Để bạn trẻ quản lý tài chính hiệu quả

10/05/2011 17:45 GMT+7

Nhiều bạn trẻ không chủ động lập kế hoạch tài chính cá nhân, nên thay vì đầu tư vào những gì cần thiết thì họ lại đổ tiền vào những thứ không nên hoặc chưa nên xài.

Đó là một trong những nội dung mà bà Lisa Sherburne (ảnh)- Trưởng ban HIV và Sức khỏe thanh niên của Tổ chức Cứu trợ trẻ em tại VN trả lời phỏng vấn với PV Thanh Niên.

Xin bà cho biết tầm quan trọng của giáo dục tài chính (GDTC) và vì sao Tổ chức Cứu trợ trẻ em chú trọng thực hiện chương trình này cho học sinh VN?

Từ năm 2009 đến nay, chúng tôi đã thực hiện 3 đợt khảo sát với khoảng 800 học sinh tại 5 trường THPT ở TP.HCM. Kết quả cho thấy, nhiều bạn trẻ chưa biết sử dụng tiền bạc tuy được cha mẹ cho khá nhiều tiền. Nhiều phụ huynh chỉ chăm chú vào việc học nhưng lại bỏ quên việc hướng dẫn, giám sát chi tiêu của con em mình. Cha mẹ - con cái có những vấn đề khó trao đổi với nhau, trong đó có chuyện tiền bạc.

 
Cả gia đình cùng học cách tiết kiệm - Ảnh: Tổ chức Cứu trợ trẻ em cung cấp

 

Có nhiều lý do để tiến hành GDTC vì nó mang lại giá trị suốt đời cho bạn trẻ và cho mọi người nói chung. GDTC giúp các em có thể hạn chế những rủi ro trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, kèm theo là những thay đổi, chuyển biến trong gia đình. Đây là giai đoạn các em đang trưởng thành nên rất cần trang bị những kỹ năng cần thiết để có thể ra quyết định đúng đắn về tài chính và tự chịu trách nhiệm về những quyết định đó.

Hãy tiết kiệm mọi lúc mọi nơi. Khoản tiền bạn để dành có thể rất nhỏ nhưng nếu tiết kiệm hằng ngày, hằng giờ dần dần cũng sẽ thành một khoản đáng kể

Mặt khác, từ thực tiễn khủng hoảng kinh tế ở châu u và nước Mỹ, chúng ta rút ra bài học rằng: Người nào có kiến thức về GDTC thì thường trải qua khủng hoảng vững vàng hơn những người khác.

Khi không biết cách quản lý tiền bạc, những bạn trẻ thường gặp phải vấn đề gì?

Dù được cha mẹ cho nhiều tiền nhưng có đến 2/3 học sinh được khảo sát cho rằng các em gặp vấn đề khi có chi tiêu đột xuất xảy ra. Một nguyên nhân phổ biến là nhiều bạn trẻ không chủ động lập kế hoạch tài chính cá nhân, không phân biệt được đâu là cái họ cần và đâu là cái họ muốn trong khi tiêu xài. Do nên, thay vì đầu tư vào cho những điều cần thiết như học hành, công việc tương lai… thì các bạn ấy lại đổ tiền vào những thứ không nên hoặc chưa nên xài. Hiện nay, có rất nhiều dịch vụ tài chính phục vụ cuộc sống chúng ta, trong đó có những dịch vụ hữu ích cho bạn trẻ. Thế nhưng, do chưa biết và chưa tiếp cận được những dịch vụ đó nên nhiều bạn bỏ qua những cơ hội để quản lý tài chính cá nhân tốt hơn.

 
Ảnh: Như Lịch

Một số nghiên cứu khác cho thấy, do thiếu sự giám sát hoặc thiếu hướng dẫn về cách chi tiêu cộng với sự thiếu sự kiểm soát bản thân nên có những bạn trẻ bắt đầu thử hút một số loại ma túy vì cho rằng chúng sẽ giúp họ trở nên “sành điệu” mà không có hại. Chính điều này thường dẫn đến việc họ tiêm chích ma túy trong tương lai.

Không chỉ học sinh mà nhiều người đang đi làm cũng rất cần học cách quản lý tài chính. Bà có lời khuyên gì dành cho họ?

Hãy tiết kiệm mọi lúc mọi nơi. Khoản tiền bạn để dành có thể rất nhỏ nhưng nếu tiết kiệm hằng ngày, hằng giờ dần dần cũng sẽ thành một khoản đáng kể. Hơn nữa, ngay từ khi còn rất trẻ, các bạn cũng cần chủ động lập kế hoạch cuộc đời kèm với kế hoạch tài chính. Chẳng hạn, bạn nên chuẩn bị những gì khi nghĩ tới mốc 30 tuổi - lúc bạn muốn đi du lịch hoặc mua nhà? Hoặc đến mốc 50 tuổi, có thể bạn muốn nghỉ hưu sớm hơn thì kế hoạch tài chính chuẩn bị sẵn sàng ra sao vì lúc đó bạn không còn làm ra tiền nữa?...  

Dự án Giáo dục tài chính cho học sinh THPT do Tổ chức Cứu trợ trẻ em tại VN, Quỹ Citi phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo TP.HCM  triển khai từ tháng 12.2009 đến 30.6.2011 tại một số trường THPT trên địa bàn TP.HCM, như Marie Curie, Nguyễn Du, Nguyễn Hữu Huân, Lê Hồng Phong và Hùng Vương. Dự án nhằm cải thiện kiến thức, kỹ năng và thực hành liên quan đến quản lý tài chính cá nhân của học sinh.

 

Sử dụng đồng tiền khôn ngoan

“Thầy đưa ra tình huống giải quyết tài chính là trong một tuần có một số tiền nhưng lỡ xài hết. Một số bạn nói là sẽ về nhà khóc lóc với bố mẹ là được cho thêm tiền. Nhưng đây không phải là phương pháp tối ưu vì không tạo tính tự lập cho bản thân. Trải qua những bài học, em đã biết tiết kiệm, cân nhắc và lựa chọn khi mua hàng hóa. Thậm chí, khi muốn mua giày em phải coi lại tuổi thọ những đôi giày ở nhà, giá cả có phù hợp, không chạy theo mong muốn nhất thời mà mua những thứ vượt quá khả năng của gia đình”.

Vũ Thị Anh Thư - Học sinh trường THPT Marie Curie TP.HCM

“Trước giờ em không có kế hoạch chi tiêu hợp lý mà chỉ biết thích gì thì mua đó. Thậm chí, em còn nhịn ăn, để dành tiền mua món đồ mình thích. Em nghĩ đơn giản là nhịn ăn sáng thì trưa về nhà ăn cơm, dù sao ở nhà lúc nào cũng có đồ ăn. Nhưng bây giờ thì em nghĩ đến ba mẹ nhiều hơn và lo cho tương lai.

Phan Minh Thảo Vy - Học sinh trường THPT Marie Curie TP.HCM

“Hiểu đúng về giá trị và ý nghĩa của tiền bạc sẽ giúp học sinh không xài tiền phung phí và biết chia sẻ những khó khăn, vất vả của cha mẹ khi kiếm tiền. Nó cũng là cột mốc để đánh dấu các em đã trưởng thành và sẵn sàng bước vào đời. Tiết kiệm và sử dụng đồng tiền khôn ngoan nên được dạy cho học sinh”.

Nguyễn Mạnh Hùng - Phó hiệu trưởng trường THPT Marie Curie TP.HCM

Tuyết Vân
(ghi)

Như Lịch
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.