Hòa quyện cùng Camkytiwa

15/05/2011 23:48 GMT+7

“Camkytiwa, một tinh thần đáng hoan nghênh”. Đó là lời nhận xét của GS-TS Trần Văn Khê sau khi thưởng thức chương trình biểu diễn của nhóm Camkytiwa hôm 14.5 tại Nhạc viện TP.HCM.

Gần 2 tiếng diễn ra, với 17 ca khúc là dân ca các miền của VN và 3 nước bạn (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc), 4 nghệ sĩ của nhóm Camkytiwa đã mang đến cho khán giả nhiều cảm xúc, vừa thân quen, gần gũi, vừa lạ lẫm, thú vị. Quen và gần, bởi đó là những giai điệu của Lý cây khế, Lý qua cầu, Lý chim quyên, Hò hụi, Bèo dạt mây trôi..., trong tiếng hát của Hương Thanh - người con xa quê trở về. Có lẽ đây là lần đầu tiên người yêu nhạc dân tộc được nghe những làn điệu rất VN ấy được cất lên trong sự hòa quyện với thanh âm của đàn Erhu (Trung Quốc), đàn Koto (Nhật) và Gômungo (Hàn). Vậy nên, có thể tiếng hát ấy dù chưa thật sự tinh tế, chưa đủ cung bậc để hóa mượt mà, ngọt ngào hay sâu lắng những câu dân ca, nhưng người nghe, có lẽ, đã không câu nệ đến yếu tố nghệ thuật, mà thưởng thức chương trình trong tinh thần chan hòa tình dân tộc nhiều hơn.


Camkytiwa trong đêm diễn 14.5 - Ảnh: N.V

Dù tính hòa quyện được đề cao, như lẽ tất yếu của bất kỳ sự kết hợp nào, thì khi những âm điệu ấy vang lên, vẫn cảm nhận được “màu dân tộc” thấm nhuần trong nét nhạc của từng nghệ sĩ. Đó là một Hương Thanh hát nhẹ nhàng như kể những câu chuyện dân ca xứ mình cho bạn diễn; một Yan Li như cất giấu hết tâm trạng, cảm xúc vào trong tiếng đàn Erhu, khiến người ta nghe mà ngẩn ngơ vì chẳng thể cắt nghĩa được nỗi buồn toát ra từ đâu; hay tiếng đàn Koto réo rắt đặc trưng màu sắc xứ Phù Tang; tiếng Gômungo đầy âm vọng của sự sôi nổi và uy lực. Có lẽ vì vậy mà khi hòa vào không gian thú vị từ những sắc thái âm nhạc rất riêng nhưng (cảm giác như) đầy mối giao tình thuận thảo, người mộ điệu sẽ nhớ, sẽ ấn tượng nhiều hơn với hình ảnh thật đẹp của nhóm nghệ sĩ Việt-Hàn-Trung-Nhật, của Camkytiwa, chứ không phải là những sơ suất trong kỹ thuật, trong ca từ...

Nói như GS-TS Trần Văn Khê, chỉ cần nghĩ đến việc làm thế nào để hiểu và cảm thấy hứng thú với âm nhạc cổ truyền của từng nước, tốn thời gian và tâm huyết thế nào để có thể kết hợp tinh tế các nhạc cụ với nhau, để khi biểu diễn, không chỉ chính các nghệ sĩ mà cả khán giả cũng cảm nhận được sự yêu thương nhau qua âm nhạc, chỉ vậy thôi là đã rất đáng khích lệ, đáng hoan nghênh rồi. Vì ý nghĩa đó, tin rằng âm vang của Camkytiwa sẽ còn bay xa hơn nữa.

Nguyên Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.