năm nay, độ bao phủ của chương trình được mở rộng như thế nào?

Bà Lê Thị Đào: Khác với mọi năm, mục tiêu của chương trình bình ổn năm nay là tập trung bán hàng vào các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), các quận huyện vùng ven, cụ thể là Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh, Thủ Đức và các chợ truyền thống. Ngày 19.5, một cửa hàng Co.op Food đã khai trương ở KCN Linh Trung. Trước đó đã có một cửa hàng ở KCN Hiệp Phước. Chúng tôi cũng đang chuẩn bị để mở điểm bình ổn ở KCN Tân Bình. Từ đây đến cuối năm sẽ phối hợp với Ban quản lý KCN - KCX TP.HCM mở 9 điểm bán hàng bình ổn ở các KCN để phục vụ công nhân. Hàng bình ổn cũng sắp được đưa vào KTX ĐH Bách khoa và Làng ĐH Thủ Đức. Tại Cần Giờ, DN đã được giao 2 mặt bằng, khoảng tháng sau sẽ bán hàng bình ổn ở đây.

UBND TP đã chỉ đạo sở ban ngành làm việc với UBND các quận huyện để rà soát mặt bằng, đặc biệt là khu vực ngoại thành để mở các điểm bình ổn. Đến nay, TP có 2.499 điểm bán hàng bình ổn, đa số tập trung nội thành. Vì thế, mục tiêu năm nay sẽ phát triển điểm bán ở vùng ven và ngoại thành. Hiện nay số lượng hàng của các DN bình ổn chiếm 30% thị phần.

Giá một số mặt hàng bình ổn áp dụng từ ngày 21.5

Đường RE 20.500đ/kg (giảm 1.000đ so với trước); dầu ăn cooking (loại thường) 34.000đ/l (giảm 1.000đ); dầu ăn có chất chống đông 37.000đ/l  (giảm 1.700đ); trứng gà (loại 1) 21.500đ/chục (giảm 1.000đ); trứng vịt 27.000 đ/chục (giảm 500đ).

Hệ thống Co.op Food đang giảm giá các mặt hàng gạo, đường. Giá gạo TD 1 (5% tấm) 10.000đ/kg (giảm 500đ); gạo TD2 (15% tấm) 9.800đ/kg (giảm 500đ); gạo TD 3 (25% tấm) 9.500đ/kg (giảm 500đ); gạo thơm Jasmine 13.000đ/kg (giảm 500đ); đường Thành Thành Công và đường Bonsu 20.500đ/kg (giảm 500đ). Ngày 25.5, Sở Tài chính sẽ công bố giá sữa bình ổn.

N.Trần Tâm - Hoàng Việt (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.