Cá chết hàng loạt trên sông Sêrêpốk

12/05/2011 08:01 GMT+7

(TNO) Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường - Công an tỉnh Đắk Nông đang tiến hành điều tra để xác định nguồn xả thải gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt trên sông Sêrêpốk.

Cá chết trắng sông, Phòng TN-MT không biết!

Về việc cá tự nhiên chết ngập một khúc sông dài vào trưa 7.5, bà Lương Thị Phước ở thôn 1, xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột, kể lại: “Hôm đó, vợ chồng tôi làm rẫy sát bờ sông bỗng thấy hiện tượng từng đàn cá đập quẫy tưng bừng, sau đó nổi lờ đờ trên mặt sông, tôi dùng vợt, lưới, thậm chí cả tay không bắt được gần một tạ rưỡi cá. Nhiều người ở các thôn lân cận cũng kéo nhau đi vớt cá, ồn ào cả một khúc sông…”.

Anh Lò Văn Dũng ở thôn 9 xã Hòa Phú, người vớt hơn 2 tạ cá, cho biết: “Ban đầu mọi người vớt đủ loại cá, sau đó thấy cá nhiều quá nên chỉ vớt cá to, mỗi con độ vài ký đến trên chục ký, chủ yếu là cá chép, trắm, nhưng cũng có cả cá lăng, cá chình chuyên sống dưới đáy sông nổi lên giãy chết”.

Sông Sêrêpốk nằm giữa hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, hai bờ nối nhau qua cầu 14. Phía hữu ngạn là xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), tả ngạn là xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút (Đắk Nông). Hai bên bờ sông có 2 KCN Hòa Phú và Tâm Thắng đối diện nhau. Ông Y Doan Niê, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú, cho biết đã báo cáo việc ô nhiễm nước sông Sêrêpốk dẫn đến cá chết hàng loạt lên chính quyền TP Buôn Ma Thuột, nhưng chưa thấy cơ quan chức năng nào về “thăm hỏi” tình hình. Đây là lần thứ hai xảy ra hiện tượng này, lần đầu là vào thời gian đầu năm 2010.

Khi tiếp xúc với chúng tôi, lãnh đạo Phòng Tài nguyên-Môi trường huyện Cư Jút tỏ ra bất ngờ trước thông tin cá chết trên sông Sêrêpốk.

Công an vào cuộc

Theo ông Y Doan Niê, người dân trong xã đặt nghi vấn có thể do 2 nhà máy đường và cồn tinh chế trong KCN Tâm Thắng thuộc huyện Cư Jút phía thượng nguồn xả thải chưa qua xử lý xuống sông vào thời điểm nước cạn, gây ngộ độc cho cá.

Ông Lê Thanh Hoàng, Phó giám đốc Công ty CP Mía đường Đắk Nông, đơn vị có nhà máy đường tại KCN Tâm Thắng, cho biết hiện nhà máy mỗi ngày chỉ xả khoảng 70m3 nước thải sản xuất có nồng độ ô nhiễm cao vào bể chứa để xử lý bằng vi sinh; còn nước “làm mát thiết bị” lên đến 1.200m3 hàng ngày thì được xả vào cống chung của KCN để chảy ra sông Sêrêpốk. Ông Hoàng cho rằng, lượng nước thải “làm mát thiết bị” đã được cơ quan chức năng đánh giá đạt yêu cầu, không gây ô nhiễm.

Trong khi đó, tại nhà máy cồn tinh chế của Công ty TNHH Đại Việt, ông Nguyễn Trọng Toàn, Giám đốc công ty, khẳng định nhà máy hoàn toàn không xả nước thải ra sông Sêrêpốk.

Các doanh nghiệp trong diện nghi ngờ khẳng định không xả thải ra môi trường. Vậy nguyên nhân nào khiến sông Sêrêpốk ô nhiễm gây cá chết hàng loạt? Trao đổi với PV Thanh Niên, Trung tá Bùi Ngọc Tiến, Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường - Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, cơ quan này đang tiến hành điều tra làm rõ thủ phạm gây ô nhiễm khiến cá chết trên sông.

Trần Ngọc Quyền 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.