Ai dám vay vốn ngân hàng?

12/05/2011 01:03 GMT+7

Căng thẳng nguồn vốn khiến lãi suất cho vay được đẩy lên tới 23 - 24%, cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ lợi nhuận trung bình của các doanh nghiệp (DN) trong bối cảnh khó khăn những năm gần đây. Câu hỏi đặt ra là những ai dám vay vốn ngân hàng với giá cao thế này?

Đầu tiên là chắc chắn các DN có lợi nhuận cao, ít nhất phải hơn lãi suất ngân hàng. Chỉ có lợi nhuận cao hơn, họ mới đủ khả năng trả mức lãi vay này. Nhưng nhìn các kênh đầu tư hiện nay, kiếm được mức lợi nhuận khoảng 30% không đơn giản, nếu không muốn nói là quá khó. Hơn nữa, lợi nhuận và rủi ro luôn tỷ lệ thuận với nhau. Lợi nhuận cao luôn kèm theo rủi ro cao.

Nếu DN gặp rủi ro, khoản vay ngân hàng sẽ bị biến thành nợ xấu. Thứ hai là các DN rơi vào tình trạng "vay cũng chết, không vay cũng chết". Tuy nhiên, nếu vay được, vẫn còn nhen nhóm niềm hy vọng nên họ cố gắng vay bằng mọi cách. Đối với những khoản vay kiểu này thì nguy cơ trở thành nợ xấu cũng rất cao. Còn các DN sản xuất kinh doanh đơn thuần, có thể khẳng định, không dám vay với mức lãi suất này. Với họ, nếu có tiền mặt nên gửi ngân hàng, lãi suất còn cao hơn lợi nhuận thu được từ sản xuất.

Như vậy có thể thấy mức lãi vay quá cao hiện nay không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp mà còn gây rủi ro lớn cho hệ thống ngân hàng. Không giống nhau nhưng cả hai đều có nỗi khổ riêng. DN đói vốn nhưng không dám vay. Ngân hàng muốn hạ lãi suất cũng khó bởi với tình hình lạm phát cao hiện nay, muốn hạ lãi vay thì phải giảm lãi suất huy động. Nếu giảm lãi suất huy động thì vốn đầu vào sẽ "nghẽn" ngay lập tức vì người gửi tiền đương nhiên không chấp nhận lãi suất thực âm. Nhưng nếu huy động và cho vay với lãi cao như hiện nay thì lại đối mặt với rủi ro nợ xấu. Quan trọng hơn, việc lãi suất quá cao sẽ khiến đối tượng mà Chính phủ đang hướng dòng vốn chảy vào là các DN sản xuất kinh doanh không thể tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng. Khi vốn không vào, sản xuất đình trệ sẽ khiến lạm phát càng có nguy cơ tăng cao hơn.

Muốn hạ lãi suất, phải kiềm chế được lạm phát. Muốn kiềm chế được lạm phát, phải giảm tổng cầu trong nền kinh tế. Muốn giảm tổng cầu, phải cắt giảm đầu tư công, chi tiêu công. Tất cả những yếu tố này liên quan trực tiếp đến nhau nên cần phải được thực hiện một cách bài bản, khoa học và quyết liệt. Chính phủ đã và đang cắt giảm đầu tư công nhưng sẽ phải quyết liệt hơn, khẩn trương hơn để nguồn vốn chảy vào đúng chỗ, đúng nơi như Nghị quyết 11 đã đề ra. Nếu chúng ta chậm trễ, nguồn vốn vay với lãi suất cao sẽ chảy vào những khoản đầu tư rủi ro cao. Nguy cơ nợ xấu dẫn đến rủi ro thanh khoản cho hệ thống ngân hàng là điều có thể báo trước. 

Nguyên Khanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.