Taxi dù, hàng rong bao vây du khách

16/05/2011 00:44 GMT+7

Vụ nữ nhà báo Rasniya Moho Rasid của tờ New Straits Times (Malaysia) bị taxi “nhái” chặt đẹp 4 triệu đồng cho quãng đường từ chợ Bến Thành (Q.1, TP.HCM) đến sân bay Tân Sơn Nhất chỉ là “giọt nước tràn ly” về tình trạng lừa gạt, chèo kéo làm phiền du khách.

>> Cướp giật rình rập du khách


Lộn xộn bán hàng rong, chèo kéo du khách trước Bưu điện thành phố - Ảnh: N.T.Tâm

Taxi “chém” khách

Ông Trần Duy Nguyên, Giám đốc Xí nghiệp phục vụ cộng đồng Thanh niên xung phong, đơn vị quản lý các trật tự viên “áo xanh”, nói rằng nạn chèo kéo, cướp giật tài sản du khách bùng phát trong những tháng đầu năm 2011, đặc biệt là taxi dù.

Du khách cảnh giác với taxi dỏm

Trên một diễn đàn về du lịch Việt Nam, du khách quốc tế đã chia taxi ở TP.HCM làm các loại gồm những hãng nên tránh xa, những hãng taxi nhái như Taxi du lịch số 2, Taxi Meter, Taxi Vinamet, Meter Taxi... Tất cả đều được chụp ảnh đính kèm bình luận. Trang mạng này khuyến cáo hãy thật cẩn thận vì taxi nhái trông rất giống taxi các hãng có uy tín.

“Thủ đoạn taxi chở vòng vo để lấy tiền bây giờ… xưa rồi”, một “áo xanh” - những người hằng ngày gần gũi với du khách nhất - thốt lên. “Giờ chở thẳng tới nơi, nhưng lợi dụng người nước ngoài không biết tiếng Việt, tiền Việt nên khi khách xòe tiền ra để trả thì tài xế chộp lấy mấy tờ mệnh giá lớn, lập tức đóng cửa xe vọt thẳng, hoặc từ chối thối lại tiền”, một “áo xanh” trực ở khu vực trung tâm kể. Điển hình như vụ  trưa ngày 18.3, tài xế taxi biển số 52V- 65... đưa khách từ Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tới dinh Thống Nhất, đoạn đường chừng 2 km nhưng đã thu 300.000 đồng, trong khi đồng hồ hiển thị 30.000 đồng. Du khách đã phản ứng, nhờ “áo xanh” can thiệp để lấy lại tiền. Hay vào chiều 23.3, một taxi dù chở khách từ Công viên Tao Đàn về khách sạn Rex với quãng đường chừng 3 km đã “chém” 200.000 đồng; một taxi dù khác từ Nhà hát Thành phố đến chợ Bến Thành lấy 400.000 đồng…

Khổ nạn chèo kéo

Bên cạnh cướp giật, taxi dù, xích lô lừa gạt, du lịch TP.HCM còn phải đối mặt với tình trạng hàng rong chèo kéo du khách, bán với giá trên trời những sản phẩm chất lượng kém. Một giám đốc công ty lữ hành thốt lên: “Khách Nhật mỗi năm mỗi sụt giảm chính do nạn chèo kéo”. Vài năm trước đây, khi khách Nhật còn lạ lẫm ở các điểm đến của Việt Nam đã trở thành mồi ngon của nạn chèo kéo. Những kẻ bán hàng rong đi xe gắn máy, chạy theo các xe chở khách Nhật, đến tận cửa khách sạn, vào sâu các điểm tham quan để bán cho được sản phẩm, mà khó có ai dám ngăn cản, kể cả hướng dẫn viên. Sản phẩm mà những kẻ chuyên chèo kéo du khách chủ yếu là tranh sơn mài, đồ lưu niệm thêu đan... chất lượng rất kém. Giờ thì khách Nhật đã có kinh nghiệm, nhất quyết chỉ mua trong các cửa hàng nên những người chèo kéo chuyển qua thị trường khách mới đến từ Malaysia, Indonesia, Nga. “Khách Pháp, Úc, Mỹ, Nhật, Hàn... bị lừa hàng dỏm nên họ truyền tai nhau đừng mua đồ lưu niệm ở Việt Nam”, một hướng dẫn viên cho biết.     

Trong một báo cáo mới đây gửi Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch TP.HCM, lực lượng “áo xanh” bày tỏ lo ngại nạn buôn bán chèo kéo đeo bám du khách ngày càng gây mất trật tự, làm xấu môi trường du lịch. Ngay chính lực lượng trật tự viên “áo xanh” do ít người nên không ít lần bị những người bán hàng gây gổ, dọa hành hung.

Nhiều hướng dẫn viên du lịch cho biết du khách vẫn thường xuyên phản ánh chuyện bị “chặt chém”. Hai lon bia Heineken mua gần chợ Bến Thành phải trả 80.000 đồng, một chiếc ví dỏm của người bán hàng rong phải trả 1 triệu đồng; uống trái dừa tươi bị “chặt”  500.000 đồng…

Ông Robert Tan, chuyên gia du lịch người Singapore, cho rằng: Cần có giải pháp kiên quyết chấn chỉnh, nếu không, những nỗ lực quảng bá của ngành du lịch sẽ mất tác dụng vì những chuyện nhỏ mà không nhỏ này. 

N.T.Tâm - H. Việt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.