Công dụng của rau răm, rau mùi

13/05/2011 17:30 GMT+7

Những loại rau mà chúng ta thường dùng trong các bữa ăn là rau răm, rau mùi, ngò gai đều có công dụng chữa bệnh rất hay.

Rau răm

Theo lương y Vũ Quốc Trung, rau răm có vị cay, tính ấm, thường được dùng chữa đau bụng do hàn (lạnh), chữa rắn cắn, chàm ghẻ, mụn, kích thích tiêu hóa, kém ăn, và cả làm dịu bớt cơn hưng phấn tình dục.

Chẳng hạn như: để chữa chứng tiêu hóa kém, mỗi ngày dùng 15-20g cả thân và lá của rau răm (rau còn tươi), rửa sạch, vắt lấy nước cốt uống. Để chữa rắn cắn (tình trạng nhẹ) thì lấy khoảng 20 ngọn rau răm đem giã nát, vắt lấy nước cốt uống, bã còn lại dùng đắp vào chỗ rắn cắn, trước khi đến bệnh viện khám.

 
Rau răm, ngò gai, và rau mùi (ngò ta) - Ảnh: K.Vy 

Rau mùi

Rau mùi còn được gọi là ngò ta, có vị cay, tính ấm, giúp tiêu hóa thức ăn, trị phong tà, kiết lỵ, thông đại tiểu tiện, trị các chứng đậu, sởi khó mọc, phá mụn độc...

Ứng dụng thực tế như: để chữa tình trạng kiết lỵ, ta lấy một vốc hạt mùi đem sao vàng, tán nhỏ, mỗi lần dùng 7-8g bột này pha với nước, ngày uống 2 lần. Nếu lỵ ra máu thì uống với nước đường; lỵ có đàm thì uống với nước gừng, ngày cũng uống 2 lần như thế.

Còn để trị chứng loét niêm mạc lưỡi, dùng kết hợp rau mùi với rau húng chanh đem ngâm cả hai với nước muối pha loãng, rồi lấy ra nhai kỹ, nuốt lấy nước (nuốt từ từ và nhớ bỏ xác).

Ngò gai

Còn gọi là ngò tây, mùi tàu. Theo đông y, mùi tàu có vị the, tính ấm, mùi thơm hơi hắc, thanh uế, kích thích tiêu hóa, mạnh tỳ vị...

Để chữa chứng đầy bụng, ăn không tiêu, dùng ngò gai 50g, kết hợp với một ít gừng tươi. Ngò gai cắt đoạn, gừng thì đập dập. Cho 2 thứ vào nồi đất cùng 300-400 ml nước, nấu còn lại còn phân nửa, chia làm 2 lần uống cách nhau 3-4 giờ trong ngày. Để chữa sốt nhẹ do cảm, dùng ngò gai 30g, thịt bò tươi 50g, cùng vài lát gừng tươi, đem nấu chín, dùng nóng.

Khánh Vy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.