Thử nghiệm hệ thống cảnh báo sóng thần

16/05/2011 00:34 GMT+7

Sáng 15.5, Bộ NN-PTNT phối hợp với Công ty viễn thông Quân đội - Viettel tổ chức thử nghiệm hệ thống trực canh cảnh báo sóng thần tại Đà Nẵng.

Đúng 9 giờ sáng, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải và các lực lượng chức năng hồi hộp dõi theo tình huống giả định xảy ra động đất mạnh 8,8 Richter giữa biển. Ngay sau đó, hệ thống còi báo hiệu tại Trạm trực canh cảnh báo sóng thần nằm trong khuôn viên Trung đoàn thông tin 575 (Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng) hú liên hồi, báo hiệu cho người dân trong vòng bán kính 2 km biết thông tin về một trận động đất lớn đã xảy ra. Tiếp theo, Viện Vật lý địa cầu phát tin cảnh báo người dân có động đất lớn và nguy cơ sóng thần cao 6m tấn công vào bờ biển Đà Nẵng. Cùng lúc đó, các thuê bao di động (bước thử nghiệm ban đầu chỉ có mạng Viettel) nhận tin SMS cảnh báo, hệ thống loa phát đi thông tin xảy ra sóng thần và yêu cầu người dân di tản. Quá trình tiếp nhận thông tin từ Viện Vật lý địa cầu đến các trạm trực canh cảnh báo sóng thần, phát loa thông tin sơ tán khỏi các vùng bờ biển, vùng có nguy cơ cao về sóng thần diễn ra chưa đầy 20 phút.

Đây là lần đầu tiên, toàn bộ thiết bị cảnh báo sóng thần được một đơn vị trong nước thiết kế, sản xuất, lắp đặt, có giá thành thấp (khoảng 1 tỉ đồng/trạm).

Theo Viện Vật lý địa cầu thuộc Bộ NN-PTNT, nguy cơ ảnh hưởng của sóng thần đến vùng ven biển Việt Nam xuất phát và nguy hiểm nhất là ở vùng đứt gãy ngoài khơi phía tây của Philippines, cách bờ biển miền Trung từ 1.800 - 2.000 km. Nếu xảy ra động đất và sóng thần ở khu vực này thì thời gian sóng thần ập đến bờ biển miền Trung mất 2 giờ. Cũng theo Viện Vật lý địa cầu, các vùng biển của Việt Nam đều có khả năng bị ảnh hưởng sóng thần, trong đó vùng ven biển từ Quảng Bình đến Bình Thuận có nguy cơ cao nhất với độ cao sóng từ vài mét đến vài chục mét. Khi có sóng thần xảy ra, điều mà người dân quan tâm nhất là phải di tản đi đâu.

Theo ông Huỳnh Vạn Thắng - Phó giám đốc Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng, cho đến thời điểm này, vẫn chưa có phương án cụ thể phục vụ cho việc di dân. Tại Đà Nẵng, có một số núi nằm gần khu dân cư như Sơn Trà, Non Nước, Phước Tường, Hải Vân có thể là nơi trú tránh tốt khi xảy ra sóng thần. Thế nhưng vẫn chưa có một hướng dẫn, phân vùng cụ thể, tránh tình trạng chen lấn, dồn ứ về một nơi khi xảy ra sóng thần.

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng: "Việc tổ chức sơ tán dân dọc bờ biển và tàu thuyền trên biển trước thiên tai, mà đặc biệt khi xảy ra sóng thần phải nhanh chóng, quyết liệt, tuyệt đối không để xảy ra sai sót". Vì vậy, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT, Viettel xây dựng hoàn chỉnh 10 trạm trực canh cảnh báo sóng thần tại Đà Nẵng để làm cơ sở cho việc đầu tư các trạm tiếp theo trên ba miền.

Hữu Trà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.